MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do ngân hàng rốt ráo tăng lãi suất, phát hành trái phiếu

10-07-2024 - 05:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian gần đây, các ngân hàng đang chạy đua tăng lãi suất huy động cũng như đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng lượng vốn huy động dài hạn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng được sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng phải tuân theo quy định về tỷ lệ tối đa 30%. Do đó, để đảm bảo quy định, hàng loạt ngân hàng gần đây đã tăng lãi suất huy động nhằm mục đích huy động vốn để cho vay lớn khi nền kinh tế đang hồi phục. Mức chênh lệch kỳ hạn dài và tiền gửi ngắn hạn có thể lên đến 2% tùy kỳ hạn và tùy từng ngân hàng.

Xu hướng tăng lãi suất huy động rộ lên từ tháng 3 và đến nay đã bước sang tháng thứ 5. Mức lãi suất từ 5%/năm áp dụng cho tiền gửi các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên nay đang được các nhà băng tăng lên 6%.

Cùng với tăng lãi suất, để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn và đảm bảo các yêu cầu về an toàn vốn cho tăng trưởng kinh doanh, thời gian gần đây các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu .

Lý do ngân hàng rốt ráo tăng lãi suất, phát hành trái phiếu- Ảnh 1.

Các ngân hàng tăng cường phát hành trái phiếu để đa dạng hóa nguồn vốn huy động dài hạn.

Thông tin về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngày 5/7, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6 có 41 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với khối lượng hơn 110.000 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng phát hành của tổ chức tín dụng nửa đầu năm đạt 69.600 tỷ đồng, chiếm áp đảo 63,2%.

Theo thống kê của VIS Rating, các ngân hàng đã phát hành tổng cộng 196 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023, cao hơn đáng kể mức 104 nghìn tỷ đồng của năm 2019.

Các số liệu cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2023, 72% trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành được phát hành bởi các ngân hàng quốc doanh, trong khi 98% trái phiếu thường, không có tài sản đảm bảo, được phát hành bởi các ngân hàng cổ phần tư nhân.

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát gần 80.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 64% tổng giá trị trái phiếu phát hành.

Theo các chuyên gia phân tích của FiinRatings, nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ tăng, để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng sẽ cần củng cố nguồn vốn trung và dài hạn, trong đó bao gồm hình thức phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2.

Nhận định về thị trường, các chuyên gia của VIS Ratings kỳ vọng, ngành ngân hàng sẽ phát hành hơn 283.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 trong 3 năm tới. Trong 3 năm tới, dự báo gần 55% trái phiếu tăng vốn cấp 2 mới sẽ được phát hành bởi nhóm ngân hàng quốc doanh do trái phiếu tăng vốn cấp 2 đang lưu hành của các ngân hàng này bị giảm đáng kể do bị khấu trừ.

"Một vài ngân hàng tư nhân nhỏ có khả năng sinh lời yếu sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ 3-4% tỷ lệ an toàn vốn. Ngoài ra, một số ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn sẽ sử dụng trái phiếu tăng vốn cấp 2 để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao”, chuyên gia VIS Ratings nhận định.

Theo Ngọc Mai

Báo Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên