Lý do rời Trung Quốc và các xu hướng đầu tư của người Nhật ở Việt Nam trong thời gian tới ra sao?
Trong 102 doanh nghiệp Nhật quyết định di dời sản xuất tại Trung Quốc, nơi di chuyển đến xếp hàng đầu là Việt Nam – ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội cho biết.
- 14-02-2020Tại sao Thái Lan có nguy cơ mất vị trí xuất khẩu gạo vào tay Việt Nam?
- 13-02-2020Xem xét việc cấp lại giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways
- 13-02-2020Thủ tướng ra công điện gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do virus Corona
Việt Nam là điểm đến hàng đầu được các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn nếu rời khỏi Trung Quốc, theo khảo sát mới nhất của JETRO, công bố sáng 14/2.
Cụ thể 122 doanh nghiệp đã trả lời rằng họ có di chuyển địa điểm sản xuất. Trong đó, 62,7% nguồn di chuyển là Trung Quốc, còn nơi chuyển đến là Việt Nam với 42,3%.
Việt Nam đứng số 1 trong danh sách – ông Takeo nói. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%), Indonesia (16,5%)...
Dù vậy, việc chuyển hướng đầu tư ở Việt Nam được hiểu là chuyển một phần sản xuất chứ không phải đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc và sang Việt Nam hoàn toàn, ông Takeo giải thích. Đến thời điểm hiện tại, JETRO chưa ghi nhận một trường hợp doanh nghiệp bỏ hẳn sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam.
"Việc mở thêm nhà máy ở Việt Nam nhằm phân tán rủi ro", ông nói.
Tuỳ thuộc vào chiến lược của doanh nghiệp, sản phẩm sẽ được quyết định sản xuất ở nước nào. Trong đó, một vài dòng sản phẩm sẽ bị dừng hẳn ở Trung Quốc và sẽ sản xuất ở Việt Nam.
Đại diện JETRO cũng nhấn mạnh chiến tranh thương mại không chỉ phải lý do duy nhất khiến việc sản xuất ở Trung Quốc gặp khó khăn. Hiện chi phí sản xuất ở đất nước tỷ dân đang tăng nhanh dù đã áp dụng nhiều công nghệ. "Doanh nghiệp muốn né chi phí cao", ông cho biết.
Doanh nghiệp Nhật hiện đang đầu tư ở Việt Nam theo hai hướng: gia công chế biến để xuất khẩu (xuất ngược sang Nhật); sản xuất cho thị trường tiêu dùng nội địa.
Do đó, trong thời gian tới, ông Takeo cho biết các nhóm ngành dự báo gia tăng đầu tư bao gồm công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ số, bán lẻ (với sự hiện diện của Uniqlo và việc AEON mở rộng đầu tư).
Ngoài ra, ông cũng cho rằng người dân Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn sức khoẻ, do đó, mảng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cũng đang được nhiều doanh nghiệp Nhật chú ý. Với du lịch, nhiều khả năng trong thời gian tới, hai nước sẽ có hơp tác nhiều hơn. "Tất nhiên độ trễ của nhóm này sẽ cao do ảnh hưởng của dịch bệnh", ông Takeo cho hay.