MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý do tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng thấp nhất 5 thành phố trực thuộc Trung ương

“Chúng ta là địa phương thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương việc giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sụt giảm, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn” - ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - nói.

Ngày 12/12, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 15.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho biết: Năm nay, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 2,58% so với năm 2022. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ ước tăng 4,1%; khu vực công nghiệp- xây dựng ước giảm 2,05%; khu vực nông - lâm nghiệp - thuỷ sản ước tăng 1,19%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước giảm 12,3%; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giảm 14,6%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 20.598 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán HĐND TP giao, bằng 85,6% so với năm 2022.

Lý do tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng thấp nhất 5 thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 1.

Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - phát biểu tại kỳ họp.

Theo ông Minh, nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp do ảnh hưởng lớn của tình hình kinh tế thế giới, nhiều đơn hàng sản xuất bị cắt giảm dẫn tới tình trạng thu hẹp quy mô trong hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo. Tiến độ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 còn chậm, do nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập thủ tục...

Ông Minh cho biết: Năm 2024 được thành phố xác định là năm cần tạo ra bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Theo ông Minh, để phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố với Chủ đề năm 2024 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Đồng thời, phải tập trung tháo gỡ khó khăn , khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là đối với các dự án quy mô lớn đang có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án; tập trung vào các dự án thuộc thẩm quyền xử lý của thành phố để tăng thu ngân sách Nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Lý do tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng thấp nhất 5 thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh 2.

Một góc TP. Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, năm nay thành phố còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục, nhất là mức tăng trưởng GRDP thấp.

“Chúng ta là địa phương thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương việc giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách chưa đạt yêu cầu, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sụt giảm, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn”, ông Quảng nói.

Bí thư Đà Nẵng đề nghị HĐND TP cùng các cấp, các ngành cần quyết tâm và chủ động hơn nữa, khắc phục các khó khăn, hạn chế, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.

Cụ thể, thành phố đặt mục tiêu năm 2024, GRDP tăng từ 8-8,5%; thu ngân sách tăng từ 5-7% so với ước đạt của năm 2023. Đặc biệt là xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ AI phát triển nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của thành phố trong thời gian đến.

Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị HĐND và UBND TP cần chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119 của Quốc hội. Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất các cơ chế , chính sách đặc thù phát triển thành phố theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh, kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND TP sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu theo nghị quyết của Quốc hội. Đây là hoạt động giám sát rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; góp phần đánh giá uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

"Thông qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới", ông Quảng cho biết.

Theo Nguyễn Thành

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên