MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải cách nền kinh tế Nga vượt qua sự phong tỏa của phương Tây

20-08-2023 - 16:36 PM | Tài chính quốc tế

Việc Moskva nhanh chóng “xoay trục” sang châu Á từ châu Âu với tư cách là một đối tác thương mại có thể mang lại lợi thế cho Nga. Ảnh: WSJ

Việc Moskva nhanh chóng “xoay trục” sang châu Á từ châu Âu với tư cách là một đối tác thương mại có thể mang lại lợi thế cho Nga. Ảnh: WSJ

Quy mô tuyệt đối của Nga khiến việc tách nước này ra khỏi nền kinh tế thế giới là điều không thể. Nga vẫn là nguồn nguyên liệu thô chính cho các nền kinh tế tiên tiến, trong khi đối với các nước đang phát triển, Moskva là nhà cung cấp thực phẩm và phân bón quan trọng.

Theo nhận định của tờ Wall Street Journal (Mỹ) mới đây, chỉ vài tuần sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, một quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo Moskva rằng hàng loạt lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu có thể khiến nền kinh tế của Nga sụp đổ.

Nhưng gần đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra một số tin tức lạc quan cho Điện Kremlin, cho biết họ hiện kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, được hỗ trợ bởi chi tiêu nhà nước rộng rãi. Điều đó xảy ra sau sự sụt giảm 2,1% GDP vào năm trước, khi Nga trở thành nền kinh tế lớn bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.

Các nhà kinh tế cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến nền kinh Nga trì trệ trong những năm tới, với tác động chính của chúng – gây lạc hậu về công nghệ và không có khả năng hiện đại hóa - sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế của nước này trong dài hạn.

Tuy nhiên thất bại của phương Tây trong việc khiến nền kinh tế Nga nhanh chóng sụp đổ phản ánh một thế bế tắc lớn hơn của họ trên chiến trường ở Ukraine, bất chấp hàng loạt viện trợ sát thương và tài chính của phương Tây dành cho Kiev.

Khi lệnh trừng phạt được công bố, các quan chức chính quyền Biden mô tả là chúng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử, với thực tế là cú sốc ban đầu và sự lo ngại đã làm chao đảo thị trường tài chính của Moskva. Nhưng hiện nay, nền kinh tế Nga đã phục hồi, đủ để Điện Kremlin có thể duy trì một cuộc chiến tranh tiêu hao mà Mỹ từng hy vọng không xảy ra.

Các biện pháp trừng phạt ban đầu khiến Nga thiếu vi mạch và linh kiện công nghệ cao vào năm ngoái, hạn chế khả năng sản xuất tên lửa dẫn đường chính xác của nước này. Nhưng kể từ đó, Moskva đã tìm ra cách khắc phục thông qua các nước láng giềng và hiện vẫn có khả năng tấn công Ukraine bằng vũ khí chính xác.

Trong khi đó, nguồn dầu thô của Nga tiếp tục chảy, ngay cả khi giá thấp hơn gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước. “Các biện pháp trừng phạt vẫn chưa phá hủy nền kinh tế Nga”, Sergei Guriev, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chính trị Science Po ở Paris và là cựu cố vấn của Chính phủ Nga, cho biết.

Các biện pháp trừng phạt trở thành một công cụ chính sách đối ngoại thường được Mỹ sử dụng sau khi nước này trở thành một cường quốc kinh tế trong thế kỷ trước. Theo các nhà phân tích nghiên cứu về chúng, những biện pháp trừng phạt đã có một kết quả khiêm tốn, thường không gây ra sự thay đổi đáng kể trong hành vi, đặc biệt là với các quốc gia lớn như Nga.

Do đó, cách Nga xoay sở để tránh sụp đổ kinh tế và đạt được một số tăng trưởng trong vòng một năm bất chấp sự phong tỏa kinh tế của phương Tây sẽ là một trường hợp nghiên cứu cho các nhà phân tích cân nhắc xem liệu các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa như một công cụ chính sách trong tương lai hay không.

Lý giải cách nền kinh tế Nga vượt qua sự phong tỏa của phương Tây - Ảnh 1.

Chính quyền Biden cho rằng các biện pháp trừng phạt là cần thiết để tăng “cái giá mà Nga phải trả cho cuộc xung đột ở Ukraine”. Ảnh: AP

Chính quyền Biden đã bảo vệ các biện pháp trừng phạt, cho rằng chúng cần thiết để tăng “cái giá mà Nga phải trả cho cuộc xung đột ở Ukraine”. Một quan chức chính quyền cấp cao Mỹ nói: “Chúng tôi đang làm cho nền kinh tế Nga trở nên kém kiên cường hơn và ít có khả năng tự phục hồi theo thời gian hơn. Nga sẽ gặp khó khăn hơn để duy trì cuộc xung đột với Ukraine”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, đằng sau khả năng phục hồi kinh tế của Nga là sự kích thích đáng kể của chính phủ, sự chuyển hướng sang nền kinh tế thời chiến và sự chuyển hướng thương mại chưa từng có của nước này sang các đối tác châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ví dụ, chi tiêu của Chính phủ Nga đã tăng 13,5% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 1996. Các nhà kinh tế cho rằng phần lớn sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp của Nga năm nay là nhờ vào lĩnh vực vũ khí và trang thiết bị. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ cung cấp kinh phí không giới hạn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Moskva.

Sản lượng của “hàng kim loại thành phẩm” – một dòng sản phẩm mà các nhà phân tích cho rằng bao gồm cả vũ khí và đạn dược – đã tăng 30% trong nửa đầu năm nay so với năm ngoái. Các ngành khác liên quan đến sản xuất quân sự cũng tăng. Sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và quang học tăng 30%, trong khi sản lượng may mặc đặc biệt tăng 76%.

Alexandra Prokopenko, cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga, hiện là học giả tại Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu có trụ sở tại Berlin, cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là sự gia tăng mạnh mẽ thông qua tổ hợp công nghiệp-quân sự".

Nhu cầu toàn cầu tiếp tục duy trì đối với hàng hóa của Nga cũng đã thúc đẩy nền kinh tế của nước này. Năm ngoái, Nga đã ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục, một thước đo tổng quát về dòng vốn chảy vào nền kinh tế.

Năm nay, lệnh cấm của EU đối với hầu hết dầu nhập khẩu của Nga đã làm giảm doanh thu trong lĩnh vực này của Moskva. Các nhà nghiên cứu tại Capital Economics dự đoán doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm từ 340 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 200 tỷ USD trong năm nay và ổn định ở mức đó vào năm 2024.

Lý giải cách nền kinh tế Nga vượt qua sự phong tỏa của phương Tây - Ảnh 2.

Nga đã chuyển hướng để bán dầu của mình cho châu Á. Ảnh: EPA

Nhưng Moskva đã chuyển hướng để bán dầu của mình cho châu Á bằng cách tạo ra một đội tàu chở dầu được sở hữu, bảo hiểm và thuê bên ngoài phương Tây. Điều đó cũng đã giúp giảm bớt mức chiết khấu mà dầu của Nga bán ra so với tiêu chuẩn toàn cầu trong những tuần gần đây.

“Nga tiếp tục bán (dầu) cho những nước không phải là thành viên của liên minh trừng phạt phương Tây và theo nghĩa đó, tác động của các lệnh trừng phạt dầu mỏ, mặc dù đáng kể, nhưng vẫn chưa mang tính quyết định”, Giáo sư Guriev nói.

Nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu của Nga cho đến nay cũng cho thấy nhiều kết quả khác nhau với hiện chỉ khoảng 65% doanh nghiệp công nghiệp ở Nga phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu, theo một cuộc thăm dò của Trường Đại học Kinh tế Moskva được công bố vào tháng 6 vừa qua.

Nicholas Mulder, Giáo sư lịch sử tại Đại học Cornell, chuyên gia về các biện pháp trừng phạt, cho biết nỗ lực trừng phạt một quốc gia lớn như Nga của phương Tây có thể trở thành một vấn đề cảnh báo về lâu dài. Theo ông, quy mô tuyệt đối của Nga khiến việc tách nước này ra khỏi nền kinh tế thế giới là điều không thể. Nga vẫn là nguồn nguyên liệu thô chính cho các nền kinh tế tiên tiến, trong khi đối với thế giới đang phát triển, Moskva là nhà cung cấp thực phẩm và phân bón quan trọng.

Ông Mulder kết luận, việc Moskva nhanh chóng xoay trục sang châu Á từ châu Âu với tư cách là một đối tác thương mại có thể mang lại lợi thế cho Nga nhằm tránh cách lệnh trừng phạt: “Nga trên thực tế đã liên kết với khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới. 3/4 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay sẽ là ở châu Á. Nếu không có sự hợp tác của châu Á, phương Tây không thể làm tê liệt nền kinh tế của Nga”.

Theo Công Thuận

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên