MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải động lực đưa thu nhập ngoài lãi tăng mạnh ở nhiều ngân hàng

11-02-2023 - 10:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Lý giải động lực đưa thu nhập ngoài lãi tăng mạnh ở nhiều ngân hàng

Thu nhập từ dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ là một trong những điểm sáng lớn nhất trong kểt quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong năm 2022.

Việc đẩy mạnh các hoạt động thu nhập ngoài lãi đã trở thành xu hướng tăng trưởng của các ngân hàng trong những năm gần đây. Tầm quan trọng của nguồn thu nhập ngoài lãi càng được khẳng định trong năm 2022 vừa qua, khi thu nhập từ lãi bị ảnh hưởng đáng kể do lãi suất tăng lên. Nguồn thu nhập ngoài lãi thường bao gồm thu từ dịch vụ thanh toán, thu phí bảo hiểm, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng đầu tư (mua bán chứng khoán, phân phối trái phiếu),....Việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu nhập và tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của nhiều ngân hàng cho thấy, hoạt động kinh doanh phi tín dụng, hay thu nhập ngoài lãi tăng trưởng ấn tượng, đã góp phần lớn tạo nên kết quả kinh doanh tích cực.

Tại Techcombank, thu nhập từ phí ghi nhận tăng trưởng 25% so với năm 2021, đạt hơn 9.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% trong tổng thu nhập hoạt động.

Kết quả này gây không ít bất ngờ, bởi Techcombank tưởng chừng là ngân hàng sẽ bị tác động về phí dịch vụ, khi chiếm thị phần lớn ở mảng tư vấn phát hành trái phiếu, vốn gặp nhiều khó khăn trong năm 2022.

Trên thực tế, thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư đã giảm 28% so với năm 2021, phản ánh sự chậm lại trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, song Techcombank đã có những chính sách linh hoạt để đảm bảo các nguồn thu từ phí khác vẫn tăng trưởng tốt và bù đắp lại tác động từ thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank cho biết: "Chiến lược đa dạng hóa nguồn thu phí đã giúp chúng tôi tăng trưởng ổn định, kể cả trong môi trường khó khăn".

Lý giải động lực đưa thu nhập ngoài lãi tăng mạnh ở nhiều ngân hàng - Ảnh 1.

(1. Bao gồm mua bán ngoại tệ và phân phối trái phiếu; 2. Bao gồm thu nhập từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu, ủy thác và đại lý, môi giới, quản lý quỹ; 3. Bao gồm thu nhập từ tư vấn, thu ngân và các dịch vụ khác)

Cụ thể, tăng trưởng ấn tượng của thu nhập từ phí năm 2022 của Techcombank dẫn dắt bởi hoạt động thư bảo lãnh, thanh toán và tiền mặt (tăng 134,5%), ngoại tệ (tăng 75%) và thẻ (tăng 83,5%). Quy mô phí bảo hiểm tuy đã ở mức rất cao trên thị trường, vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 12% trong năm qua, đạt 684 tỷ đồng. Đây là "quả ngọt" từ quá trình chuyển đổi số của Techcombank trong gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Lãnh đạo Techcombank cho hay, ngân hàng đã đầu tư mạnh cho công nghệ và đưa ra các giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu khách hàng và giúp cho thu nhập từ phí tăng trưởng vượt trội. Chăng hạn, năm 2022 Techcombank đã ra mắt nền tảng mobile banking mới cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp ngân hàng tăng trưởng phí với thanh toán, ngoại tệ.

Trong năm 2022, Techcombank đã tăng trưởng tín dụng cá nhân cao hơn so với phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Cuối quý 4/2022, dư nợ khách hàng cá nhân đã đạt 227 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cuối năm 2021 và chiếm 53.9% trong tổng danh mục tín dụng. Ông Ngô Hoàng Hà cho biết, việc tăng trưởng dư nợ khách hàng cá nhân không chỉ giúp ngân hàng đa dạng hóa rủi ro mà còn tăng gắn kết giữa khách hàng với ngân hàng, từ đó thúc đẩy bán chéo, tăng nguồn thu dịch vụ.

Lý giải động lực đưa thu nhập ngoài lãi tăng mạnh ở nhiều ngân hàng - Ảnh 2.

(Việc linh hoạt dịch chuyển tín dụng sang cho vay cá nhân, gia tăng gắn kết khách hàng giúp Techcombank đẩy mạnh bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác)

Một trong những điểm sáng lớn nhất là tăng trưởng mạnh mẽ ở mảng thẻ tín dụng của Techcombank trong năm qua. Hoạt động này cũng là một phần chiến lược gia tăng gắn kết với khách hàng, để khách hàng sử dụng Techcombank như ngân hàng giao dịch chính. Kết quả tăng trưởng thẻ tín dụng này giúp ngân hàng không chỉ tăng trưởng về lãi mà còn tăng thu phí. Cuối năm 2022, số lượng thẻ tín dụng Techcombank lên tới 745 nghìn thẻ (tăng 33% so với năm 2021), giá trị giao dịch đạt 117 nghìn tỷ đồng (tăng 56%).

Tương tự Techcombank, nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận thu nhập ngoài lãi vẫn tăng trưởng khả quan dù hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán đi xuống, như ACB, VIB, TPBank,….

Ví dụ tại ACB, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 31,7%, đạt 3.258 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 20%, đạt 1.047 tỷ đồng. Hiện ACB là một trong những ngân hàng có thị phần kinh doanh bảo hiểm lớn nhất trên thị trường.

Theo giới phân tích, mặt bằng lãi suất trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2023 do chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. Do đó, chi phí vốn tăng lên là điều khó tránh khỏi, khiến NIM thu hẹp, ảnh hưởng tới tỷ suất sinh lời của các nhà băng. Chưa kể, việc tăng trưởng cho vay còn phụ thuộc vào hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ cho ngân hàng theo từng giai đoạn. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh mảng bán lẻ sẽ giúp ngân hàng tiếp tục tăng trưởng bền vững. Nguồn thu phí sẽ đóng vai trò quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng.

Kim Ngân

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên