Lý giải sức hút của Miniso, Ilahui, Daiso... tại Việt Nam: 1 năm mở mới 100 cửa hàng, có shop thu về cả 100 triệu mỗi ngày
Chỉ trong vòng 1 năm qua, hơn 100 cửa hàng tiện lợi thời trang đã mọc lên khắp lãnh thổ Việt Nam, mang nhiều mặt hàng gia dụng, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện…với mẫu mã phong phú, giá cả phải chăng đến tay khách hàng.
Sự lên ngôi của các cửa hàng tiện lợi thời trang
Đúng như tên gọi, cửa hàng tiện lợi thời trang là nơi người ta có thể tìm thấy những mặt hàng tiện lợi, phục vụ nhu cầu hằng ngày nhưng thiết kế rất thời trang, bắt mắt. Đó có thể là những chiếc cốc uống nước ngộ nghĩnh, khăn lau tay gấu bông, gương soi in hình gấu Brown hay bộ bát đĩa in hoa tinh tế.
Đặt bước đi tiên phong trong kinh doanh cửa hàng tiện lợi thời trang ở Việt Nam là thương hiệu Daiso Nhật Bản.
Năm 2008, Daiso đã tạo nên cơn sốt mua sắm trong cộng đồng Việt khi bán tất cả các sản phẩm ở mức đồng giá 40.000 đồng. Về sau do tần suất mua hàng giảm, cùng với sự cạnh tranh từ hệ thống siêu thị và nhiều cửa hàng đồng giá với các sản phẩm chỉ khoảng 10.000 đến 30.000, hãng bắt đầu thu hẹp quy mô để duy trì sự tồn tại.
Hiện số lượng cửa hàng dừng lại con số 6, tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và một cửa hàng ở khu vực Hà Nội.
Tưởng rằng sự chững lại của Daiso sẽ khiến nhiều ông lớn trong ngành chùn bước, nhưng thực tế lại khác hẳn. Giai đoạn tháng 9 năm ngoái, thị trường Việt Nam đồng loạt chứng kiến sự đổ bộ của Miniso và Ilahui, một thương hiệu từ Nhật Bản và một thương hiệu từ Hàn Quốc.
Hai thương hiệu này nhanh chóng phát triển theo hướng tăng số lượng chuỗi để chiếm lĩnh thị trường. Tính đến tháng 10/2017, Miniso là tay chơi dẫn đầu với 28 cửa hàng tại Hà Nội, TPHCM và Nghệ An. Ialahui bám đuổi sát nút với 25 cửa hàng, không chỉ tập trung ở đô thị lớn mà còn hướng đến các tỉnh như Ninh Bình, Thái Nguyên, Vũng Tàu,…
Dù hiện nay, số thương hiệu kinh doanh mặt hàng tiện lợi thời trang tại Việt Nam chưa vượt quá 10, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá, tốc độ mở chuỗi lên tới 100 cửa hàng trong 1 năm là một con số khá ấn tượng.
Bên cạnh những thương hiệu lớn kể trên, thị trường cũng có thêm một số thương hiệu mới nổi như Mumuso, Hachi Hachi…hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng tốc để dành chỗ đứng trong thời gian tới.
Khách vào cửa hàng, dù không thực sự cần thiết nhưng vẫn muốn "rút ví" ra mua
Phải khẳng định, mỗi thương hiệu có thể khác biệt trong chiến lược kinh doanh, tốc độ mở chuỗi, độ nhận diện… nhưng các cửa hàng tiện lợi thời trang đều nhắm đến một công thức chung: Mẫu mã đẹp, thời trang, giá cả hợp lý.
Vì công thức này nên khách hàng đa số thuộc giới trẻ hoặc nhân viên văn phòng đặc biệt là phụ nữ, thường không ngần ngại rút ví cho một sản phẩm nào đó, dù họ không thực sự cần.
Chị Lan, sống tại một con ngõ trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết chị thỉnh thoảng lại tạt vào cửa hàng Ilahui gần nhà xem có gì mua được không. “Nhiều khi chả định mua gì nhưng thấy sản phẩm rẻ, đẹp nên không cầm lòng được. Lần trước mình đã mua một chiếc gối cổ mang lên văn phòng còn lần này chưa biết thế nào”, chị Lan chia sẻ trong khi vẫn không rời mắt khỏi kệ hàng trưng bày mỹ phẩm và nước hoa.
Chị Xuân, chủ cửa hàng nhượng quyền thương hiệu Ilahui nói trên cũng xác nhận với chúng tôi điều này. Chị chia sẻ: "Nhiều vị khách không chủ định mua sắm, chỉ đi ngang qua và ghé vào xem nhưng rồi lúc đi ra vẫn quyết định “rút ví” cho các sản phẩm bắt mắt và tiện dụng".
Ngoài ra theo chị các cửa hàng thời trang tiện ích có điểm cộng nữa là phong cách phục vụ chu đáo. Khách hàng vừa bước chân vào đã được nhân viên tươi cười mở cửa nói “xin chào”, mua sắm được tư vấn tận tình, đến lúc về lại được “cảm ơn” và cúi chào lần nữa.
“Không phải vì bạn có tiền bạn mới có thể hướng dịch vụ tốt. Bạn có thể vào cửa hàng tiện lợi và chỉ chi ra tầm 10.000 - 20.000 đồng là đã hưởng dịch vụ hoàn hảo”, chị Xuân cho biết.
Đấy là đứng trên khía cạnh khách hàng, còn trên khía cạnh người kinh doanh, mô hình cửa hàng thời trang tiện lợi cũng có sức hút rất lớn.
Theo chia sẻ của một đơn vị đang kinh doanh nhượng quyền cửa hàng tiện lợi, bên công ty mẹ sẽ hỗ trợ việc set up cửa hàng, sắp xếp hàng hóa, đào tạo nhân sự. Tỷ lệ chiết khấu giá bán hàng hóa là 40%. Sau khi trừ các chi phí như thuê mặt bằng (chi phí lớn nhất), trả lương nhân viên, điện nước,... họ thu về mức lãi khoảng 20-25%/tháng.
Vị này cho biết thêm, như các cơ sở bán lẻ khác, địa điểm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Một cửa hàng của chuỗi này ở khu vực phố cổ trong ngày đầu khai trương đã mang về doanh thu 350 triệu đồng - con số "trong mơ" đối với việc kinh doanh các món hàng trị giá chỉ vài chục ngàn. Ở các cửa hàng trên phố lớn, doanh thu của các cửa hàng dao động trên dưới 100 triệu đồng/ngày.
Theo Nielsen Việt Nam, với 57% dân số là người trẻ bận rộn và 73% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt, các cửa hàng tiện ích có nhiều cơ hội mở rộng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, khi chỉ có chưa đầy 10 thương hiệu cửa hàng tiện lợi thời trang trên thị trường như hiện nay, Việt Nam vẫn còn “đất” để nhiều đơn vị khách cùng cạnh tranh và phát triển.
Bài toán đặt ra là thương hiệu nào sẽ cung cấp sản phẩm chất lượng tốt, có chiến lược truyền thông hiệu quả để thu hút và giữ chân khách hàng?
Trí Thức Trẻ