MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A 2020 dù giảm nhiệt do Covid-19 nhưng đầy gay cấn: Kusto đã nắm trọn Coteccons, Masan ráo riết cải tổ Vincomerce, người Thái vẫn vung tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt

28-12-2020 - 13:32 PM | Doanh nghiệp

M&A 2020 dù giảm nhiệt do Covid-19 nhưng đầy gay cấn: Kusto đã nắm trọn Coteccons, Masan ráo riết cải tổ Vincomerce, người Thái vẫn vung tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt

Nhìn chung, thị trường M&A dù giảm nhiệt nhưng vẫn tương đối sôi động trong năm 2020. Bên cạnh dòng vốn Thái Lan, các nhà đầu tư Nhật cũng đang cho thấy tham vọng tăng cường rót vốn vào Việt Nam, giữa bối cảnh cơ hội trong nước sở tại đã bão hoà.

2020 – năm mở đầu cho thập niên mới với nhiều biến động, căng thẳng thương mại đi cùng đại dịch Covid-19 bùng phát khiến thế giới đảo lộn. Việt Nam cũng không ngoại lệ: giãn cách xã hội, siết chặt biên giới, đứt gãy nguồn cung toàn cầu… tạo áp lực cho nền kinh tế nói chung, và các hoạt động đầu tư, M&A nói riêng.

Ghi nhận, thị trường M&A Việt Nam năm qua có sự sụt giảm so với trước đó, một trong số các nguyên nhân chính do khó khăn trong đi lại, tiếp xúc trao đổi khiến hoạt động đàm phán, thương thảo bị trì hoãn. Dù vậy, 2020 lại là năm chứng kiến những vụ thâu tóm đình đám, đầy bất ngờ trên thị trường tài chính. Đơn cử, Kusto sau 4 năm căng thẳng lợi ích đã chính thức "nắm trọn" thương hiệu xây dựng hàng đầu Việt Nam Coteccons (CTD). Không kém phần thu hút, Masan (MSN) sau cú bắt tay với Vingroup (VIC) hồi cuối năm 2019 đã và đang cải tổ mạnh mẽ chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+. Cùng với đó, làn sóng M&A của các tay chơi nước ngoài như Nhật Bản, Thái Lan vẫn liên tục diễn ra, thậm chí nóng hơn trong bối cảnh mặt bằng giá giảm đáng kể trước áp lực Covid-19.

Kusto "nắm trọn" Coteccons sau 4 năm gây căng thẳng cao độ

Cùng điểm lại một số "deal" tiêu biểu trong năm qua, đầu tiên phải kể đến câu chuyện xung đột gay gắt của Coteccons, kết thúc khá bất ngờ khi Chủ tịch Nguyễn Bá Dương tuyên bố rời khỏi Công ty – "đứa con" tinh thần do chính tay mình gầy dựng sau hơn 16 năm. Cùng với ông Dương, bộ sậu cũng lần lượt ra đi, đặt dấu chấm hết cho Coteccons Group. Và dĩ nhiên, với những kinh nghiệm, tên tuổi của mình, ban lãnh đạo này dự sẽ mở ra một trang mới. Sự chú ý của thị trường theo đó đổ dồn về các vệ tinh như Newtecons, Recons…

Về phía Coteccons, nhìn lại bộ máy quản trị từ HĐQT, tiểu ban chiến lược, tiểu ban lương thưởng, bộ phận nhân sự, kế toán kiểm toán đến ban điều hành: tất cả các nhân sự cốt cán gồm ông Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Sỹ Công, Trần Quang Quân, Trần Quyết Thắng, Nguyễn Quốc Hiệp, Trần Văn Chính, Phan Huy Vĩnh… đã ra đi. Thay thế, HĐQT mới toàn bộ là người nước ngoài, trong đó Bolat Duisenov giữ ghế Chủ tịch. Ban điều hành ngoài ông Võ Thanh Liêm là 2 nhân sự mới vừa được bổ nhiệm bao gồm người cũ từ Xây dựng Hoà Bình (HBC). Ghi nhận trên website Công ty, cấp quản lý những bộ phận nòng cốt liên quan đến thu chi như nhân sự, kế toán tài chính và MEP cũng đã được thay đổi mới.

Tương tự tại Unicons, ngày 17/11 Công ty đã đổi Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật từ ông Lê Chí Trung sang ông Võ Hoàng Lâm.

Kusto sau khi nắm quyền điều hành cũng liên tục gửi tâm thư cho cán bộ công nhân viên, mới đây công bố thông tin trúng thầu với trị giá gần 4.000 tỷ đồng trong 2 tháng cuối năm, củng cố sự hoài nghi của thị trường.

Về kinh doanh, luỹ kế 9 tháng, Coteccons đạt 10.332 tỷ doanh thu, LNST 369 tỷ đồng. So với kế hoạch 16.000 tỷ doanh thu và 600 tỷ LNTT, Coteccons đã lần lượt thực hiện được 64,5% và 78% chỉ tiêu đề ra.

M&A 2020 dù giảm nhiệt do Covid-19 nhưng đầy gay cấn: Kusto đã nắm trọn Coteccons, Masan ráo riết cải tổ Vincomerce, người Thái vẫn vung tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt - Ảnh 1.
M&A 2020 dù giảm nhiệt do Covid-19 nhưng đầy gay cấn: Kusto đã nắm trọn Coteccons, Masan ráo riết cải tổ Vincomerce, người Thái vẫn vung tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt - Ảnh 2.

Masan ráo riết cải tổ Vincomerce, mục tiêu hoà vốn ngay trong năm 2020

Cuối năm 2019, sự bắt tay của 2 tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang trong việc đưa hệ thống Vincommere sáp nhập vào Masan nhận được quan tâm mạnh mẽ. Sang năm 2020, bên cạnh sự tập trung phát triển mảng công nghệ và công nghiệp nặng của Vingroup, những động thái mới của Masan trong việc "thẩm thấu" chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+ vào hệ thống hiện hữu cũng được theo dõi sát sao.

Được biết, VinCommerce là nền tảng bán lẻ với 122 siêu thị VinMart và 2.524 siêu thị mini VinMart+ (tính đến cuối tháng 9/2020) tại 58 tỉnh thành, đồng thời sở hữu hệ thống 14 nông trường sản xuất nông nghiệp công nghệ cao VinEco.

Trong động thái mới nhất, Masan công bố chiến lược phát triển mới giai đoạn 2021-2025, trong đó VinCommerce đặt mục tiêu mở rộng 300 siêu thị VinMart, 10.000 cửa hàng VinMart+ khắp 63 tỉnh thành, đồng thời bắt tay 100 đối tác chiến lược nhằm tăng cường mức đầu tư, đổi mới sản phẩm và xây dựng mô hình hợp tác Win – Win.

Theo Masan, VinCommerce đang trên đà hướng đến mục tiêu hòa vốn trong quý 4/2020, tạo tiền đề cho việc mở rộng mạng lưới cửa hàng mạnh mẽ trong năm 2021. Hiện, ban điều hành đang điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bày trí bằng việc khai trương các cửa hàng thí điểm mới tại Tp.HCM và Hà Nội. Các mô hình thí điểm này sẽ được áp dụng khi mở cửa hàng mới nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn.

9 tháng đầu năm 2020, sau gần 1 năm về với Masan, VinCommerce đạt 23.678 tỷ đồng doanh thu, chiếm 42,5% tổng doanh thu của toàn hệ thống Masan. Biên EBITDA trong quý 3/2020 cải thiện 3,7% so với cùng kỳ, siêu thị mini đạt tăng trưởng LFL 8,4% so với năm trước, lượng khách siêu thị bắt đầu phục hồi với tăng trưởng LFL hóa đơn/ngày là 9,3% so với quý trước.

Trong đó, hệ thống siêu thị mini VinMart+ ghi nhận doanh thu tăng 38,4% trong quý 3/2020 so với quý 3/2019, và tăng 56,5% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với 9 tháng đầu năm 2019 dù đã đóng cửa 421 cửa hàng. Tăng trưởng doanh thu/m2 trên cơ sở so sánh tương đương (LFL) lần lượt là 8,4% trong quý 3 và 11,2% trong 9 tháng đầu năm. Tăng trưởng LFL được thúc đẩy bởi giá trị hóa đơn trung bình tăng trưởng 18,1%, trong đó các cửa hàng tại Tp.HCM có mức tăng trưởng nhanh nhất với 25,4%.

Còn hệ thống siêu thị VinMart doanh thu quý 3/2020 tăng 5,4% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ lượng khách đến siêu thị đã phục hồi, song song tăng trưởng doanh thu/m2 đạt 8,3% so với quý trước. Tuy nhiên, doanh thu quý 3/2020 vẫn thấp hơn 15,8% so với quý 3/2019 do sự sụt giảm doanh số của các trung tâm thương mại thuộc Vincom Retail (VRE). Nhìn chung, lượng khách đến cửa hàng giảm 7,9% trong kỳ do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội đầu quý 3, tuy nhiên lượng khách đến cửa hàng tại các thành phố cấp 2 tăng 2,6% do tác động của đại dịch ít rõ nét hơn tại khu vực này.

M&A 2020 dù giảm nhiệt do Covid-19 nhưng đầy gay cấn: Kusto đã nắm trọn Coteccons, Masan ráo riết cải tổ Vincomerce, người Thái vẫn vung tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt - Ảnh 3.

Người Thái tiếp tục vung tiền M&A tại Việt Nam, đặc biệt tại mảng năng lượng tái tạo

Liên tục đổ vốn vào Việt Nam trong thập kỷ qua, năm 2020 nhiều tập đoàn Thái tiếp tục thâu tóm doanh nghiệp từ bao bì, bán lẻ đến năng lượng. Chỉ vừa đánh tiếng vào tháng 4/2020, đến nay Tập đoàn SCG của Thái Lan đã chính thức nắm cán bộ máy lãnh đạo và mua 94% vốn tại Bao bì Biên Hoà (SVI). Tập đoàn đa ngành này tuyên bố mua lại SVI trong bối cảnh mua sắm online tăng trưởng tại thị trường Đông Nam Á giữa đại dịch Covid-19. Bởi, việc hạn chế ra ngoài, tiếp xúc khiến người dân tăng cường mua sắm online. Số liệu cũng cho thấy hành vi tiêu dùng của người dân đang thay đổi khá nhanh, đơn hàng trực tuyến theo thống kê tại hầu hết các công ty đều tăng đột biến bằng lần chỉ sau 1-2 tuần. Tận dụng cơ hội đó, SCG nhanh chóng mua lại công ty sản xuất bao bì đóng gói này thông qua liên doanh với nhà sản xuất bìa cứng hàng đầu Nhật Bản – Rengo.

Hay trong lĩnh vực bán lẻ, sau 5 năm rót vốn (từ năm 2015), chính thức chi phối vào giữa năm 2019, trong thông tin cập nhật mới nhất Central Group đã sở hữu đến 81,53% vốn tại Nguyễn Kim. Trong đó, ngày 7/6/2019, một công ty trung gian có liên quan đến Central Retail Corporation (CRC) đã mua thêm 51% vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Nguyễn Kim).

Được biết, Nguyễn Kim từng là tên tuổi đứng đầu Việt Nam ở mảng mua sắm điện máy khi sớm thành lập năm 1996. Tại TP.HCM, trong giai đoạn thịnh vượng của mình, Nguyễn Kim được 99% người đánh giá là chuỗi điện máy số 1 thị trường theo báo cáo của Nielsen. Hiện, Nguyễn Kim đang đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các tay chơi mới nổi như Điện máy Xanh, Điện máy Chợ Lớn, Pico, Thiên Hoà…

M&A 2020 dù giảm nhiệt do Covid-19 nhưng đầy gay cấn: Kusto đã nắm trọn Coteccons, Masan ráo riết cải tổ Vincomerce, người Thái vẫn vung tiền thâu tóm doanh nghiệp Việt - Ảnh 4.

Một lĩnh vực khá sôi động hiện nay, năng lượng tái tạo cũng ghi dấu vết khá nhiều của nhà đầu tư Thái Lan trong năm qua. Đơn cử, HĐQT Công ty Super Energy Corporation Company Limited (Super Energy) của Thái Lan vừa công bố quyết định sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào 4 dự án nhà máy điện mặt trời, gồm Lộc Ninh 1 (200 MW), Lộc Ninh 2 (200 MW), Lộc Ninh 3 (150 MW) và Lộc Ninh 4 (200 MW) tại tỉnh Bình Phước (Việt Nam). Hiện, Super Energy đang sở hữu 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 286,72 MW.

Hay Tập đoàn Năng lượng Gulf, thông qua liên doanh đầu tư, đến nay doanh nghiệp Thái này đã nắm đến 95% vốn dự án Điện gió ngoài khơi Bình Đại với tổng công suất 310MW. Cùng với đó, tại 2 nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 ở Tây Ninh hợp tác với Tập đoàn Thành Thành Công và vận hành từ giữa năm 2019, Gulf cũng từng bước nâng sở hữu từ 49% vốn lên 90%... Trong lần chia sẻ mới nhất, ông Boonchai Thirati, Chủ tịch HĐQT Gulf Energy, cho biết: "Với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 7%/năm, Việt Nam sẽ cần nguồn cung ứng điện trong tương lai, và Gulf đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sự phát triển này. Theo kế hoạch dài hạn, Gulf sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực tiềm năng này".

Không kém cạnh, công ty năng lượng Thái Lan Gunkul (Gunkul Engineering) thời gian gần đây cũng đang nổi lên với những thương vụ mua bán năng lượng tái tạo trong khu vực châu Á. Tại Việt Nam, Gunkul đã mua lại nhà máy Điện mặt trời Trí Việt 1 và Nhà máy điện mặt trời Bách Khoa Á Châu 1 với tổng công suất 60 MW. Tổng số tiền mà Gunkul đã mua hai dự án từ tay Sungrow Power (Singapore) là 60,6 triệu USD (hơn 1.393 tỷ đồng). Tiếp nối, đầu tháng 12 vừa qua, Gunkul chi 39,9 triệu USD (hơn 925 tỷ đồng) rót vốn sở hữu Đầu tư Đoàn Sơn Thủy, nhà đầu tư đứng sau dự án nhà máy điện mặt trời Phong Điền II tại Thừa Thiên Huế với công suất 50 MW.

Được biết, các nhà chức trách Thái Lan đặt mục tiêu sẽ có 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2036 là từ các nguồn tái tạo, tương đương công suất phát điện phải đạt 16.788 MW. Hiện Thái Lan có thể đáp ứng được 53% mục tiêu nói trên. Trong đó, điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đóng góp 10,1% tổng lượng điện tiêu thụ quốc gia trong tháng 9/2020 so với mức chỉ 2,1% của năm 2010. Dù mức tăng khá cao, song vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu đề ra, điều này lý giải cho việc các nhà đầu tư nước này mở rộng sang các nước khác và Việt Nam là thị trườn trọng điểm.

Nhìn chung, thị trường M&A dù giảm nhiệt nhưng vẫn tương đối sôi động trong năm 2020. Bên cạnh dòng vốn Thái Lan, các nhà đầu tư Nhật cũng đang cho thấy tham vọng tăng cường rót vốn vào Việt Nam, giữa bối cảnh cơ hội trong nước sở tại đã bão hoà.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên