MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A CTCK - Thời của vốn ngoại

Tính từ giai đoạn hoàng kim 2006-2007 của TTCK, chưa bao giờ hoạt động M&A các CTCK lại bùng nổ mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay.

Thị trường chung diễn biến thuận lợi, thanh khoản tăng, CTCK có giá, vốn lớn đổ vào dễ dàng hơn… là những yếu tố quan trọng thúc đẩy M&A trong lĩnh vực chứng khoán.

Xu hướng thị trường

Hai trong những thay đổi mang tính bước ngoặt thúc đẩy hoạt động M&A là “vốn sàn” của CTCK, để có thể cạnh tranh được hiện nay phải từ mốc 1.000 tỷ đồng trở lên. Nghĩa là các định chế tài chính nước ngoài muốn tham gia TTCK Việt Nam có thể phải chuẩn bị số tiền trên dưới 50 triệu USD. Đây là điều đáng mừng vì các định chế lớn thường thích tiêu tiền lớn, không như trước kia bơm dòng vốn nhỏ nhưng cơ hội thành công không cao. Mặt khác, việc xuất hiện các sản phẩm mới, đặc biệt là phái sinh cũng khiến cho các CTCK tự tìm cho mình một lợi thế cạnh tranh riêng.

Khi TTCK Việt Nam chưa có phái sinh, một CTCK nước ngoài mạnh về phái sinh muốn tham gia cũng khó, vì không thể phát huy lợi thế. Nhưng hiện nay, khi phái sinh đã hoạt động, CTCK nào có thế mạnh, kinh nghiệm có thể phát huy trong việc triển khai sản phẩm, tư vấn cho NĐT, từ đó xác lập lợi thế của mình và cạnh tranh được với những CTCK khác.

Gần đây, lãnh đạo cao cấp một CTCK vốn ngoại công bố nghỉ việc, sau đó giới trong ngành biết được người này đã chuyển sang vị trí Phó Tổng giám đốc của một CTCK có tuổi đời hơn chục năm trên thị trường. Có thâm niên như vậy, nhưng trong những năm gần đây CTCK này khá chìm khi không theo kịp với đà phát triển của thị trường, có thể tình thế sẽ thay đổi trong thời gian sắp tới khi có dòng vốn ngoại đến từ một CTCK lớn tại châu Á. Được biết, CTCK này có thế mạnh về các sản phẩm phái sinh, sẽ tiến hành mua lại CTCK trong nước và giữ ghế Tổng giám đốc cũng là một người đã từng tạo nên thành công vượt bậc cho một CTCK có vốn từ khu vực Đông Nam Á, đã ra mắt thị trường Việt Nam gần 10 năm trước.

Có thể phân chia thanh khoản của thị trường thành vài mốc như sau: nếu đạt 1.000 tỷ đồng/phiên các CTCK sống được, từ 2.000 tỷ đồng/phiên trở lên sống khỏe, còn từ 3.000 tỷ đồng/phiên sống tốt. Và khi thanh khoản cứ tịnh tiến trong thời gian dài, hứa hẹn tăng tiếp thì dù muốn hay không dòng vốn ngoại cũng sẽ phải tìm đến với TTCK Việt Nam, mà chứng khoán là một ngành quá phù hợp để đầu tư.

Maybank KimEng được xem là CTCK có vốn ngoại thành công trên thị trường. Ảnh: PHẠM LONG

Sẽ sôi động M&A CTCK

Từ hơn 100 CTCK, sau khi thanh lọc thị trường hiện còn khoảng 80, nhưng hoạt động tích cực và có năng lực cạnh tranh cũng chỉ 20, nghĩa là 60 CTCK kia đang “thủ thế” là chính. Tuy nhiên, trong số 60 CTCK này vẫn có những cái tên được giá, nếu như có thương hiệu, có những nhân sự gắn bó lâu dài và cũng hiểu nghề, hoặc chí ít không có nợ xấu, không thua lỗ… tương đối phù hợp cho việc mua lại. Nếu cách đây khoảng 3 năm, việc mua lại CTCK còn khiến nhiều bên đắn đo vì việc phải đầu tư công nghệ, nhân sự phát triển, thì hiện nay đây không còn là vấn đề. Bởi lẽ hiện nay đầu tư mạnh thì kèm theo đó có thể tạo ra ngay hiệu quả, nguồn thu, còn trước đây đầu tư mạnh cũng là điều bắt buộc nhưng sẽ phải chờ đợi sóng của thị trường.

Một trường hợp của Maybank Kim Eng, được xem là CTCK vốn Malaysia thành công nhất trên thị trường. Hay trong vài năm trở lại đây KIS Việt Nam với dòng vốn đến từ KIS Hàn Quốc cũng đã vươn lên mạnh mẽ và gia nhập top 10 thị phần. Còn nhớ hơn nửa thập niên trước, khi tập đoàn KIS mua lại CTCK Gia Quyền và đổi tên thành KIS Việt Nam, lãnh đạo của công ty đã công bố lộ trình gia nhập vào top 10 thị phần, một số ý kiến cho rằng đây có thể là tham vọng quá tầm.

Thời điểm đó, sự nghi ngại nếu có cũng là bình thường, bởi đơn giản thị trường chung gặp rất nhiều thách thức và các CTCK cũng vậy. Nhưng theo thời gian, KIS đã gia tăng được năng lực cạnh tranh cũng như vị thế của mình để cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị khác. Trường hợp của KIS hay Maybank Kim Eng cũng tạo ra sự tự tin cho các đối tác nước ngoài khác khi tham gia TTCK Việt Nam, nếu có vốn mạnh (bắt buộc) và một chiến lược hợp lý thì việc xác lập vị thế và đạt được thành công nhất định cũng không phải là điều gì quá xa vời.

Nói riêng về dòng vốn của Hàn Quốc tham gia M&A các CTCK hiện nay khá sôi động. Một CTCK có vốn từ một tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có mặt trên TTCK Việt Nam trong nhiều năm nhưng hoạt động khá lặng lẽ. Nhưng thời gian gần đây, thông tin trên thị trường cho thấy tập đoàn mẹ từ xứ sở Kim Chi đã quan tâm nhiều hơn đến CTCK này, và có những phương án bơm vốn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng sự thuận lợi từ TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, một dòng vốn Hàn Quốc khác cũng đang tiến hành mua lại của một CTCK có thương hiệu gắn với một NHTMCP và nhiều khả năng thương vụ này khi hoàn thành cũng sẽ tạo ra một sự sôi động mới trong cạnh tranh giữa các CTCK. Nhiều khả năng, từ những sự cạnh tranh này cũng sẽ thúc đẩy thêm nhiều hoạt động M&A hơn nữa.

Theo Thy Nhã

Sài Gòn đầu tư tài chính

Trở lên trên