MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A ngành ngân hàng sẽ “nổi sóng”

02-04-2018 - 09:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngay từ đầu năm 2018, một số ngân hàng thương mại đã rục rịch chuẩn bị tăng vốn và trình Đại hội đồng cổ đông thực hiện kế hoạch M&A.

Mua bán và sáp nhập (M&A) đang là một trong những định hướng được nhiều ngân hàng vạch ra để mở rộng dư địa tăng trưởng nhằm đạt được những kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong năm nay.

M&A ngành ngân hàng sẽ “nổi sóng” - Ảnh 1.

Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết một trong những lý do ngân hàng này muốn tăng mạnh vốn điều lệ là chuẩn bị cho kế hoạch M&A năm 2018. Ảnh: S.T

Tìm kiếm cơ hội

Tại Đại hội đồng cổ đông vừa được tổ chức tại Hà Nội, VPBank đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 27.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 15.000 tỷ đồng hiện tại. Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank, lý giải một trong lý do ngân hàng muốn tăng mạnh vốn điều lệ là “chuẩn bị cho các kế hoạch M&A và nhiều kế hoạch khác".

Ông Dũng cho biết M&A là một cấu phần quan trọng của VPBank. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, vốn không tăng được bằng các biện pháp nào khác mà chỉ đủ phát triển, chứ không đủ để tìm cơ hội M&A.

Thương vụ M&A gần đây nhất của VPBank là mua lại Cty Tài chính Than- Khoáng sản Việt Nam năm 2014. Nhờ đó, VPBank đã sở hữu một quả “trứng vàng” mang tên FE Credit vốn đang chiếm khoảng 50% thị phần của các Cty tài chính đang hoạt động tại Việt Nam. Trong 2 năm qua, mỗi năm FE Credit đóng góp tới một nửa lợi nhuận của VPBank trong tổng số 4.900 tỷ đồng năm 2016 và 8.130 tỷ đồng năm 2017.

Khi mà dư địa phát triển của mảng tài chính tiêu dùng đang dần bị thu hẹp với sự xuất hiện của nhiều Cty tài chính khác, VPBank tìm kiếm cơ hội M&A khác để mở rộng động lực tăng trưởng cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chi tiết về kế hoạch M&A lại chưa được người đứng đầu ngân hàng này công bố.

Nhưng để tìm được cơ hội và giành được cơ hội đó có lẽ không dễ. Vì khi có cơ hội tốt, nhiều ngân hàng khác cũng muốn tham gia vào. Trong tài liệu gửi tới các cổ đông trước thềm Đại hội đồng cổ đông, LienVietPostBank cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu phương án tăng vốn và hoạt động M&A. LienVietPostBank đặt ra mục tiêu rõ ràng là tham gia tái cơ cấu các TCTD theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

M&A cũng là một trong những chiến lược được MBBank xác định trong năm nay. Mới đây, ngân hàng này đã xin ý kiến các cổ động ủy quyền cho HĐQT thông qua việc tìm kiếm, triển khai các cơ hội sáp nhập nếu phù hợp với chiến lược của MBBank và chủ trương Nhà nước về tái cơ cấu.

Các TCTD nằm trong mục tiêu M&A của những ngân hàng này có thể là Dong A Bank, GPBank hay Ocean Bank, những ngân hàng đều nằm trong diện tái cơ cấu.

Đường đã thoáng hơn

Trên thực tế, các hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng tỏ ra khá trầm lắng trong 2 năm qua. Nếu có chăng cũng chỉ là sự điều chỉnh chiến lược của các ngân hàng ngoại dẫn tới các thương vụ M&A giữa các ngân hàng ngoại với nhau, như trường hợp Shinhan Bank mua mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng nguyên nhân chính khiến thị trường M&A trầm lắng là do trong nước thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính. Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng khác như giai đoạn trước.

Tuy nhiên thời điểm này đã khác. Hầu hết các ngân hàng có kế hoạch M&A hiện tại đều có tiềm lực lớn mạnh hơn các năm trước rất nhiều. Hơn nữa, sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại tới việc nắm cổ phần của các ngân hàng trong nước cũng là cơ hội để các ngân hàng này phát hành thêm cổ phiếu và tăng vốn.

Lãnh đạo một ngân hàng tin rằng M&A sẽ là cách nhanh chóng giúp ngân hàng mở rộng thị trường, quy mô để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn. Đặc biệt trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường ngân hàng ngày càng gay gắt, với sự tham gia của các ngân hàng và các Cty công nghệ tài chính thì việc mở rộng nhanh dư địa tăng trưởng là cần thiết.

Một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng hào hứng hơn với hoạt động M&A, trong đó mục tiêu là các TCTD đang cần tái cơ cấu, là sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu ở các TCTD.

Nhiều chuyên gia trong ngành ngân hàng cho rằng, Nghị quyết 42 ra đời kèm theo những cơ chế xử lý tài sản bảo đảm sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Lý do đơn giản là trước đây nếu mua lại một TCTD đang có những khoản nợ xấu kếch xù thì cũng sẽ rất khó để xử lý những khoản nợ đó. Còn bây giờ khi mua lại TCTD thì “lối thoát” cho những khoản nợ xấu đó cũng đã có.

Theo Ninh Kiều

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên