"Ma trận" Forex/CFD (kỳ 3): Chiêu bài môi giới - Rắc thính và "đem con bỏ chợ"
Để lôi kéo được nhiều người chơi, các sàn Forex, CFD lậu có chính sách tuyển cộng tác viên môi giới ồ ạt. Những "chiến binh IB" này chịu sức ép rất lớn trong công việc và phải tìm mọi cách gây áp lực chèo kéo khách hàng, chấp nhận cả những lời nói dối...
- 24-12-2020"Ma trận" Forex/CFD (kỳ 2): Mập mờ khái niệm, rủi ro bủa vây
- 23-12-2020"Ma trận" Forex/CFD (kỳ 1): "Khủng bố" điện thoại và những lời hứa đậm mùi "đa cấp"
- 21-09-2020Ma trận gọi vốn đa cấp thời 4.0: Các mô hình biến tướng, bất thường
Thời gian này, không khó để bắt gặp những lời mời chào tham gia giao dịch Forex, CFD. Không chỉ là mời tham gia đầu tư, nhiều nơi còn tuyển vị trí môi giới (IB) với các quyền lợi hấp dẫn.
LÀM VIỆC THEO "LUẬT RỪNG", 90% KHÁCH THUA LỖ
Trên các trang tìm kiếm việc làm, chỉ cần gõ cụm từ "Forex", hàng loạt kết quả được trả về. Ví dụ tại Jobstreet.vn, có hơn 30 tin tuyển dụng Forex trong 1 tháng qua, còn trên 12job.vn, có hơn 80 tin đăng tuyển từ các công ty Forex cho vị trí nhân viên tư vấn tài chính này.
Lướt qua một tin tuyển dụng vị trí chuyên viên đầu tư tài chính mà cụ thể là tư vấn khách hàng về đầu tư Forex được đăng tải với quyền lợi gồm thu nhập 20 – 40 triệu (Lương cứng + thưởng + hoa hồng), hỗ trợ chi phí tiếp khách khi có khách hàng giao dịch thành công và được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.
Dù là công việc liên quan đến tư vấn tài chính song yêu cầu của hầu hết các tin đăng tuyển khá đơn giản với tiêu chí: trẻ, trình độ chỉ cần từ Trung học Phổ thông trở lên và chịu khó. Nhân viên sẽ được đào tạo và hứa hẹn có "lộ tình thăng tiến rõ ràng có định hướng từng gian đoạn, từ Nhân viên lên Leader và lên Manager".
Dễ dàng tìm kiếm công việc tư vấn Forex với các yêu cầu công việc hết sức đơn giản
Thế nhưng, trong vai người đi tìm hiểu để ứng tuyển công việc này, người viết nhận được nhiều thông tin bất ngờ từ những người từng là "chiến binh IB" của món đầu tư mới được quảng cáo rầm rộ trên.
Linh Trang (Hà Nội), một cựu IB cho LiteForex cho biết, công việc này có nhiều yếu tố cần xem xét kỹ lưỡng trước khi tham gia bởi sự thật thường khác xa lời quảng cáo, nhất là phần thu nhập. Trang chia sẻ, nhiều nhóm tuyển dụng báo lương cứng nhưng thực ra khoản lương cứng đó đã bao gồm KPI, thậm chí còn áp dụng KPI vào ngay tháng thử việc. Làm nghề này chủ yếu trông chờ vào hoa hồng bởi vì khoản lương cứng hàng tháng khá thấp và đáng nói, thời gian nhận lương cứng có giới hạn (chỉ trong 2 tháng thử việc đầu tiên). Vậy nên, đối với những người mới vào nghề, thu nhập từ nghề này không hề hấp dẫn như giới thiệu, ngoài ra, cơ sở này cũng không thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho ib.
Như Trang, cô cho biết tháng đầu tiên vào bị lừa với cách quảng cáo lương cứng 5 triệu nhưng thực nhận về chỉ 2,5 triệu đồng. Những tháng sau thu nhập dao động từ 3-7 triệu đồng và bản thân Trang đã bỏ nghề vài tháng trước vì "khách cháy hết tài khoản không còn ai giao dịch", thu nhập của cô trong những tháng cuối chỉ là … 50 nghìn đồng.
Có kinh nghiệm nhiều hơn trong nghề, Q.K.Linh (Cần Thơ) cho biết cô đã từng làm môi giới CFD cho 3 "sàn" gồm Ipromarket, UTspot và Sigma Capital. Linh cho biết thường các chỗ làm này đều không có hợp đồng lao động, trừ khi lên được vị trí leader, cam kết công việc chỉ có một bản biên lai gửi về email cá nhân. Do không có hợp đồng lao động nên quyền sinh sát nằm trong tay trưởng phòng với "1001 kiểu phạt" được sinh ra.
Đặc biệt, công việc này cực kỳ áp lực đến từ cấp trên với những lời quát mắng "chợ búa" liên tục và những cơ chế làm việc khắt khe gọi tên "luật rừng". Sau một thời gian làm việc quá áp lực, cô quyết định bỏ nghề và chuyển sang nghề khác "lành" hơn. Linh chia sẻ, một phần lớn vì nhiều thông tin cho rằng công việc này "không có đa cấp nhưng có lừa đảo".
Bản thân cô cũng tiết lộ, dù không phải 100% nhà đầu tư tham gia đều thua lỗ nhưng cách hoạt động leader hướng cho IB là thúc cho khách vào thêm tiền, hỗ trợ khách đánh cho đến khi khách cháy tài khoản và tiếp tục vào thêm. Linh khẳng định, trong quá trình làm việc của cô, 90% khách vào đều thua lỗ.
1001 CÁCH "NHỬ MỒI" RỒI "ĐEM CON BỎ CHỢ"
Trên cách diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm làm việc, trong thời gian gần đây tần suất xuất hiện những lời xin tư vấn để tham gia công việc sale Forex ngày càng nhiều. Nhiều thành viên cho biết, trong năm vừa qua, công việc sale ở nhiều ngành nghề bị cắt giảm mạnh, do đó muốn tìm hiểu về mảng môi giới Forex mới mẻ này. Việc lao động dôi dư mất việc cùng khả năng tìm việc ở những ngành nghề chính thống ngày một khó trở thành một trong những nguyên nhân đẩy số lượng người tìm đến nghề môi giới Forex.
Nhiều cá nhân chỉ theo nghề được "dăm bữa nửa tháng" và nhành chóng tìm một chỗ mới khi thấy công việc này không "béo bở" như tưởng tượng.
Các "cựu môi giới" giờ vẫn còn chuyền tay nhau "bí kíp hành nghề" mà phía tuyển dụng chia sẻ cho dân mới vào nghề. Những điều cơ bản cần thực hiện gồm: Thường xuyên chia sẻ các lịch sử lợi nhuận mỗi ngày, càng lớn càng tốt; Chia sẻ hình ảnh khách hàng tham gia giao dịch và Chia sẻ thu nhập hàng tháng để lôi kéo thêm nhiều người tham gia.
Vậy nên, mạng xã hội hiện nay mới đầy ắp hình ảnh các "chuyên gia" Forex quần áo bảnh bao, xế hộp sang xịn với bảng lương hàng tháng lên đến hàng trăm triệu đồng, đánh trúng tâm lý giàu nhanh của nhiều đối tượng. Trên thực tế, đây chỉ là những "mánh khóe" để lôi kéo thêm khách hàng và người tham gia mà thôi.
Bí kíp hành nghề được các cựu môi giới chia sẻ
Minh Thư, một môi giới vừa nghỉ việc ở một công ty Forex sau 5 tháng tiết lộ: "Các room tín hiệu Forex, nhóm đầu tư Forex đều do môi giới tạo ra để mồi nhà đầu tư, họ chỉ show ảnh lãi ra để dụ dỗ còn thực tế thì khác xa như vậy". Cựu IB này cũng chia sẻ, việc nhà đầu tư giao tiền cho người khác quản lý luôn là đòn "chí mạng" bởi các IB sẽ luôn hối khách vào tiền để không cháy tài khoản, còn lúc khách muốn thu lãi IB sẽ "lặn mất tăm" với trăm lý do để khách không thể rút được tiền.
Kinh nghiệm "xương máu" của nhà đầu tư Phong Lê cho biết, thời gian trước, anh có đăng ký giao dịch tại một công ty forex có trụ sở tại Cộng hòa Síp. Lúc mới bắt đầu, anh cũng chỉ bắt đầu tư những khoản tiền nhỏ và có thắng có thua. Sau một thời gian tự nghiên cứu quy luật và các dấu hiệu, anh liên tục nộp tiền vào tài khoản để tăng khối lượng đặt, có lúc tiền đầu tư lên hơn 2.000 USD.
Nhưng đến thời điểm lợi nhuận đạt hơn 300% so với vốn ban đầu, anh Phong đặt lệnh rút hết tiền thì hệ thống báo lỗi liên tục và bắt khai báo thêm thông tin. Liên hệ với người phụ trách, anh nhận được câu trả lời cuối là do tài khoản của anh không đạt chuẩn để thanh toán. Cuối cùng, anh lựa chọn việc đánh cháy tài khoản và từ bỏ luôn việc đầu tư vào đây.
Việc đánh thắng cũng không rút được tiền là tình trạng khá phổ biến đối với người chơi FX Trading, CFD tại Việt Nam. Nhiều lý do được chủ sàn đưa ra nhằm ngăn ngừa việc người chơi rút lãi, do đó có người lựa chọn bỏ tài khoản, nhưng cũng có người được dẫn dụ nạp thêm tiền vào để tiếp tục trading.
Theo cảnh báo của chuyên gia, các nhà phát hành ở thế giới chịu sự quản lý của pháp luật nước sở tại nên có thể hạn chế được rủi ro cho nhà đầu tư. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại hình này chưa có đủ hành lang pháp lý, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư mà chủ yếu là rủi ro từ phía đối tác (nhà phát hành).
Kỳ 4: Vòng vèo dòng tiền - Vào dễ, ra khó
Vneconomy