Mặc FED hạ lãi suất về gần 0, chứng khoán tương lai Mỹ vẫn giảm thê thảm, Dow futures mất 1.000 điểm
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cắt giảm lãi suất về mức gần bằng 0 vẫn không đủ để mang lại sắc xanh cho thị trường chứng khoán tương lai của Mỹ.
- 16-03-2020Fed hạ lãi suất xuống gần 0, cam kết mua vào 700 tỷ USD trái phiếu
- 13-03-2020Phố Wall chìm trong hoảng loạn dù được Fed bơm 500 tỷ USD, Dow Jones giảm thê thảm hơn cả khủng hoảng tài chính 2008
- 11-03-2020Sau FED, đến lượt Ngân hàng Trung ương Anh giảm lãi suất khẩn cấp vì virus corona
- 05-03-2020Liệu Fed có tiếp tục hạ lãi suất về 0?
- 05-03-2020FED hạ lãi suất khẩn cấp, Trung Quốc hưởng lợi cho các mục tiêu tiền tệ dài hạn
Nhằm hạn chế tới mức tối thiểu tác động của đại dịch corona tới nền kinh tế, FED đã hạ lãi suất tới 1%, đưa lãi suất của Mỹ dao động trong khoảng từ 0 – 0,25%. Tuy nhiên, chứng khoán tương lai của Mỹ không vì thế mà phản ứng tích cực. Thậm chí, nó còn chạm mức giới hạn với 5% giá trị bị thổi bay.
Cụ thể, Dow Jones futures đã giảm hơn 1.000 điểm, chạm mức giới hạn. S&P 500 và Nasdaq 100 futures cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Mắc dù quyết định của FED có thể giảm bớt tác động của dịch bệnh với thị trường tài chính Mỹ nhưng nhiều nhà đầu tư nói rằng họ sẽ chỉ mua cổ phiếu trở lại sau khi tin rằng số ca mắc corona ở Mỹ đã đạt đỉnh.
"FED đã kích thích mạnh mẽ chính sách tiền tệ của mình. Tuy nhiên, dịch bệnh không thể chấm dứt bằng cơn mưa tiền từ trên trời rơi xuống. Chỉ thời gian và thuốc men có thể làm được điều ấy", Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, nhận định.
Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất gần bằng 0, FED còn tung ra một chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ thông qua cam kết tăng lượng trái phiếu nắm giữ thêm ít nhất 700 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông rất vui mừng với thông báo này. "Tôi nghĩ thị trường sẽ rất hào hứng", ông Trump nói.
Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường tại Prudential Financial, cho biết: "FED hạ lãi suất đi cùng với một gói tài chính quan trọng sẽ giúp khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh với kinh tế. Ngay bây giờ, nó sẽ rất tích cực. Tuy nhiên, thị trường đang ở trong bối cảnh bị bầm dập bởi virus và không biết những chính sách này có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn hay không".
Thông báo của FED được đưa ra không lâu sau quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp hồi đầu tháng. Tháng 3 cũng đánh dấu cú tăng điểm mạnh nhất của chứng khoán Mỹ trong một ngày kể từ năm 2008, với tất cả các chỉ số chính đều tăng hơn 9% trong phiên giao dịch hôm 13/3.
Tuy nhiên, những tin tức tệ hại về sự lây lan của virus corona trong cuối tuần tác động mạnh mẽ tới tâm lý các nhà đầu tư. Số ca mắc bệnh ở Mỹ đã lên tới 2.952 người với ít nhất 57 trường hợp tử vong.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều đã giảm hơn 8% trong tuần trước. Nasdaq Composite thì rơi vào thị trường gấu. Ở phố Wall, một chỉ số rơi vào thị trường gấu khi nó giảm ít nhất 20% so với đỉnh.
Các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh lo ngại virus corona sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và tác động tới lợi nhuận doanh nghiệp. Thế giới hiện tại có hơn 156.000 trường hợp nhiễm virus corona trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đang rất thấp.