'Mắc kẹt' cổ phần hóa, thoái vốn
Trải qua một nửa chặng đường của giai đoạn 2022 - 2025, đến thời điểm này, 19/19 doanh nghiệp (DN) chưa cán đích cổ phần hóa theo kế hoạch Thủ tướng đã phê duyệt. Tiến trình thoái vốn gặp không ít khó khăn, DN gặp vướng với nhiều lý do dẫn tới mắc kẹt.
- 21-12-2023Tình hình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng
- 07-12-2023TCT Sông Hồng: Bộ Xây dựng muốn thoái hết vốn, từng thi công loạt công trình lớn nhất Việt Nam, hậu cổ phần hóa làm ăn bết bát, âm vốn nghìn tỷ
- 23-10-2023Bộ Xây dựng đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp hàng loạt doanh nghiệp lớn
“Lụt” tiến độ
Thủ tướng đã có quyết định cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, thoái vốn nhà nước đầu tư tại 141 doanh nghiệp, hạn chót phải hoàn thành là cuối năm 2025. Qua một nửa chặng đường của giai đoạn 2022 - 2025, báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2022-2023, trong 19 DN được Thủ tướng phê duyệt kế hoạch cổ phần hoá, chưa có bất cứ DN nào cán đích mục tiêu này.
Các DN gặp vướng mắc với nhiều lý do khác nhau. Trong số DN phải cổ phần hoá, Công ty TNHH MTV Thiết bị giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, nợ bảo hiểm xã hội, không vay được vốn, không mời được đơn vị tư vấn.
Công ty TNHH MTV XNK Nông sản thực phẩm Agrexport thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thậm chí trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu, đang phải xử lý các khoản công nợ, xây dựng phương án tái cơ cấu tài chính. Bộ NN&PTNT còn DN khác là Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long đang thống nhất phương án sắp xếp cơ sở nhà đất.
Tình hình thoái vốn dù có khởi sắc hơn, nhưng trong số 17/53 DN hoàn thành, vẫn còn tới 6 DN không đạt tỷ lệ được phê duyệt. Một số trường hợp không có nhà đầu tư đăng ký mua, như CTCP Xây dựng Bình Phước (UBND tỉnh Bình Phước) đã tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không thành công, kiến nghị chuyển sang SCIC. UBND TP Hải Phòng đã triển khai thoái vốn nhưng không thành công tại 3 DN: CTCP Công nghiệp thiết bị Tiền Phong, Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải Phòng, CTCP Đường bộ Hải Phòng.
Trong số 36 DN chưa hoàn thành thoái vốn, một số gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai : CTCP xử lý chất thải Phú Thọ, CTCP Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh, CTCP Quản lý đường thủy Quảng Ninh, CTCP Cầu phà Quảng Ninh… Vướng mắc trong xác định giá khởi điểm diễn ra tại Tổng công ty Viglacera, CTCP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu, Công ty liên doanh hữu hạn Hải Thành, CTCP Đường Bộ I. Theo đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu kiến nghị chuyển sang giai đoạn sau, hoặc tạm dừng việc thoái vốn.
DN thua lỗ, ca khó?
Bộ KH&ĐT đánh giá, kết quả thực hiện thoái vốn đến nay còn chậm, không đạt tiến độ phê duyệt. Các quy định về thoái vốn vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến thời gian xây dựng và phê duyệt phương án chậm, điều chỉnh nhiều lần. Một số DN còn tồn đọng những vấn đề về tài chính, tài sản, đất đai, công nợ, chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, trong bối cảnh trong nước, quốc tế biến động, Bộ KH&ĐT cho rằng, nhà đầu tư có tâm lý e ngại, đặc biệt là với DN hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực công ích, có tỷ suất lợi nhuận thấp...
Còn theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng giao do còn nhiều hạn chế ở khâu lập kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Dù vậy, hầu hết các địa phương đề xuất được tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn đã phê duyệt của giai đoạn 2022-2023 để hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025. Riêng Lai Châu, Sóc Trăng kiến nghị chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Với các DN có tỷ lệ phần vốn nhà nước thấp, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, không có nhà đầu tư quan tâm, các địa phương đề xuất cần có cơ chế thoái vốn phù hợp để giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn hiện nay.
Một số địa phương có nhiều DN phải thực hiện thoái vốn nhưng chưa hoàn thành, như: Bà Rịa Vũng Tàu (4/4 DN), Quảng Nam (5/5 DN), Hải Phòng (6/12 DN).
Phía Bộ KH&ĐT cho rằng, với các DN thuộc danh sách thoái vốn giai đoạn 2022 - 2023 nhưng chưa hoàn thành, cần làm rõ khó khăn, vướng mắc và tiếp tục thực hiện theo kế hoạch. Trường hợp các bộ, địa phương không thể thực hiện thoái vốn, đề xuất chuyển các DN về SCIC thì cần báo cáo cụ thể, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trao đổi với PV Tiền Phong , TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc cổ phần hóa, thoái vốn đòi hỏi quyết tâm của người đứng đầu. Tuy nhiên, theo ông Doanh, không nên để tình trạng bộ nào chủ trì cổ phần hóa bộ đấy. “DN nhà nước là đối tượng quản lý trực tiếp của bộ máy nhà nước, nếu cổ phần hóa hết, bộ máy này ít công việc phải làm. Theo đó, nhiều nơi có lý do cổ phần hóa chậm”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Với việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước, PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, đây chính là bước chuẩn bị để cổ phần hóa thoái vốn bước vào giai đoạn mới.
Tiền phong