“Made in China 2025”, tham vọng người Trung Quốc và câu chuyện kinh tế Việt Nam
2 năm trước, tháng 5/2015 chiến lược “Made in China 2025” ra đời nhằm thay đổi triệt để bộ mặt công nghiệp Trung Quốc. Chiến lược 10 năm có thể là quyết sách tốt đối với ngành công nghiệp nước này, tuy nhiên, nó cũng đồng thời khiến các nước khác, trong đó có Việt Nam phải lo ngại.
- 05-04-2017Kinh tế Việt Nam quý II dự báo tăng trưởng 5,6%, cả năm đạt 6,2%
- 30-03-20173 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế Việt Nam diễn biến như thế nào?
- 29-03-2017Bloomberg phân tích tác động đến kinh tế Việt Nam khi Samsung quyết định giảm sản lượng smartphone
- 27-03-2017Hiện tượng thú vị của kinh tế Việt Nam: "Thượng nguồn bị khô còn hạ nguồn bị ngập"
Tham vọng của Made in China 2025
Ngày 19/5/2015, chính quyền Trung Quốc đã công bố kế hoạch “Made in China 2025” nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất nước này trong vòng 10 năm tới.
Chiến lược được ra đời trong thời điểm các nhà máy Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn vì nhu cầu giảm, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực.
Tân Hoa Xã cho biết Quốc vụ viện Trung Quốc đề ra 9 ưu tiên để đưa nước này thành “cường quốc sản xuất của thế giới”, bao gồm tăng cường đổi mới, tích hợp công nghệ thông tin với sản xuất, quảng bá nhãn hiệu Trung Quốc, khuyến khích sản xuất xanh, tái cơ cấu các ngành sản xuát, quốc tế hoá sản xuất...
Chính phủ Trung Quốc cam kết đầu tư để phát triển 10 ngành công nghệ cao như chế tạo người máy, thiết bị hàng không không gian, xe hơi sử dụng năng lượng mới, vận tải công nghệ cao, tàu và thiết bị hàng hải công nghệ cao, y dược sinh học...
Theo đó, nhiều trung tâm đổi mới sản xuất sẽ được xây dựng. Hiện, con số này được đề xuất là 15 trung tâm đến năm 2020 và sẽ mở động thành 40 vào năm 2025.
“Bắc Kinh sẽ tăng chi phí nghiên cứu phát triển từ 0,88% doanh số sản xuất trong năm 2013 lên 1,68% vào năm 2025”, Tân Hoa Xã cho hay.
Rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam?
Sau khi ra đời và được áp dụng, “Made in China 2025” đã vấp phải nhiều chỉ trích của các doanh nghiệp nước ngoài.
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Bắc Kinh ngày 7/3 vừa qua đã công bố một bản báo cáo dài chỉ trích việc các doanh nghiệp ngoại bị đối xử bất công, cảnh báo về các khoản trợ cấp của Bắc Kinh có thể tạo ra mức dư thừa công suất lớn trong một số ngành công nghiệp.
Một ví dụ về sự bất công được chỉ ra là việc các doanh nghiệp châu Âu buộc phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc mới được tiếp cận thị trường.
“Giới doanh nghiệp châu Âu đang đối mặt với áp lực lớn là phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để đổi lấy quyền tiếp cận ngắn hạn vào thị trường”, báo cáo của Phòng Thương mại EU viết.
Nhưng các doanh nghiệp châu Âu không phải là đối tượng duy nhất bị ảnh hưởng bởi chiến lược tham vọng của Bắc Kinh.
“Lộ trình của Trung Quốc là thay thế công nghiệp giá rẻ tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Đến năm 2025, họ dự kiến hàm lượng công nghệ cao chiếm trong 1 sản phẩm sản xuất được phải là 70%. Do đó những công nghệ thải loại của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác, Việt Nam có thể nằm trong số đó. Đấy là rủi ro rất lớn”, TS. Lương Văn Khôi, Phó GĐ Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KHĐT) cho biết.
TS. Lương Văn Khôi cũng cho biết thêm hiện Trung Quốc đang có những chính sách cắt giảm, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than.
“Khả năng họ sẽ chuyển những nhà máy này sang Việt Nam. Thời gian qua đã có những dự án Trung Quốc ‘lọt’ vào Việt Nam. Chúng ta cần phải theo dõi sát sao, nếu không Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải loại của nước khác”, TS. Khôi nói.
Quý I/2017, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) cho biết vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, Mỹ, và nhiều quốc gia khác, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Singapore.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm Việt Nam nhận được hơn 823 triệu USD từ Trung Quốc với 58 dự án đăng ký cấp mới và 177 lượt vốn góp mua cổ phần. Số vốn này tăng khá mạnh so với con số 290 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.
“Liệu đây có phải là dấu hiệu cho những hành động trong chiến lược Made in China 2025?”
“Tôi nghĩ không nên loại trừ bất cứ nguy cơ nào cả, nhất là khi họ đang tự khuyến khích đầu tư vào những ngành công nghiệp cao, việc dư thừa phải tìm cách thải loại là điều có cơ sở”, ông Khôi trả lời.
Do đó, vị TS của trung tâm dự báo kinh tế cho rằng cần phải cân nhắc kỹ đối với những dự án của Trung Quốc đầu tư vào, đồng thời, phải giám sát việc chuyển giao công nghệ đối với những dự án đã ký.
“Nhà máy phân đạm Hà Bắc là một ví dụ, chuyển giao không tốt, lắp đặt xong thì đắp chiếu”, TS. Lương Văn Khôi cho hay.