MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Make in Vietnam": Quan trọng nhất là phải được thị trường và người dùng chấp nhận

"Make in Vietnam": Quan trọng nhất là phải được thị trường và người dùng chấp nhận

'Thế mạnh lớn nhất của các giải pháp ứng dụng "Make in Vietnam" chính là khả năng đưa ra được lời giải các bài toán đang đặt ra cho thị trường và doanh nghiệp"...

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một giải pháp, nền tảng công nghệ khi ra đời là phải được thị trường và người dùng chấp nhận. Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, thế mạnh lớn nhất của các giải pháp ứng dụng "Make in Vietnam" chính là khả năng đưa ra được lời giải các bài toán đang đặt ra cho thị trường và doanh nghiệp.

Hiện nay, tinh thần "Make in Vietnam" như một sự thay đổi về chiến lược trong phát triển của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với nội hàm nghiên cứu, sáng tạo, tự chủ các công nghệ, sản phẩm dịch vụ nhằm mang lại giá trị cao hơn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã có những bước chuyển hướng, nghiên cứu phát triển các giải pháp ứng dụng cho thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Từng có gần 10 năm dẫn dắt FPT Software khai phá thị trường, ông nhìn nhận thế nào về bước dịch chuyển này?

Tôi còn nhớ năm 2013, khi trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề làm thuê, gia công phần mềm, tôi đã nhấn mạnh, "chúng tôi đã tiến rất sát đến việc làm ra các phần mềm ứng dụng cho hàng triệu người sử dụng và trong thời gian tới, không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam sẽ có nhiều người dùng phần mềm ứng dụng của FPT".

Câu trả lời hay nhất cho điều này chính là những nền tảng, giải pháp nằm trong hệ sinh thái nền tảng, giải pháp chuyển đổi số của FPT được công nhận trong "Top 10 sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 vừa qua. Các ứng dụng trải rộng ở các lĩnh vực có giá trị thực tế góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, hướng đến mô hình quốc gia số trong tương lai như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, các phần mềm ứng dụng quản trị doanh nghiệp, phần mềm ngân hàng...

Ở thị trường thế giới, nhiều giải pháp của FPT đã được ghi nhận trong năm 2020 như: akaBot lọt top 6 sản phẩm RPA (nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ doanh nghiệp bằng robot) tốt nhất thế giới. Nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI giành quán quân cuộc thi xử lý ngôn ngữ tự nhiên SHINRA-ML 2020 tại Nhật Bản. Hay FPT.EagleEye Checkpoint Functions trở thành sản phẩm bảo mật đầu tiên của Việt Nam được đăng tải trên IBM X-Force Marketplace - nền tảng cung cấp thông tin về các mối đe dọa an ninh toàn cầu mới nhất.

Mặc dù hiện nay không còn phụ trách lĩnh vực phần mềm của FPT nhưng tôi rất tự hào từ cách đây 8 năm, chúng tôi đã bắt đầu làm những phần mềm ứng dụng cho người dùng, doanh nghiệp Việt. Những thành quả của ngày nay thông qua các phần mềm được ứng dụng là câu trả lời mạnh mẽ nhất cho bước dịch chuyển sang giai đoạn sáng tạo ra những phần mềm ứng dụng của FPT.

Một yếu tố quan trọng với hoạt động sáng tạo, những mô hình mới chính là tạo môi trường và cơ chế chính sách. Ông nhìn nhận thế nào về những yếu tố này ở Việt Nam?

Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò "bà đỡ" của Chính phủ đưa ra các cơ chế chính sách, định hướng, đặt hàng bài toán cụ thể về phát triển chính phủ số, kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới các quy trình làm việc trên không gian mạng và sẵn sàng sử dụng các ứng dụng phần mềm trong nước.

Tiếp đó là các hành động mạnh mẽ của Bộ Thông tin & Truyền thông trực tiếp làm "bà đỡ", đứng ra giới thiệu, bảo trợ cho các ứng dụng này... Điều quan trọng hơn cả là các cơ quan quản lý đặt hàng và tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các ứng dụng mới nhanh chóng được ứng dụng vào đời sống.

Đây là những yếu tố rất quan trọng tạo nền tảng môi trường thuận lợi để sáng tạo, thúc đẩy phát triển các nền tảng ứng dụng đáp ứng nhu cầu của xã hội, thị trường. Những năm gần đây, Chính phủ đã có những bước tiến mạnh mẽ bằng những hành động cụ thể, tạo ra các cơ chế, xây dựng cơ sở pháp lý...

Ngoài ra, tôi quan sát thấy sự chuyển mình của các trường công lập cập nhật tiến bộ công nghệ, những đòi hỏi mới nhất của ngành công nghiệp công nghệ số trong đào tạo sinh viên. Chỉ có vậy, các kỹ sư khi ra trường mới tự tin sẵn sàng làm việc, không phải mất thời gian đào tạo lại.

Tôi cho rằng Nhà nước chỉ cần tạo ra các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, môi trường mở, chủ trương đặt hàng hoặc thuê, các doanh nghiệp sẽ chủ động đầu tư trang thiết bị, tài chính và nguồn lực để sáng tạo ra các sản phẩm ứng dụng, triển khai trong thực tế.

Phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số là ngành mới với rất nhiều thứ chưa có trong tiền lệ, chưa được pháp luật quy định... Do đó, cách nhìn của cơ quan quản lý phải theo hướng này để có cơ chế quy định, môi trường sẵn sàng thử nghiệm cái mới. Các doanh nghiệp công nghệ số rất mong chờ những quy định về cơ chế thử nghiệm cái mới (sandbox). Điều này cũng sẽ giúp cơ quan quản lý ngành có cơ sở cho phép thử nghiệm các công nghệ mới như blockchain, mô hình thanh toán điện tử...

Ông có nghĩ các doanh nghiệp công nghệ Việt với các giải pháp "Make in Vietnam" có cơ hội đi ngang bằng, thậm chí dẫn dắt cuộc chơi, cung cấp các giải pháp vươn ra thị trường quốc tế? 

Câu trả lời của tôi là có và chưa. Thực tế các doanh nghiệp công nghệ như FPT đang có những nền tảng đã thành công ở nước ngoài sau đó mới đưa về triển khai cung cấp ở thị trường Việt Nam. Có những nền tảng phần mềm Việt đã lọt vào top 5, top 10 thế giới như akaBot tôi nói trên.

Còn chưa là bởi phần lớn các DN công nghệ non trẻ của Việt Nam có thể đã làm được một số giải pháp ứng dụng ở trong nước nhưng chưa đáp ứng các chuẩn mực yêu cầu của quốc tế.

Theo ông đâu là những thế mạnh và điểm hạn chế cần cải thiện để các giải pháp "Make in Vietnam" có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và cạnh tranh, chinh phục các khách hàng nước ngoài?

Tôi nhận thấy, thế mạnh lớn nhất của các giải pháp ứng dụng "Make in Vietnam" của doanh nghiệp Việt là đáp ứng trực tiếp các yêu cầu của người sử dụng. Các nền tảng giải pháp của nước ngoài thường rất đồ sộ, phức tạp, đầu tư tốn kém nhưng hiệu quả khai thác sử dụng chưa chắc đã cao. Còn các giải pháp của doanh nghiệp Việt lại đơn giản và trả lời trực tiếp các câu hỏi, giải quyết các bài toán đang đặt ra của thị trường. Tất nhiên, điều này cũng có hạn chế là các giải pháp này có thể thiếu tính hệ thống, tổng thể.

Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất với một giải pháp, nền tảng ra đời là phải được thị trường và người dùng chấp nhận. Việc chiếm lĩnh lòng tin của người dùng Việt Nam là yếu tố quan trọng nhất với các giải pháp dịch vụ "Make in Vietnam".

Tiềm năng thị trường phần mềm còn rất lớn nhưng cơ hội từ "Make in Vietnam" để khẳng định vị thế, phát triển bứt phá và khát vọng xây dựng quốc gia cường thịnh đang mở ra những sứ mệnh phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. FPT Telecom đang "Make in Vietnam" thế nào trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ, cá nhân hóa và tăng trải nghiệm khách hàng?

Xu hướng chung của các công ty viễn thông trong tương lai là phát triển theo TMT– Telecom (Viễn thông)– Media (Truyền thông)– Technology (Công nghệ).

Tất cả các hãng viễn thông lớn trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay đều đã và đang đầu tư rất lớn vào mảng media, công nghệ và cung cấp các giải pháp số. FPT Telecom cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chúng tôi không chỉ đơn thuần cung cấp giải pháp công nghệ mà còn cả các dịch vụ dựa trên nền tảng viễn thông như ví điện tử, TV shopping– điều khiển bằng giọng nói, truyền hình tương tác, cung cấp các dịch vụ online...

Không chỉ là một nhà cung cấp dịch vụ Internet và các giải pháp công nghệ mới, FPT Telecom tìm thấy sứ mệnh của mình trong việc kết nối con người, xóa nhoà khoảng cách địa lý, góp phần giúp xã hội vận hành linh hoạt và thông minh hơn; đặc biệt trong giai đoạn Covid đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Các sản phẩm "Make in Việt Nam" mà FPT Telecom đang và sẽ hoàn thành đều sẽ phục vụ cho sứ mệnh kết nối thiêng liêng đó.

Hiện nay, các sản phẩm của FPT Telecom đều có trung bình hàng triệu người sử dụng mỗi ngày như FPT Internet, Truyền hình FPT, FPT Play, FPT Camera... Để cá nhân hóa trải nghiệm của từng đó khách hàng là một bài toán không hề dễ mà chúng tôi đang nghiên cứu hàng ngày.

Một thuật ngữ thể hiện xu hướng mới hiện nay đó là Data Driven Business, tức là kinh doanh dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập, phân tích được và dữ liệu sẽ quyết việc kinh doanh. Để cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm và đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chúng tôi phải hiểu sâu sắc khách hàng, biết rõ họ là ai, ưa thích ứng dụng nào và quan tâm những vấn đề gì... Với việc ứng dụng công nghệ mới, chúng tôi có thể biết chính xác hiện trạng sử dụng và chất lượng Internet của từng gia đình, tín hiệu mạng có bị ngắt quãng không và chất lượng phim xem có mượt mà không, từng khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ trong từng khung giờ thế nào, nhu cầu giải trí ra sao...

Ngay trong những ngày dịch bệnh quay trở lại, có nhiều người không được về quê cùng gia đình đoàn viên đón Tết thì việc kết nối qua Internet, video calls... là cực kỳ quan trọng và mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Điều này không còn đơn giản là kết nối Internet mà là kết nối trái tim, kết nối yêu thương trong những khoảnh khắc đặc biệt.

Theo Đức Phan

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên