Màn kịch khóc lóc qua điện thoại, đóng vai từ cô giáo đến bác sĩ để lừa phụ huynh chuyển tiền
Không chỉ tự xưng là giáo viên để thông báo cho phụ huynh rằng con của họ bị ngã chấn thương sọ não mà các đối tượng còn dàn dựng kịch bản khóc lóc, đóng vai cả bác sĩ, nhân viên thu ngân của bệnh viện để yêu cầu chuyển tiền phẫu thuật gấp.
Những ngày vừa qua, nhiều phụ huynh có con học tại các trường trên địa bàn TP.HCM đã liên tục nhận được cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo tự xưng là thầy giáo, nhân viên bệnh viện... thông báo con bị chấn thương sọ não đang cấp cứu ở bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để phẫu thuật.
Sự việc này khiến nhiều người hoang mang và không ít các vị phụ huynh trong lúc hoảng loạn đã chuyển số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng vào tài khoản của những đối tượng lừa đảo.
Ngày 6/3, chị Đ.H.H - phụ huynh có con đang theo học tại trường Á Châu (TP.HCM) cũng đã vô cùng lo lắng khi liên tục nhận được cuộc gọi thông báo về tình hình sức khỏe của con khi không may bị ngã ở trường và đang được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo chia sẻ của chị H. thì nhóm đối tượng lừa đảo đã lên kịch bản rất chuyên nghiệp và chia vai cho từng người cụ thể nhằm khiến các phụ huynh phân tâm, chỉ lo cho tình hình của các con mà không đủ thời gian để phân tích hay hoài nghi về sự việc.
Chị H. chia sẻ số điện thoại của đối tượng lừa đảo và số tài khoản được gửi đến yêu cầu phụ huynh tạm ứng tiền để phẫu thuật
"Tôi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ của một cô gái tự nhận là giáo viên ở trường vừa khóc vừa nói với giọng gấp gáp thông báo con tôi không may bị ngã ở trường trong lúc chơi, bị chấn thương sợ não, đang hôn mê và đã được đưa vào cấp cứu ở Chợ Rẫy", chị H. chia sẻ.
Thậm chí, để tăng thêm sự tin tưởng cho vị phụ huynh này, các đối tượng còn giả danh cả bác sĩ của bệnh viện Chợ Rẫy để nói chuyện. Theo đó, một giọng nam tự xưng là bác sĩ đã nghe máy và thông báo về tình hình của em học sinh. "Tôi là bác sĩ, bé nhà chị ngã hiện đang hôn mê, chúng tôi đang đưa vô phòng mổ, cháu té như thế nào tôi chưa rõ, anh chị lên gấp phòng cấp cứu".
Theo chị H. do lo lắng cho tình hình của con nên chị đã tính sẽ lao ngay đến bệnh viện. Tuy nhiên, cô gái tự xưng là cô giáo đã nhanh chóng gọi điện lại "dẫn dụ" vị phụ huynh chuyển tiền bằng lý do "bác sĩ yêu cầu mổ gấp, không mổ là chết não", "em không đem theo tiền",...
Sau hàng loạt chiêu đánh vào tâm lí của phụ huynh, các đối tượng còn cho một giọng nữ khác nghe máy và yêu cầu tạm ứng trước 50 triệu đồng để làm thủ tục phẫu thuật.
Trong lúc lo lắng, chị H. cho biết bản thân chị đã kịp định thần lại và liên lạc với cô giáo chủ nhiệm của con để xác nhận sự việc. "Tôi đã định bấm chuyển khoản sau khi nhận được số tài khoản ngân hàng qua tin nhắn. Nhưng may mắn tôi đã kịp định thần lại và liên lạc với cô giáo chủ nhiệm để xác nhận thì được cô thông báo là con vẫn ở lớp và hoàn toàn không bị làm sao. Lúc này tôi mới nhận ra mình đã gặp phải đối tượng lừa đảo".
Bệnh viện Chợ Rẫy
Chị H. cũng cho biết thêm, chị đã đọc một số thông tin về việc lừa đảo chuyển khoản nhưng không ngờ mình cũng là một trong số các nạn nhân bị các đối tượng nhắm tới. Ngay sau đó, chị H. cũng đã chia sẻ câu chuyện lên trang Facebook cá nhân để các phụ huynh nâng cao cảnh giác.
Sau khi nhiều phụ huynh nhận cuộc gọi từ các đối tượng lừa đảo, hàng loạt cơ sở giáo dục ở TP.HCM phát đi thông báo khẩn, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thông báo đường dây nóng của nhà trường để phụ huynh liên lạc khi cần xác thực thông tin, không để kẻ gian lừa đảo.
Trước đó, sau khi làm việc với hàng loạt phụ huynh học sinh đến Bệnh viện Chợ Rẫy tìm con bị "chấn thương sọ não", Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên tiếng cảnh báo và cho biết, "tại bệnh viện Chợ Rẫy có quy trình nghiêm ngặt, rất quý trọng giờ vàng của bệnh nhân. Vì thế, các bệnh nhân có thân nhân, có tiền hay không đều được các bác sĩ cấp cứu, cho chụp CT, mổ cấp cứu kịp thời... Nên các phụ huynh cũng không nên chuyển tiền ngay lập tức. Đồng thời, phụ huynh cũng nên lưu số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm để kịp thời cập nhật tình hình của các con, tránh để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo".
Phụ nữ Việt Nam