MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mận Trung Quốc được "hô biến" thành mận Sa Pa

29-07-2017 - 09:12 AM | Thị trường

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 100% hoa quả Trung Quốc đều được kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, nhưng với tâm lý e ngại sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ bên kia biên giới của người tiêu dùng, rất nhiều tiểu thương bán hoa quả tại các chợ bán lẻ đã tự động "hô biến” hoa quả Trung Quốc thành hàng có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam, Mỹ, Úc…

Quả mận Việt Nam có mùa bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 âm lịch và kết thúc vào khoảng tháng 6. Vào thời điểm hiện tại, hầu hết các tỉnh vốn là vựa mận của nước ta như Sơn La, Lào Cai đều đã hết mận. Nhưng ở Hà Nội, mận vỏ xanh, lòng vàng hay còn gọi là mận róc hạt lại được bán tràn lan với giá 30-40 nghìn đồng/kg (tuỳ loại to hay nhỏ).

Đặc biệt, mận đen tím bầm, to như quả trứng gà, trứng vịt, bên trong thịt mận có màu vàng, mọng nước, ăn mềm có vị ngọt đậm cũng đang được bán phổ biến. Nhưng ở Việt Nam, chỉ có một loại mận màu tím bên trong màu vàng nhưng quả nhỏ như mận cơm vị rất chua và đắng, loại mận này rất ít khi thương lái thu mua vì không lãi nhiều.

Và tại chợ đầu mối Long Biên, “thủ phủ” phân phối hoa quả của Hà Nội, hai loại mận trên đều được các thương lái khẳng định là mận Trung Quốc. Thậm chí, các bao bì vẫn ghi chữ Trung Quốc đầy đủ.

Hầu hết hoa quả Trung Quốc được nhập về qua cửa khẩu chứ không nhập lậu theo đường tiểu ngạch.

Hầu hết hoa quả Trung Quốc được nhập về qua cửa khẩu chứ không nhập lậu theo đường tiểu ngạch.

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII (Lạng Sơn) và vùng VIII (Lào Cai), tính từ đầu mùa mận đến cuối mùa mận hàng năm, mận Trung Quốc được nhập về Việt Nam với số lượng 4.206 tấn mận các loại. Trong đó, mận Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu Lào Cai là chủ yếu với số lượng khoảng 3.668 tấn.

Không khó để phân biệt giữa mận Trung Quốc và mận Việt Nam. Nhất là hiện nay, mận trong nước đã hết mùa. Vì thế, 95% mận đang được bán tại các chợ đều là mận Trung Quốc.

Theo các chủ hàng buôn bán trái cây lâu năm, khá dễ để phân biệt giữa mận Trung Quốc và mận Việt Nam. Mận Việt quả sẽ nhỏ hơn mận Trung Quốc. Mận Việt có màu tím đến tím đậm khi chín, trên bề mặt quả vẫn còn lớp phấn trắng. Trong khi đó, mận Trung Quốc thì có màu vàng mờ, nhiều quả cũng có màu tím nhạt pha lẫn màu xanh nhưng không thể có màu tím đậm và đều như mận Việt được.

Ngoài ra, mận Trung Quốc thường có lớp vỏ trơn bóng, sạch sẽ, không có lớp phấn trắng bắt ở bề ngoài như mận Việt. Ngoài ra, mận Việt thường sẽ rất tươi và cứng, nhiều quả còn nguyên cuống tươi và lá, bảo quản được khá lâu và mận không bị mất đi độ ngọt. Ngoài ra, mận Việt Nam khi ăn thường có vị chua, thanh và giòn, khi chín có vị ngọt nhưng vẫn pha lẫn vị chua dịu. Mận Trung Quốc ăn sẽ ngọt hơn, ruột mềm và dễ bị nhũn, nhất là khi bảo quản lâu.

Đặc biệt, giá mận Trung Quốc bao giờ cũng rẻ hơn mận Việt Nam, thường có giá 30.000 đồng-40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người bán trái cây thường giới thiệu đây là mận Sa Pa, Lào Cai nhưng mận Sa Pa quả nhỏ hơn, màu tím, vị ngọt hơn và lượng cũng không dồi dào.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng VII (Lạng Sơn), với mặt hàng trái cây, khi nhập qua cửa khẩu sẽ được kiểm dịch thực vật (phát hiện mầm dịch bệnh) và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản. Tại thời điểm này, hoa quả vào Việt Nam không nhiều vì chưa phải chính vụ hoa quả.

Cũng theo bà Hà, trong 2 năm gần đây, đơn vị này chưa phát hiện trường hợp nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Mặc dù vậy, khi đến tay người tiêu dùng vẫn xuất hiện các hiện tượng hoa quả để vài tháng không hỏng. Điều này khiến dư luận nghi ngờ, phải chăng nguồn thuốc bảo quản được chính các thương lái Việt Nam sử dụng, ngâm tẩm.

Ngoài mận, hiện nay, có khá nhiều loại quả Trung Quốc đang được bán dưới mác Việt Nam. Đơn cử như dưa lưới vàng, hồng xiêm, nho, thanh long… Tại chợ Long Biên, theo quan sát của chúng tôi, hàng chục tấn dưa vàng, hồng xiêm, thanh long nguyên thùng với mác Trung Quốc đỗ san sát nhau.

Thực tế, các thương lái cũng khẳng định đó là hàng Trung Quốc, công khai và không giấu diếm. Chỉ khi đến tay người tiêu dùng, qua khâu bán lẻ, do tâm lý e ngại hàng Trung Quốc của người mua nên những người bán lẻ mới “biến” chúng thành hồng xiêm Xuân Đỉnh, hồng xiêm Thái Lan, dưa vàng Sài Gòn… Vì thế mới có chuyện, hoa quả Trung Quốc ngập tràn các chợ đầu mối nhưng các chợ bán lẻ, không một người kinh doanh nào nhận mình bán đồ Trung Quốc.

Tháng 7, tháng 8 đang là vụ mùa của măng cụt. Đây là loại quả được bán rất phổ biến và được ưa chuộng. Giá của loại quả này rất đa dạng, từ 50-60 nghìn đồng/kg đến loại 15 nghìn đồng/kg. Chính vì giá khác xa nhau nên nhiều người nghi ngờ có măng cụt Trung Quốc trà trộn vào.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thực tế, Trung Quốc lại nhập khẩu măng cụt của Việt Nam chứ không có chuyện ngược lại. Măng cụt là một loại quả có vỏ dày để bảo vệ lớp ruột quả bên trong, được trồng nhiều ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh... Chính vì vậy mà vận chuyển và bảo quản măng cụt cũng không khó.

Và theo ghi nhận của Cục Bảo vệ thực vật, chưa ghi nhận măng cụt có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc hóa chất độc hại. Ngoài ra, trên thị trường cũng có măng cụt được nhập từ Thái Lan về được bán với giá 50 -60 nghìn đồng. Măng cụt Thái Lan quả to, múi căng, vị ngọt thơm nên cũng được khách hàng ưa chuộng nhất.

Tại chợ đầu mối Long Biên, khi chúng tôi có mặt sáng sớm ngày 28-7, hàng chục chiếc xe tải chở măng cụt đỗ trong chợ. Xe nào cũng có 5-6 nhân công khênh vác làm nhiệm vụ đổ măng vào túi, đưa xuống cho khách. Bên dưới, cả chục khách mua chờ đợi đón hàng sớm mang về bán lẻ. Giá măng cũng được chia theo kích cỡ. Số 1 là loại to nhất có giá 35 nghìn/kg, và số 5 là loại nhỏ nhất chỉ có giá 15 nghìn đồng/kg. Tất cả đều là hàng tươi rói, cuống xanh. Vì thế, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm mua măng cụt để ăn mà không sợ nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo kinh nghiệm của nhiều người bán hàng, trái măng cụt có vỏ màu rám nâu sẽ ngon hơn màu nâu đỏ. Khi mua nên sờ quả măng cụt, nếu mềm thì chọn, còn cứng như gỗ thì loại không nên mua.

Theo Ngọc Yến - Thanh Huyền

Công an nhân dân

Trở lên trên