MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Màng bọc thực phẩm có quay trong lò vi sóng được không? Đáp án khiến nhiều người bất ngờ

18-07-2024 - 18:49 PM | Sống

Màng bọc thực phẩm có quay trong lò vi sóng được không? Đáp án khiến nhiều người bất ngờ

Theo chuyên gia cho biết, việc sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng cần được tiến hành một cách cẩn trọng.

Màng bọc thực phẩm là món đồ không thể thiếu trong việc bảo quản thực phẩm hàng ngày của mỗi gia đình. Đây là công cụ thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình. Bên cạnh việc hỗ trợ giữ cho thực phẩm tươi ngon trong tủ lạnh, nhiều người còn dùng màng bọc này cho lò vi sóng khi quay thức ăn. Mục đích của việc này để tránh đồ ăn bị bắn ra lò vi sóng giúp việc vệ sinh sau đó dễ dàng hơn.

Việc làm này không phải hiếm gặp, tuy nhiên, theo các chuyên gia cho biết, việc sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng cần được tiến hành một cách cẩn trọng. Theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Tuấn, một số loại màng bọc có thể dùng trong lò vi sóng, nhưng điều quan trọng là phải phân biệt được chất liệu của chúng thông qua các ký hiệu trên bao bì. Do đó, không phải loại màng bọc thực phẩm nào cũng có thể dùng cho lò vi sóng.

Màng bọc thực phẩm có quay trong lò vi sóng được không? Đáp án khiến nhiều người bất ngờ- Ảnh 1.

Dùng màng bọc thực phẩm sai cách có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ

Cách phân biệt các loại màng bọc thực phẩm

Trên thị trường hiện có hai loại màng bọc phổ biến: Một là loại màng bọc thông thường, dùng để bảo quản thực phẩm điều kiện bình thường và trong tủ lạnh, thường được biết đến là các loại màng bọc PE và PVC. Màng bọc loại này không chịu nhiệt độ cao và có thể gây hại nếu sử dụng trong lò vi sóng, đặc biệt là màng PVC vì ngoài nhựa còn có chứa cả chất phụ gia tạo dẻo.

Màng bọc thực phẩm có quay trong lò vi sóng được không? Đáp án khiến nhiều người bất ngờ- Ảnh 2.

Cách phân biệt màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng an toàn và hiệu quả. Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, loại màng bọc thứ hai được biết đến là màng bọc "cao cấp" chịu nhiệt cao và dùng được cho lò vi sóng là màng bọc PMP (Polyvinylidene Clorua) và PVDC (Polyvinylidene Clorua). Với loại này, màng PMP và PVDC có thể chịu được nhiệt độ từ 140 đến 180 độ C và thường có dấu hiệu chỉ dẫn rõ ràng trên bao bì.

Tuy nhiên, giá của màng bọc dùng trong lò vi sóng thường cao hơn so với màng thông thường. Do đó, người tiêu dùng cần chú ý đến những ký hiệu trên sản phẩm để xác định loại màng bọc có thể sử dụng an toàn trong lò vi sóng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc có chỉ dẫn là không dùng được trong lò vi sóng, người dùng không nên sử dụng loại màng bọc đó để hâm nóng thực phẩm trong lò vi sóng.

Dùng sai màng bọc thực phẩm cho lò vi sóng, hậu quả khôn lường

Màng bọc thực phẩm thông thường được làm từ loại nhựa gọi là polyethylene, chất liệu này ở mức độ nhất định có thể chịu được nhiệt độ nhất định mà không tan chảy. Tuy nhiên, khi đặt trong môi trường nhiệt độ cao như trong lò vi sóng, nếu không được chỉ định là an toàn, màng plastic có thể phóng thích các hóa chất độc hại vào thực phẩm, điển hình là Bisphenol A (BPA) và các phthalates - những chất đã được nghiên cứu cho thấy có khả năng gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người theo các báo cáo từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và các tổ chức y tế khác.

Do đó, cần sử dụng các loại màng bọc thực phẩm chuyên dụng cho lò vi sóng. Vì chúng được làm từ polyethylene chịu nhiệt cao và không chứa BPA.

Màng bọc thực phẩm có quay trong lò vi sóng được không? Đáp án khiến nhiều người bất ngờ- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, khi sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng, người dùng cũng cần lưu ý không để màng bọc tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Việc này không chỉ giảm nguy cơ hóa chất từ màng bọc hòa vào thực phẩm mà còn tránh được hiện tượng màng bọc bị nóng chảy và dính vào thức ăn, làm thay đổi hương vị cũng như chất lượng của món ăn.

Ngoài ra, việc sử dụng màng bọc này cũng cần đảm bảo "thông gió" tốt khi hâm nóng thực phẩm. Do đó, khi quay nóng thức ăn nên tạo các lỗ nhỏ trên phần màng bọc để hơi nước có thể thoát ra, từ đó tránh được áp suất tích tụ có thể gây nổ và làm hỏng cả lò vi sóng lẫn thực phẩm.

Kết luận, việc sử dụng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng không phải là không thể nhưng đòi hỏi sự lựa chọn cẩn thận và sử dụng đúng cách. Nếu không chắc chắn, người tiêu dùng nên tìm kiếm các phương pháp thay thế như dùng đồ dùng chịu nhiệt dành cho lò vi sóng, ví dụ như đĩa, hộp thủy tinh hoặc vật liệu silicone. Chúng không những an toàn mà còn tái sử dụng được, góp phần làm giảm lượng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

(Tổng hợp)

Theo Tiểu Lam

Đời sống pháp luật

Trở lên trên