MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạng xã hội không phải tòa án!: Tỉnh táo trong không gian số

06-09-2022 - 14:19 PM | Kinh tế số

Đồ họa: Anh Thanh

Đồ họa: Anh Thanh

Quyền tự do ngôn luận, được bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân là điều rất đáng tôn trọng nhưng mỗi người cần tuân thủ đúng Hiến pháp và quy định của pháp luật

Báo cáo toàn cảnh Digital Vietnam 2022 ghi nhận tổng dân số nước ta tính đến tháng 2-2022 là 98,56 triệu dân, có 72,1 triệu người dùng internet. Nhiều năm qua, Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia có lượng người dùng mạng xã hội cao nhất thế giới mà chiếm tỉ lệ lớn là thanh thiếu niên.

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân

Không biết từ lúc nào, không gian mạng xã hội trở thành "điểm hẹn hấp dẫn" của đám đông cuồng nộ. Họ có thể lật tung bàn phím tấn công bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm và lý do gì. Từ người nổi tiếng đến người bình thường đều có thể trở thành tấm bia hứng chịu muôn vàn "gạch đá" từ cơn bão giận dữ, mất kiểm soát của đám đông. Trong đó có những người hăng hái "ném đá" chỉ do cảm tính hoặc đơn giản là bị ảnh hưởng theo phong trào và những người xung quanh.

Không phủ nhận có những phát hiện, phê phán có tính xây dựng đem đến những lợi ích, giá trị thiết thực cho cộng đồng. Tuy nhiên, song song đó, có không ít hành vi soi mói, phán xét, chỉ trích... người khác một cách hung hãn, tùy tiện.

Lên án cái xấu, đấu tranh với cái ác không có nghĩa là phải luôn bày tỏ sự thịnh nộ, buông lời cay nghiệt, sẵn sàng "trừng phạt", chê bai, xúc phạm, lăng nhục, chà đạp nhân phẩm người khác dù chưa suy xét tường tận bản chất câu chuyện, chưa tìm hiểu sự thật vấn đề. Trong nhiều trường hợp, điều bị cho là "sai trái, xấu xa" đôi khi chỉ là những phát ngôn hay hành vi mang tính khác biệt, khiến người ta "cảm thấy ghét", "ngứa mắt" chứ không hẳn là vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức hay thuần phong mỹ tục.

Nguy hại hơn nữa là đánh vào thái độ dễ bức xúc, khát khao thể hiện bản thân và quyền lực "thực thi công lý" của một bộ phận dân mạng, một số đối tượng có động cơ không trong sáng đã chủ động tạo ra tin tức giả, những hình ảnh, video cắt ghép... để gây sự chú ý, dẫn dắt người xem, trở thành nguồn cơn cho trăm ngàn bình luận khó nghe, những lượt chia sẻ mù quáng, châm ngòi bùng nổ những trận chiến từ ngữ độc hại, u ám.

Sau mỗi avatar là một số phận!

Thời gian qua, một số cá nhân đã phải trả giá cho việc livestream bôi nhọ danh dự, chửi bới, lăng mạ, công kích, kết án người khác, thách thức dư luận, coi thường pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tượng phát ngôn bừa bãi, kích động bạo lực, thù ghét trên mạng xã hội vẫn còn khá phổ biến.

Mong muốn nổi tiếng trên mạng xã hội, được xưng tụng, tung hô là hot Facebooker, TikToker... khiến một số người mờ mắt, sẵn sàng lao vào đủ chiêu trò câu view, câu tương tác, chửi bới, vu khống người khác để "tạo nét", "lấy số má". Nhiều nạn nhân không có khả năng lên tiếng, giải thích, không biết tự vệ, không có người bảo vệ... phải chịu đựng chấn thương tâm lý nặng nề, bị ám ảnh, xáo trộn đời sống, thậm chí có người tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Hiện đã có một loạt văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Viễn thông; Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, người có ảnh hưởng tới công chúng... Đây đều là những cơ sở cần thiết để điều chỉnh phát ngôn, hành vi, ứng xử và cả sản phẩm văn hóa trên không gian mạng.

Quyền tự do ngôn luận, được bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân là điều rất đáng tôn trọng nhưng mỗi người cần tuân thủ đúng Hiến pháp và quy định của pháp luật. Những ai có ảnh hưởng đến công chúng lại càng nên cẩn trọng khi đưa ra nhận định về tổ chức, cá nhân, chủ đề nào đó.

Mạng xã hội tuy không phải không gian vật lý để có thể sờ, chạm nhưng gắn bó mật thiết, phản ánh lối sống, tư duy của chính người dùng trong cuộc sống hằng ngày. Khi thiếu tỉnh táo, bị lôi kéo, nổi nóng, nhiều mâu thuẫn trong thế giới ảo sẽ biến thành những ẩu đả, thương vong ở đời thực. Ngược lại, những giá trị chân - thiện - mỹ, những lời kêu gọi, hành vi giàu tính nhân văn trên mạng xã hội cũng có thể đem đến những kết quả tích cực, có ích cho nhiều người.

Sau mỗi tấm ảnh đại diện (avatar) bé nhỏ trên mạng xã hội (trừ các tài khoản ảo, giả mạo...) là một người dùng có cuộc đời thực, có người thân, bè bạn, có những tâm tư, tình cảm, ưu điểm và khuyết điểm, có quá khứ - hiện tại và tương lai. Ý thức được sâu sắc điều này, mỗi người sẽ thận trọng hơn trước khi đăng tải hay bày tỏ quan điểm của mình, dứt khoát nói "không" trước những tình huống, xu hướng có thể gây nguy hại cho mình, cho người khác cũng như can đảm, mạnh mẽ bảo vệ mình và người khác trước những tổn thương.

Cần nâng cao nhận thức về pháp luật và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trên mạng xã hội, góp phần tạo nên cộng đồng mạng có ứng xử văn minh, bản lĩnh vững vàng.

Theo Xuân Huy

Người Lao Động

Trở lên trên