“Mánh khoé” đầu tư của những người có tiền
Thay vì mua một BĐS lẻ bên ngoài, những nhà đầu tư có tiền lại tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các khu đô thị quy mô – nơi họ cho rằng, giá BĐS sẽ tăng mạnh theo tiện ích nội khu thay vì những biến động khó lường bên ngoài thị trường.
Bỏ hàng chục tỉ đồng để kiếm biên lợi nhuận 40-50%/năm
Có thực tế, tốc độ tăng giá của những BĐS cao cấp, hạng sang tại các khu đô thị được đầu tư tiện ích bài bản thường cao hơn so với BĐS lẻ bên ngoài. Những căn nhà phố, biệt thự trong khu đô thị, được phát triển bởi các nhà đầu tư uy tín có mức giá tăng trung bình dao động từ 30-50%/năm; trong khi nhà phố, biệt thự lẻ bên ngoài mức tăng khoảng 15-25%/năm được xem là cao.
Chẳng hạn, tại KĐT Mizuki Park của Nam Long Group thuộc khu Nam Sài Gòn, các sản phẩm nhà phố, biệt thự đã tăng gần gấp 3 so với thời điểm đầu mở bán năm 2017; các căn biệt thự valora từ 40 triệu đồng/m2 hiện đã chạm mốc 90-100 triệu đồng/m2.
Hay, tại KĐT Vạn Phúc City mỗi năm các căn nhà phố, biệt thự tăng giá trung bình 40-50%. Những căn có giá 10-15 tỉ đồng/căn thời điểm đầu mở bán hiện đã chạm mốc 30-40 tỉ đồng/căn.
Tại khu vực Long An, nhà phố Waterpoint quy mô 355ha cũng có biên độ tăng giá từ 20-40%/năm. Và gần như, mỗi phân khu mở ra, khách có dòng tiền tốt đều vào mua đón đầu.
Tìm hiểu được biết, việc các nhà đầu tư có tài chính tốt lựa chọn các BĐS trong KĐT đều có lý do. "Mánh khoé" kiếm tiền tỉ trong khoảng thời gian ngắn của những nhà đầu tư có tiền này xuất phát từ yếu tố tiện ích của dự án được đầu tư đến đâu. Thay vì bỏ tiền vào các BĐS lẻ bên ngoài, có thể phụ thuộc vào sự biến động của thị trường; các BĐS trong khu đô thị thường tăng giá 2 chiều: Tăng theo tiến độ tiện ích nội được CĐT đầu tư, và tăng theo giá thị trường bên ngoài. Cán cân tăng giá thường nghiêng nhiều hơn theo tiện ích, hạ tầng nội khu của chính dự án đó. Đó là lý do, khi thị trường biến động, giá các BĐS trong khu đô thị ít giảm, thậm chí vẫn tăng đều; gần như không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Anh Trung, một nhà đầu tư BĐS lâu năm sống tại Q.7, Tp.HCM mua một căn biệt thự thuộc một khu đô thị quy mô tại Long An vào thời điểm năm 2018 với mức giá 8 tỉ đồng. Hiện căn biệt thự này của anh Trung đã tăng lên 13 tỉ đồng, có người hỏi mua nhưng anh vẫn chưa muốn bán lại, chờ tăng giá thêm. Nhà đầu tư này cho hay, anh cũng đã từng đầu tư khá nhiều BĐS lẻ bên ngoài, nhưng mức độ tăng giá lại không bằng BĐS trong KĐT. Theo anh Trung, mỗi giai đoạn mà chủ đầu tư bỏ tiền để đầu tư tiện ích hay hạ tầng trong KĐT cũng là lúc mà BĐS lại tăng thêm nấc giá.
Những BĐS cao cấp, hạng sang trong các KĐT quy mô, bài bản tiện ích được giới nhà giàu quan tâm
Cũng theo nhà đầu tư này, nếu có tài chính tốt, càng kiếm BĐS cao cấp, hạng sang có view đẹp tại các KĐT thì mức độ biến động giá lại càng nhanh. Đây thường là các sản phẩm hữu hạn trong một KĐT và được tung ra vào giai đoạn sau của mỗi dự án. Có khá nhiều NĐT đã đầu tư loại hình này, chờ tiện ích đi lên và kiếm hàng chục tỉ đồng sau khoảng thời gian vài năm. Thậm chí, các căn nhà phố, biệt thự này sau khi hình thành, nhiều nhà đầu tư không muốn bán ra, giữ lại để sử dụng. Dĩ nhiên, đây thuộc top các nhà đầu tư có dòng vốn vững bền.
Ghi nhận cho thấy, thị trường BĐS hiện nay xuất hiện khá nhiều dòng sản phẩm biệt thự, villa triệu đô tại khu ven Sài Gòn. Chẳng hạn, The Aqua trong KĐT Waterpoint Long An có giá bán lên đến 23 tỉ đồng/căn; hay biệt thự The Mizuki Bình Chánh giá bán từ 60-80 tỉ đồng/căn; Aqua City tại Đồng Nai có căn biệt thự hơn 100 tỉ đồng/căn….Giá cao nhưng thanh khoản của các dự án này vẫn khá tốt. Những nhà đầu tư có tiền thường "nghía" các sản phẩm này ở giai đoạn đầu tiên khi ra thị trường, và mức chênh hưởng sau đó lên đến hàng chục tỉ đồng.
Những "mánh" kiếm tiền dễ thấy của người giàu
Ít lướt sóng, càng để - giá càng tăng: Với những người có tiền, dễ thấy họ ít khi lướt sóng BĐS, thay vào đó là "cất tiền" vào đó tầm 3-5 năm, thậm chí 7-8 năm. Và, với số vốn bỏ ra hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng, việc thu chênh vài chục tỉ đồng không còn là chuyện lạ với những nhà đầu tư này.
Thực tế, trong đầu tư BĐS, không phải BĐS nào cũng theo nguyên tắc "càng để lâu, giá càng tăng". Có những BĐS gặp biến cố thị trường, lao dốc thanh khoản, thậm chí phải bán dưới giá mua vào. Tuy nhiên, với những BĐS nằm trong các KĐT có dân về ở, tiện ích hình thành bài bản gần như chỉ tăng giá.
Một chủ doanh nghiệp phía Nam, từng có hơn 10 năm chuyên tâm phát triển các KĐT khẳng định: "Nếu tôi nói giá BĐS trong khu đô thị tăng 30%/năm là nói khiêm tốn, có những phân khu tăng 60-70%/năm nhưng vẫn có người mua. Người giàu họ vào mua rất nhiều".
Người giàu lựa tiện ích BĐS thay vì chăm chăm vào ngôi nhà
Lựa tiện ích, thay vì chăm chăm vào căn nhà: Có khá nhiều người thắc mắc căn nhà phố, biệt thự nằm trong các KĐT không có gì "xuất chúng" hơn các căn nhà phố, biệt thự lẻ bên ngoài, sao giá lại cao đến như vậy?. Theo một chuyên gia trong ngành, người giàu họ đi mua BĐS là mua tiện ích của nơi BĐS tọa lạc, không phải là mua một căn nhà. Theo đó, dòng tiền của họ cũng sinh ra từ câu chuyện tiện ích này. Và cũng giải thích cho việc, có những căn biệt thự view sông hàng trăm tỉ đồng tưởng khó bán vẫn có người mua.
Mua BĐS đầu tư giống như mua chốn ở cho mình: Người giàu có gu về không gian sống thường khác biệt. Vì có tiền, nên họ sẽ chọn các BĐS nổi bật về nhiều yếu tố, bao gồm kiến trúc, nội thất, không gian, chất lượng….Đây cũng là nguyên nhân, những nhà đầu tư có tài chính thường thiên hướng không muốn bán BĐS đầu tư sau thời gian mua vào. Họ vừa xem các BĐS cao cấp, hạng sang là của để dành, vừa muốn kiếm dòng tiền từ tài sản nó.
Theo một chuyên gia bất động sản, giới siêu giàu ngày càng khắt khe hơn trong việc sở hữu BĐS. Đó phải là một nơi đáp ứng nhu cầu sống, hưởng thụ đẳng cấp khác biệt, nơi những giá trị cá nhân được tôn vinh. Chỉ những sản phẩm đáp ứng bộ tiêu chuẩn hạng sang như vị trí đắc địa, tính riêng tư, dịch vụ tiện ích sang trọng... mới thỏa mãn được đối tượng khách hàng này. Và, giá trị đầu tư tăng trưởng cũng sinh ra từ đây.
Theo Báo cáo Thịnh vượng 2021 của Knight Frank, Việt Nam đang có 19.491 người giàu và 390 người siêu giàu, dự kiến 2 con số này sẽ tăng trên 30% trong 5 năm tới. Tại Việt Nam, để sở hữu một căn hộ view sông, các khách hàng và nhà đầu tư thượng lưu luôn "bật trạng thái" săn đón những dự án chỉ mới có thông tin rục rịch triển khai. "Mánh" kiếm tiền tỉ này đã và đang diễn ra ở phân khúc BĐS cao cấp, hạng sang ở các khu đô thị quy mô, chủ đầu tư uy tín.