Mánh lới tinh vi của đối tượng cho vay nặng lãi “siết cổ” con nợ
Khi các con nợ không còn khả năng chi trả, các đối tượng cho vay nặng lãi tổ chức đòi nợ một cách bài bản với các cấp độ khác nhau. Ban đầu, chúng dùng nhóm chuyên đòi nợ sử dụng sim rác để nhắn tin đe dọa con nợ. Nếu con nợ bỏ trốn thì gây áp lực đối với người thân...
- 05-10-2018Mánh lới tinh vi của đối tượng cho vay nặng lãi “siết cổ” con nợ
- 29-08-2018Cho vay nặng lãi “cắt cổ” công nhân nghèo - bài cuối: Giải pháp tài chính để không vướng vào tín dụng đen
- 27-08-2018Cho vay nặng lãi “cắt cổ” công nhân nghèo - bài 1: Nhiều người thành con nợ không lối thoát
Ở mức độ cao hơn thì ném chất bẩn, chất thải rồi bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí là giết người. Tính chất và mức độ nguy hiểm của các vụ đòi nợ ngày càng gia tăng khi các đối tượng sử dụng vũ khí nóng để uy hiếp các con nợ...
Những ngày đầu tháng 10-2018, khi nhóm đối tượng đổ chất bẩn đã bị bắt giữ, gia đình anh Đào Xuân Sơn (trú tại xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) mới có được những giây phút yên bình. Trước đó, con trai anh Sơn là Đào Văn Phương đã vay của đối tượng Hồ Văn Dương (21 tuổi, trú tại xã Gia Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương) số tiền là 300 triệu đồng.
Sau nhiều lần đòi nợ không thành, khoảng 11h ngày 6-8, Dương chở theo em ruột là Hồ Văn Việt và các đối tượng Nguyễn Văn Ngọc (29 tuổi); Nguyễn Viết Thế (19 tuổi, cùng trú tại huyện Gia Lộc) đến nhà của anh Sơn đòi nợ.
Vào thời điểm đó, con trai của anh Sơn đã bỏ nhà đi đâu không rõ, số tiền 300 triệu đồng là một khoản quá lớn, vượt quá khả năng chi trả của gia đình... Khi vợ chồng anh Sơn trao đổi với nhóm của Dương thì các đối tượng này tuyên bố “con dại, cái mang”, vợ chồng anh phải trả số tiền trên. Sau khi thỏa thuận bất thành, giữa vợ chồng anh Sơn và nhóm của Dương đã xảy ra lời qua tiếng lại, vợ chồng anh Sơn đã đuổi Dương ra khỏi nhà...
Hành động này của vợ chồng anh Sơn đã khiến Dương bức xúc, anh ta nảy ý định ném chất bẩn vào nhà anh Sơn để trả thù. Thực hiện ý định này, Dương bảo Việt, Ngọc, Thế thực hiện hành vi trên. Việt và Ngọc đồng ý còn Thế thì không tham gia. Lần đầu tiên vào khoảng 12h cùng ngày, các đối tượng bắt đầu thực hiện hành vi ném chất bẩn. Đối tượng Việt và Ngọc lấy luyn, nhớt thải trong ôtô của nhà Việt, đổ vào 2 túi nilon rồi Việt dùng xe máy chở Ngọc đến nhà anh Sơn ném chất bẩn.
Một số đối tượng bị Công an tỉnh Hưng Yên triệu tập. |
Nhằm tiếp tục gây áp lực, khoảng 3 ngày sau đó, Dương yêu cầu Việt thực hiện hành vi ném chất bẩn. Việt đã mua dầu nhớt thải và chờ đợi đến khoảng 23h cùng ngày thì ném các chất bẩn vào sân nhà anh Sơn.
Chưa dừng lại ở đó, đến khoảng 16h ngày 10-8, theo sự gợi ý của Dương, Việt tiếp tục chuẩn bị chất bẩn gây án. Khoảng 2h ngày 11-8, Việt gặp Nguyễn Viết Thế ở Hải Dương rồi rủ đối tượng cùng thực hiện. Quá trình điều tra, ngày 25-9, Công an huyện Gia Lộc đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Hồ Văn Dương, Hồ Văn Việt và Nguyễn Viết Thế về hành vi ném chất bẩn làm bẩn nhà ở với mức phạt 2 triệu đồng; Nguyễn Văn Ngọc là 1,5 triệu đồng.
Ở cấp độ cao hơn, các đối tượng dùng sim rác để khủng bố nạn nhân; bắt giữ người trái phép luật, giết người, cưỡng đoạt tài sản... Công an quận Hà Đông (Hà Nội) vừa điều tra khám phá vụ án “cưỡng đoạt tài sản” liên quan đến tín dụng đen, bắt giữ 4 đối tượng chuyên cho vay nặng lãi.
Cầm đầu ổ nhóm này là Lê Thị Quý (36 tuổi, trú tại Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), là chủ cơ sở kinh doanh “Tài chính HTQ” tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội. Để thực hiện việc đòi nợ thuê, Quý cho 4 đối tượng hàng ngày đi thu nợ, xiết nợ.
Một trong những nạn nhân của Quý có chị T, trú tại Hà Nội. Khoảng giữa năm 2016, chị T vay của Quý 20 triệu đồng, hai bên thỏa thuận lãi suất 4.000 đồng/triệu/ngày, thu lãi 10 ngày 1 lần. Chị T trả tiền lãi cho Quý đến đầu năm 2017 thì không có khả năng chi trả. Để đòi tiền, đối tượng uy hiếp đòi tiền. Cụ thể, vào ngày 6-6-2018, dưới sự chỉ đạo của Quý, các nhân viên gồm có Sơn, Tú và Tâm đi tìm gặp chị T để đòi tiền.
Trong quá trình này, chúng gặp chị T và 2 con trai ở khu vực nhà chờ xe buýt đã khống chế, yêu cầu nạn nhân về cửa hàng. Trong quá trình trao đổi, chị T thỏa thuận với các đối tượng xóa tiền lãi, còn tiền gốc sẽ trả nhưng các đối tượng không đồng ý. Các đối tượng khống chế nạn nhân và 2 con nhỏ lên taxi về cửa hàng nơi chị này làm việc.
Tại đây, nạn nhân tiếp tục van xin nhưng Quý không buông tha. Quý đã ép nạn nhân phải viết giấy nay nợ là 56 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng tiền gốc và 36 triệu đồng tiền lãi trong vòng 15 tháng. Khi nạn nhân không đồng ý thì chúng ép viết giấy mượn xe rồi khống chế nạn nhân phải điểm chỉ vào giấy trên vay tiền và mua bán cho tặng xe.
Tiếp đó, các đối tượng kiểm tra tài sản. Khi phát hiện trong túi của nạn nhân có 11 triệu đồng, Quý đã thu 8 triệu đồng của chị T cùng giấy tờ như CMTND. Vì quá uất ức, chị T đã tố cáo. Quá trình điều tra Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 đối tượng trên về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra hơn 25.800 vụ phạm pháp hình sự, giảm 0,17% so với cùng kỳ năm 2017; đã điều tra, khám phá 20.516 vụ, bắt xử lý 45.503 đối tượng, đạt tỷ lệ 79,5%.
Trong đó đáng chú ý là tại các địa bàn trọng điểm, các băng nhóm bảo kê, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản sau một thời gian hoạt động cầm chừng khi bị trấn áp mạnh mẽ thì nay có biểu hiện hoạt động trở lại. Song các vụ việc xử lý được cho vay nặng lãi gặp rất nhiều khó khăn.
Trên thực tế, về các quy định của pháp luật đối với tội phạm “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, khung hình phạt quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) hiện thấp nhất là phạt tiền 50 triệu đồng, cao nhất chỉ phạt 3 năm tù giam. Nhưng muốn chứng minh được thì đòi hỏi phải làm rõ lãi suất vay cắt cổ.
Trong khi đó, các đối tượng cầm đầu điều hành đều là những kẻ có tiền án, tiền sự có hàng trăm thủ đoạn để lách luật như đã đối phó như đã phân tích ở trên. Đó còn chưa kể đến việc, các đối tượng sử dụng vũ khí nóng, việc bắt giữ phải lập án trong thời gian dài. Một số đối tượng còn tìm cách khống chế nạn nhân hoặc một phần nạn nhân do sợ hãi đã không đến cơ quan Công an trình báo. Cá biệt, một số vụ đối tượng còn chống đối quyết liệt.
Trước thực trạng trên, cùng với việc trấn áp tội phạm hình sự, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị Công an địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị địa phương phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm tại các cơ quan, doanh nghiệp và trong nhà dân. Một số đơn vị địa phương đã xây dựng các chuyên đề về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm hoạt động tín dụng đen nói chung, cho vay nặng lãi nói riêng...
Mới đây, để trấn áp mạnh mẽ nạn cho vay lãi nặng, tín dụng “đen” hoành hành trên địa bàn, Công an tỉnh Hưng Yên đã tiến hành khám xét 6 cơ sở và tiến hành triệu tập khẩn cấp hàng chục đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn TP.Hưng Yên.
Quá trình khám xét, cơ quan Công an đã thu giữ nhiều giấy tờ, sổ sách thể hiện việc cho vay lãi nặng, đồng thời triệu tập 26 đối tượng có liên quan. Theo Công an tỉnh Hưng Yên, để siết chặt việc kinh doanh tài chính, các cơ sở đã sử dụng những đối tượng hình sự, giang hồ, có tiền án, tiền sự trong và ngoài tỉnh để đi đòi nợ, xiết nợ thuê. Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng cầm đầu các cơ sở cho vay lãi nặng, tín dụng “đen” này.
Để phòng ngừa loại tội phạm này, hơn ai hết, mỗi doanh nghiệp và người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ chính mình. Trong trường hợp có nhu cầu vay vốn tín dụng, người dân cần tìm đến ngân hàng... Trong trường hợp phải vay tiền ở bên ngoài, trước khi đặt bút ký vào hợp đồng phải tìm hiểu rõ, tránh “bút sa, gà chết” rơi vào cái bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi.
Công an nhân dân