Mạo danh ngân hàng để lừa đảo – chiêu trò tuy cũ mà mới với nhiều khách hàng
Nếu nhận được cuộc gọi từ một người lạ, tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân để nâng cấp hệ thông bảo mật tài khoản; để giải ngân một khoản vay bạn đang cần, hoặc để nhận được một khoản tiền treo sắp chuyển vào tài khoản của bạn, bạn sẽ làm gì?
Câu trả lời nhận được từ số đông là: "Trò lừa đảo!" Thế nhưng, chiêu trò cũ rích này vẫn khá mới với một số khách hàng nhẹ dạ cả tin, tự nguyện dâng nộp mã OTP, số CMND, mật khẩu tài khoản…cho các đối tượng lừa đảo, để rồi khi giật mình tỉnh lại thì đã "tiền mất tật mang". Số điện thoại kia đã ngoài vùng phủ sóng.
Mới đây một ngân hàng TMCP có trụ sở tại Hà Nội cũng đã đưa ra các khuyến nghị cho khách hàng của mình bảo mật an toàn thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và thẻ tín dụng. Khuyến cáo được đưa ra trước thông tin cảnh báo việc người dùng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android đang có nguy cơ bị tin tặc tấn công, khi các ứng dụng độc hại có thể dễ dàng đánh cắp thông tin người dùng qua hình thức giả mạo giao diện ứng dụng ngân hàng điện tử của ngân hàng. Cụ thể về cảnh báo này: Khách hàng tuyệt đối không thực hiện đăng nhập/ cung cấp thông tin tên truy cập, mật khẩu Internet Banking/Mobile Banking, không cung cấp số tài khoản, mã PIN hay Mật khẩu dùng một lần (OTP)... của Quý khách qua mạng xã hội, qua các website hoặc liên kết khác.
Câu chuyện về chiêu trò lừa đảo như trên quả thực không hiếm gặp tại các ngân hàng. Mới đây, một người tên là Lê Hoàng, tự xưng là nhân viên của một ngân hàng lớn khác - đã gọi điện từ số máy 024.39999767 cho một số khách hàng của ngân hàng này thuyết phục với vẻ chuyên nghiệp rằng, đang có một khoản tiền treo trị giá 15,5 triệu đồng từ Ngân hàng X. sắp được chuyển vào tài khoản của anh/chị. Theo đó, khách hàng cần cung cấp mã OTP sắp được chuyển đến số điện thoại cá nhân cho anh ta, để anh ta xác thực giao dịch, cho khách hàng nhận tiền. Rất may, các khách hàng trên đã không sập bẫy lừa, kịp thời báo lên tổng đài của ngân hàng và không chuyển thông tin tài khoản cá nhân cho đối tượng lừa đảo này.
Một hình thức lừa đảo khác trên mạng xã hội và ứng dụng zalo đã và đang được nhiều đối tượng sử dụng, nhằm tác động vào tâm lý những khách hàng đang có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng. Những đối tượng này sử dụng hình ảnh đại diện giả mạo của ngân hàng, gửi tin nhắn cho khách hàng qua zalo, qua mạng xã hội nhằm chứng minh: khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng; đồng thời yêu cầu khách hàng phải nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một tài khoản khác do đối tượng lừa đảo cung cấp. Sau khi đã nhận được khoản tiền này, kịch bản cũ lặp lại: các đối tượng sẽ chặn liên lạc với khách hàng, số điện thoại cung cấp ngoài vòng phủ sóng.
Một tài khoản mạo danh ngân hàng lừa đảo khách hàng
Cuối tháng 07/2020, một tổ chức tín dụng của Việt Nam đã khuyến cáo khách hàng cảnh giác với chiêu trò lừa đảo phát hành thẻ. Cụ thể, TCTD này chưa hề phát hành thẻ đa năng hay thẻ tín dụng ra thị trường nên khuyến cáo khách hàng cẩn trọng, cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền, phí để mở thẻ; không nhận và sử dụng thẻ tín dụng giả mạo; không nạp, chuyển tiền cho người lạ hoặc có dấu hiệu nghi ngờ; không truy cập và thực hiện giao dịch mua bán, nhận tiền, vay tiền trên các link, website lạ được nhận qua tin nhắn, email…
Mặc dù các ngân hàng đã thường xuyên đăng cảnh báo trên trang web chính thức; gửi tin nhắn, email đến các khách hàng; tăng cường trao đổi với khách hàng qua điện thoại từ trung tâm chăm sóc khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo, tuy nhiên, những chiêu trò trên vẫn có tác dụng với một số khách hàng chưa nâng cao ý thức cảnh giác. Do đó, một lần nữa những người sử dụng dịch vụ tài chính – ngân hàng cần nâng cao cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Trường hợp phát sinh nhu cầu sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng thì khách hàng có thể tiếp cận các kênh liên lạc như website chính thức của ngân hàng, hotline chăm sóc khách hàng được đăng tải trên trang web, các điểm giao dịch của ngân hàng mình sử dụng.
Một số kịch bản được các đối tượng lừa đảo sử dụng phổ biến:
Mạo danh nhân viên ngân hàng, đại diện các cơ quan nhà nước, bạn bè hay người thân để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin chứng minh thư, thông tin tài khoản, mật khẩu Internet Banking, mã số OTP (mã số ngẫu nhiên gồm nhiều chữ số, dùng đểxác thực thông tin giao dịch chuyển tiền, thanh toán hoặc kích hoạt tài khoản
Mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản bị xâm phạm rồi yêu cầu cung cấp thông tin để xác thực.
Yêu cầu cung cấp mã OTP để thực hiện hạch toán tiền về tài khoản của Quý khách hàng.
Mạo danh bạn bè, người thân để nhờ nhận tiền hộ thông qua một đường link lạ, có định dạng gần giống website ngân hàng.
Giả mạo công bố khách hàng trúng thưởng và yêu cầu khác hàng cung cấp thông tin để nhận thưởng.
Mạo danh cơ quan công an/viện kiểm sát đang thực hiện điều tra và yêu cầu cá nhân chuyển tiền, cung cấp thông tin để xác thực nguồn tiền.
Sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng;
Yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp và chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền.