Mark Zuckerberg sắp thương mại hoá AI: Tích hợp vào ‘cỗ máy’ quảng cáo vua, nếu thành công sẽ vô địch thiên hạ
Meta sẽ tập trung vào AI thay vì metaverse như trước.
- 29-03-2023Bí mật đằng sau chiếc áo hoodie của CEO TikTok: ‘Bắt chước’ Mark Zuckerberg, ngầm gửi thông điệp khôn ngoan giải vây cho công ty
- 28-03-202356 tuổi thất nghiệp, nộp hơn 300 CV, tham gia 31 cuộc phỏng vấn, tôi nhận kết đắng: Hóa ra ‘lão niên’ không có cửa, đến Mark Zuckerberg còn bảo đừng tuyển người trên 30
- 27-03-2023Từng hứa Facebook sẽ 'miễn phí mãi mãi', Mark Zuckerberg vội bắt người dùng 'nôn tiền' sau 13 năm chỉ vì 2 chữ 'lợi nhuận'
Đại diện Meta vừa công bố kế hoạch thương mại hóa AI độc quyền trong tháng 12 - một động thái thể hiện sự đồng thuận với các ông lớn như Google trong việc tìm kiếm lợi nhuận từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo.
Được biết, Meta đã bắt đầu nghiên cứu AI toàn diện vào năm 2013 và gây được ấn tượng mạnh nhờ số lượng các nghiên cứu được công bố.
“Chúng tôi đã đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trong hơn một thập kỷ qua và sở hữu một trong những viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới”, Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta chia sẻ với tờ Nikkei. “Chúng tôi chắc chắn có một tổ chức nghiên cứu lớn, với quy mô lên tới hàng trăm người”.
Trước đó hồi tháng 2, Meta cũng thông báo sẽ thành lập tổ chức chuyên phát triển AI tổng quát, song mới đây mới đưa ra mốc thời gian thương mại hóa.
Công nghệ AI đã được thương mại hóa bởi OpenAI - công ty sáng tạo nên ChatGPT, song ông Bosworth vẫn khẳng định Meta đang sở hữu công nghệ tiên tiến nhất.
“Chúng tôi rất tự tin rằng mình là người đi đầu”, ông nói. “Chúng tôi đã đi tiên phong khá nhiều kỹ thuật phát triển mô hình ngôn ngữ lớn và vừa thành lập một nhóm AI sáng tạo mới từ vài tháng trước. Đây có lẽ sẽ là lĩnh vực mà tôi, CEO Mark Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox chú trọng trong thời gian tới”.
Chia sẻ với Nikkei, Bosworth cũng tin rằng trí tuệ nhân tạo của Meta có thể cải thiện một phần hiệu quả của ‘cỗ máy’ quảng cáo bằng cách cung cấp các công cụ phù hợp. Cụ thể, thay vì sử dụng một hình ảnh duy nhất trong chiến dịch quảng cáo, các công ty có thể yêu cầu AI sáng tạo hình ảnh phù hợp với các đối tượng khác nhau. “Nó có thể giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc”, Andrew Bosworth nói.
Quảng cáo - nguồn doanh thu chính của Meta, được kỳ vọng sẽ hồi sinh mạnh mẽ nhờ AI. Công nghệ này cũng sẽ được sử dụng trong metaverse - không gian ảo có tính thực tế cao mà Meta đang háo hức phát triển.
“Trước đây, nếu muốn tạo ra một thế giới 3D, bạn cần học rất nhiều về đồ họa máy tính và lập trình. Trong tương lai, bạn chỉ cần mô tả thế giới mà bạn muốn, sau đó để mô hình ngôn ngữ giúp bạn. Nó khiến nhiều người tiếp cận được các nội dung sáng tạo”, Andrew Bosworth nói.
Vào năm 2013. sau khi mời Yann LeCun, một nhà khoa học người Pháp kiêm chuyên gia hàng đầu về công nghệ, Meta đã mở phòng thí nghiệm nghiên cứu AI. Công ty chỉ đứng sau Google nếu xét về số lượng trích dẫn trong các nghiên cứu lớn được công bố vào năm 2022, theo nền tảng phân tích nghiên cứu AI Zeta Alpha có trụ sở tại Hà Lan.
Dù AI đang tạo ra cơn sốt trên toàn cầu, song vẫn tồn tại những lo ngại, đặc biệt về khả năng kiểm soát của con người với trí tuệ nhân tạo. Bằng chứng là mới đây, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, Elon Musk cùng hơn 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã ký một bức thư yêu cầu các biện pháp bảo mật và tạm dừng phát triển các mô hình AI trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo bùng nổ. Họ lập luận rằng các mô hình AI mạnh mẽ như GPT-4 của OpenAI chỉ nên phát triển nếu dành được sự tin tưởng và kiểm soát được toàn bộ rủi ro.
“Đó là một ý tưởng rất hay để làm chậm quá trình phát triển mô hình mới bởi vì nếu AI thực sự tốt, việc chờ đợi hàng tháng hoặc hàng năm cũng chẳng có hại gì, dù sao chúng ta cũng sẽ đi đến đích”, James Grimmelmann, giáo sư về kỹ thuật số cho biết. “Nếu nó có hại, chúng tôi chỉ cần dành thêm thời gian để hoạch định cách đối phó”.
Elon Musk trước đây vốn rất háo hức về những công nghệ kỳ vọng là tương lai của nhân loại, từ ô tô điện cho đến dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Tuy nhiên, khi nhắc đến trí tuệ nhân tạo, CEO Tesla lại tỏ ra khá thận trọng. Phát biểu tại Đại học MIT vào năm 2014, Musk gọi AI là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất”, thậm chí so sánh nó với công cụ thống trị trái đất.
“OpenAI nên công khai hơn nữa”, vị tỷ phú tweet về cuộc điều tra của MIT Technology Review với OpenAI, sau đó quyết định tạm dừng quyền truy cập của OpenAI vào cơ sở dữ liệu Twitter.
Tuy nhiên, với Bosworth, quan điểm ngừng phát triển trí tuệ nhân tạo là sai lầm.
“Tôi nghĩ việc đầu tư phát triển có trách nhiệm rất quan trọng và chúng tôi luôn đề cao điều đó. Bạn phải hiểu rõ công nghệ trước khi muốn chúng trở nên an toàn”, ông Bosworth nói.
Trước đó, trong bản báo cáo tài chính quý IV/2022, Meta hầu như chỉ tập trung nói về công nghệ AI thay vì vũ trụ ảo - thứ vốn được Mark Zuckerberg coi là “tương lai”.
“Về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các nhân vật AI có thể giúp mọi người theo nhiều cách khác nhau”, ông chủ Meta nói, đồng thời cho biết công ty đang khám phá trải nghiệm AI với văn bản trong WhatsApp và Messenger.
Theo BI, Meta cũng đang sử dụng AI nhằm cải thiện nội dung cho người dùng và nâng cao mảng quảng cáo trực tuyến vốn đã chịu thiệt hại nặng từ sau thay đổi bảo mật của Apple.
“Chúng tôi có nền tảng cơ sở hạ tầng để làm điều này với quy mô cực lớn và trải nghiệm mà nó đem lại sẽ vô cùng tuyệt vời”, Mark Zuckerberg nói, đồng thời nhấn mạnh đây hiện đang là dự án nhận được đầu tư lớn nhất của Meta.
Theo: Nikkei, BI
Nhịp sống thị trường