Masayoshi Son lạc quan khác lạ dù bị hạ xếp hạng tín dụng: Huy động thành công lượng lớn tiền mặt, khoản đầu tư vào một số công ty bắt đầu có lãi
SoftBank tự tin sẽ có thể trở lại ‘lợi hại hơn xưa’.
- 12-05-2023Tạm biệt Alibaba, Masayoshi Son nhắm mục tiêu mới: Phòng thủ hơn 1 năm mới rót vốn, tự tin sắp đón 'cuộc cách mạng tiếp theo'
- 11-05-2023Vision Fund lỗ kỷ lục 32 tỷ USD trong 1 năm, Masayoshi Son ngầm ám chỉ không thể ‘liều ăn nhiều’ nữa
- 04-03-2023Tỷ phú Masayoshi Son hiếm hoi xuất hiện sau thời gian dài ở ẩn
SoftBank vừa đưa ra lời chỉ trích nhằm vào S&P Global Ratings, sau khi cơ quan này hạ xếp hạng tín dụng của gã khổng lồ Nhật Bản từ “BB+” xuống “BB”. Được biết, một doanh nghiệp sẽ bị xếp hạng “BB” sẽ gặp nhiều rủi ro trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính.
“Trong năm qua, sự chặt chẽ trong việc quản lý tài chính đã củng cố vị thế của chúng tôi”, SoftBank cho biết. “Thật đáng tiếc, nó đang không được đánh giá đúng mức và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với S&P”.
Theo CNBC, trong vài năm qua, SoftBank đã trở thành một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất toàn cầu khi rót hàng tỷ USD vào loạt công ty tiềm năng thông qua 2 Quỹ Tầm nhìn. SoftBank chủ yếu đầu tư vào các công ty không niêm yết công khai.
Do sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng cao, Quỹ Tầm nhìn của SoftBank đã ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 4,3 nghìn tỷ Yên Nhật (3,1 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 do định giá doanh nghiệp sụt giảm. Hiện SoftBank đang cắt giảm đáng kể cổ phần của mình trong tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba sau hơn 2 thập kỷ gắn bó nhằm ‘làm đẹp’ bảng cân đối kế toán. Lãnh đạo tập đoàn đã cam kết “phòng thủ” và thận trọng hơn với chiến lược đầu tư của mình.
“Jack Ma chẳng có kế hoạch kinh doanh; nhân viên thì chỉ vào khoảng 35-40 người. Thế nhưng ánh mắt của cậu ấy lại rất mạnh mẽ, một đôi mắt sáng đầy mạnh mẽ. Cách cậu ấy nhìn nhận sự việc đã cho thấy tiềm năng một nhà lãnh đạo thực sự”, Masayoshi Son nhớ lại trong một buổi phỏng vấn trước đây.
Tài liệu của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) được tờ FT trích dẫn hồi tháng trước cho thấy, thông qua hoạt động bán cổ phiếu, SoftBank chỉ còn nắm giữ khoảng 3,8% cổ phần trong đế chế Alibaba. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 34% cổ phần tỷ phú Son từng nắm giữ trước đây.
“Chúng tôi đang củng cố sự ổn định tài chính của mình bằng cách tăng tính thanh khoản trong tay từ việc huy động tiền mặt”, công ty cho biết.
S&P Global Ratings sau đó lập luận rằng Quỹ Tầm nhìn của SoftBank có mức độ rủi ro cao đối với các công ty chưa niêm yết do quỹ bán tháo quá nhiều cổ phiếu Alibaba.
“Việc liên tục bán cổ phần Alibaba Group đã làm xói mòn tỷ lệ tài sản niêm yết trong danh mục đầu tư công ty. Hơn nữa, các cổ phiếu công nghệ mà công ty đầu tư cũng đã giảm giá trong một thời gian dài”, S&P Global Ratings cho biết.
Đáp lại, SoftBank lập luận rằng S&P không tính đến lượng tiền mặt tập đoàn đang có, vốn đã tăng lên 5,1 nghìn tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3 so với 2,3 nghìn tỷ yên trong cùng kỳ năm 2022.
“Đánh giá của S&P không lưu tâm đến yếu tố tiền mặt và tiền gửi. Đó là những tài sản có tính thanh khoản cao nhất”, SoftBank cho biết.
Nhắc đến kế hoạch IPO cho Arm, S&P lưu ý đây sẽ là “yếu tố tích cực” mới đối với SoftBank, song không đưa nó vào đánh giá của mình bởi cho rằng thời điểm và định giá công ty “không chắc chắn”. S&P cũng lưu ý SoftBank đang hướng tới mục tiêu “quản lý tài chính có kỷ luật ngay cả trong điều kiện hoạt động khó khăn nhằm củng cố uy tín tín dụng của công ty”.
“Các yếu tố tiêu cực vẫn nhiều hơn các yếu tố tích cực, do đó, chúng tôi hạ cấp xếp hạng tín dụng của công ty. Sự biến động của danh mục đầu tư và rủi ro tài sản gia tăng dẫn đến nhiều tiêu cực cho tập đoàn. Tuy nhiên, lượng tiền mặt và tỷ lệ cổ phần SoftBank nắm giữ trong Arm được coi là yếu tố tích cực”, S&P lưu ý.
Được biết kết thúc quý I/2023, SoftBank lỗ 7,2 tỷ USD, nhỏ hơn khoản lỗ 12,6 tỷ USD một năm trước đó. Những khoản lỗ phần lớn là do Quỹ Tầm nhìn của Son chịu tổn thất nghiêm trọng, sau khi hàng trăm công ty khởi nghiệp tư nhân SoftBank rót vốn không thể trụ vững trong cuộc đại suy thoái ngành công nghệ.
Mới đây nhất, SoftBank tuyên bố đã cắt giảm khoản đầu tư mới vào các công ty khởi nghiệp xuống còn khoảng 3 tỷ USD, tức chỉ bằng 1/10 khoản đầu tư trong năm tài khóa trước.
Ông Goto, Giám đốc tài chính SoftBank khẳng định việc tập đoàn bán lại cổ phần trong Alibaba nằm trong nỗ lực đa dạng hóa các khoản đầu tư trên toàn cầu. Công ty đang chuyển sang ưu tiên đầu tư vào thị trường Mỹ và châu Âu nhằm giảm thiểu rủi ro địa chính trị. Kết quả, tính đến tháng 3, Trung Quốc chỉ chiếm 14% giá trị vốn cổ phần mà SoftBank nắm giữ, giảm so với mức 50% hai năm trước đó.
Song song với đó, SoftBank tự tin sẽ có thể trở lại ‘lợi hại hơn xưa’ nhờ chiến lược rót vốn vào các công ty trí tuệ nhân tạo - lĩnh vực nhà đầu tư mạo hiểm này nhắm mục tiêu từ lâu nhưng chưa tận dụng được.
“Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp cận cuộc cách mạng AI sắp diễn ra”, ông Goto cho biết và vui mừng thông báo, cổ phiếu một số công ty công nghệ do SoftBank hậu thuẫn đã bắt đầu phục hồi.
Theo: CNBC, WSJ
Nhịp sống thị trường