MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 37 năm để quy mô GDP Việt Nam tăng gấp 10 lần, đạt 400 tỷ USD, bao giờ sẽ vượt mốc 500 tỷ USD?

Theo số liệu của IMF, nếu quy mô GDP của Việt Nam mới chỉ ở mức hơn 40 tỷ USD vào năm 1986 thì con số này đã tăng gấp 10 lần, lên mức 408 tỷ USD vào năm 2022.

Mất 37 năm để quy mô GDP Việt Nam tăng gấp 10 lần, đạt 400 tỷ USD, bao giờ sẽ vượt mốc 500 tỷ USD?- Ảnh 1.

Số liệu của IMF cho hay, quy mô kinh tế Việt Nam vào năm 1986 ghi nhận ở mức 43 tỷ USD. Đến năm 2008, con số này đã tăng lên mức 125 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với thời điểm 1986. Có thể thấy, Việt Nam phải mất 23 năm để quy mô kinh tế lần đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD. 

Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam chỉ mất 15 năm để quy mô kinh tế tăng từ mức 100 tỷ USD lên mức 400 tỷ USD. Cụ thể, quy mô GDP của Việt Nam đã đạt 408 tỷ USD vào năm 2022. Như vậy, Việt Nam đã mất 37 năm để quy mô GDP tăng gấp 10 lần, đạt 400 tỷ USD từ mức khoảng 43 tỷ USD hồi năm 1986.

Về thứ hạng trong khu vực Đông Nam Á, trong năm 2008, với quy mô GDP 125 tỷ USD, Việt Nam mới chỉ xếp thứ 6 trong khu vực, đứng sau hàng loạt nền kinh tế như Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Đến năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 433,7 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Với kết quả này, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2023 xếp trên Malaysia (415,57 tỷ USD), Myanmar (64,5 tỷ USD), Campuchia (41,86 tỷ USD), Lào (15,2 tỷ USD), Brunei (15,13 tỷ USD), và Đông Timor (2 tỷ USD). 

photo-1718177309981

Nguồn: IMF

 Sang năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được IMF dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,47 nghìn tỷ USD), Thái Lan (548,89 tỷ USD), Singapore (525,22 tỷ USD) và Philippines (471,5 tỷ USD). Nếu xét trên toàn thế giới, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 sẽ tăng thêm 1 bậc, ở vị trí thứ 34.

Dữ liệu của IMF chỉ ra rằng, đến năm 2025, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD. Đáng chú ý, các chuyên gia IMF dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 684 tỷ USD, Việt Nam sẽ vượt qua Singapore, với quy mô ước đạt 896 tỷ USD, để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, và lớn thứ 31 trên thế giới.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 và Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT) của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) đánh giá, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Cụ thể, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD vào năm 2033, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 trên thế giới.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên