Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới?
KBSC dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trên thực tế, tính đến đầu tháng 8, lãi suất huy động cũng tiếp tục được điều chỉnh giảm ở hầu hết các NHTMCP, với mức giảm khoảng 20 – 50 điểm cơ bản so với thời điểm đầu tháng 7.
Số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/7, tín dụng trong nền kinh tế tăng 3,45% so với đầu năm, chỉ cao hơn 0,2% so với mức 3,26% vào cuối tháng 6. Mức tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2020 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (7,13%), cũng là mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.
Bộ phận phân tích của chứng khoán KBSC cho rằng, tăng trưởng tín dụng đi cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI đều tăng trưởng chậm lại là tín hiệu đáng chú ý cho thấy nền kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn cho việc hồi phục sau dịch Covid-19. Số liệu tăng trưởng tín dụng từ các NHTM trong 6 tháng đầu năm một số ngân hàng như BID, CTG, TCB đang gặp khó khăn trong việc giải quyết đầu ra của vốn trong điều kiện không thể hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu.
"Chúng tôi để ngỏ khả năng NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong 6 tháng cuối năm trong nỗ lực cân bằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô", KBSC cho biết. Trước đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm, KBSC đã đánh giá ít có khả năng NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành với điều kiện tăng trưởng tín dụng hồi phục và dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn tại Việt Nam. Tuy nhiên, với việc dịch Covid-19 tái bùng phát vào cuối tháng 7 và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, nhóm phân tích để ngỏ khả năng NHNN tiếp tục có động thái điều chỉnh hạ lãi suất điều hành ít nhất 1 lần nữa trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3-4% được Thủ tướng Chính phủ đưa ra gần đây.
Dù vậy, trong bối cảnh trong nước và quốc tế đầy biến động, các mục tiêu ổn định vĩ mô vẫn cần được ưu tiên. Biến động lạm phát bình quân, hiện tại KBSC vẫn đang duy trì dự báo tăng 4%, sẽ là yếu tố then chốt quyết định NHNN có tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng trong 6 tháng cuối năm hay không. Các tín hiệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt trong thời gian tới là điều kiện cần để NHNN đưa ra thêm 1 đợt hạ lãi suất điều hành.
KBSC cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay kỳ vọng tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính: 1) kỳ vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; 2) thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm; và 3) NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.
Trên thực tế, tính đến đầu tháng 8, lãi suất huy động cũng tiếp tục được điều chỉnh giảm ở hầu hết các NHTMCP, với mức giảm khoảng 20 – 50 điểm cơ bản so với thời điểm đầu tháng 7.
Mới đây, ngày 6/8/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố Quyết định giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD), lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN, mức giảm lần này là 0,2 - 0,5%/năm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chưa có quyết định điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất OMO, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trước đó, từ ngày 16/3/2020, NHNN đã giảm Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%.