Mặt bằng “vàng” ế ẩm
Suy thoái kinh tế toàn cầu và cả đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến giới kinh doanh “lao đao”. Điều này thể hiện rất rõ ở TP.HCM, một đô thị vốn được coi là địa phương có không khí kinh doanh sôi động. Nhiều mặt bằng ở những vị trí “vàng” đã được trả lại và chủ nhà cũng rất khó tìm người thuê.
- 12-03-2023Vì sao mặt bằng kinh doanh trên phố 'vàng' Hà Nội ế ẩm hàng loạt?
- 24-02-2023Hà Nội: Tiểu thương phố thời trang tranh thủ 'xả hàng' trước khi bị giải phóng mặt bằng
- 19-02-2022Xôn xao hình ảnh quán bún "Bốn Ròm" của nghệ sĩ Hoài Linh ngưng kinh doanh, phải cho thuê mặt bằng để kiếm tiền?
Theo phóng viên VOV Giao thông ghi nhận, chỉ vài trăm mét đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1), nơi vốn được xem là con đường "đắt giá" nhất TP.HCM đã có hàng chục mặt bằng treo biển cho thuê. Thậm chí, có đoạn đường chỉ hơn 20m đã có đến 3 mặt bằng với những băng rôn ‘chính chủ cho thuê’ kèm với số điện thoại liên hệ. Khi các mặt bằng chưa có chủ mới thì đây là điểm đậu xe lý tưởng của giới xe ôm công nghệ.
Ngồi chờ khách trước một mặt bằng tại Ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Cách Mạng Tháng Tám, ông Lê Văn Tuấn đã chứng kiến nhiều người đến hỏi thuê rồi lắc đầu rời đi, chép miệng bình luận: "Kinh tế khó khăn ở đây đâu có bán được đâu. 6 căn mà cho thuê 50.000 USD thì đâu có ai mướn nổi, điều kiện kinh tế giờ khó khăn đâu ai dám vào mướn.
Thuê mà làm ăn không được là đâm ra trả nợ ngân hàng, chết luôn, nên người ta không dám rớ vào, mướn một căn thì người ta còn buôn bán được chứ cái này họ cho thuê hết luôn chứ không cho lẻ. Nhiều người cũng vào xem lắm rồi mà không ai thuê hết".
Tương tự, tại tuyến đường Phạm Văn Nghị, nơi từng được ví là ‘Phố Seoul’ ở Sài Gòn đã có những ngôi nhà treo bảng cho thuê gần 2 năm qua vẫn chưa có khách. Cũng vì thế mà các tòa nhà đã xuống cấp, bụi bặm và nhếch nhác.
Để thu hút khách nhiều chủ mặt bằng đã giảm giá những tháng đầu, giảm giá những tháng tiếp theo nếu như ký hợp đồng dài hạn tuy nhiên vẫn không có người thuê.
Anh Đặng Phương Ninh, một chủ mặt bằng tại Quận 7 chia sẻ: "Lúc trước ở đây kinh doanh rất tấp nập, ổn định nhưng thời gian vừa qua khó khăn lắm, cho nên mặt bằng ở đây người ta trả nhiều lắm bởi vậy mà cho mướn giá cao quá nên cũng ít người hỏi tới. Giờ nếu ai hỏi tới thì mình cũng có thể thương lượng với nhau được chứ cũng không có khó khăn gì nhiều".
Ở khía cạnh người thuê, chị Thanh Nga, chủ một quán ăn trên đường Nguyễn Văn Linh, Quận 7 cảm thấy lo lắng và không biết sẽ phải đóng cửa hàng của mình khi nào vì tình hình kinh doanh ế ẩm: "Từ tết đến bây giờ thì khách cũng khá là ít, với lại cũng lai rai chứ không phải đông như bữa trước. Trên đường này, đã có rất nhiều quán trả lại mặt bằng, bởi vì không đủ tiền trả mặt bằng với lại trả cho nhân viên nên nhiều quán phải đóng cửa, nhất là quán cà phê với quán ăn, tiền nhà thì chủ nhà chỉ giảm cho bọn em được 30% thôi nên là tiền nhà với tiền nhân viên cũng khá cao".
Các chuyên gia bất động sản cũng như những người chuyên tư vấn kinh doanh ngành dịch vụ ăn uống cho rằng việc mặt bằng cho thuê ở khu vực trung tâm ế ẩm một phần là do giá thuê tương đối cao, vị trí cũng không thuận lợi như trước do nhà kinh doanh thắt chặt chi tiêu, trong khi mở cửa trở lại, người nước ngoài tới Việt Nam không đông như hồi trước đại dịch.
Ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực phía Nam chia sẻ: "Mấu chốt quan trọng tại những mặt bằng vàng ở quận 1 đến từ du khách nước ngoài nhiều hơn và thời điểm này chúng ta chỉ mới thu hút 3.6 triệu du khách nước ngoài thôi và con số này rất bé so với năm 2019 là 18 triệu. Chính vì điều này đã ảnh hưởng rất lớn đối với các mặt bằng cho thuê tại Quận 1".
Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Công Thương Lê Đình Hiếu lý giải, sức mua ở hầu hết ngành hàng hiện nay đều đang ở mức thấp là do chịu tác động từ nhiều yếu tố: "Nhiều doanh nghiệp bị suy giảm đơn hàng, tình hình đó thì công nhân cũng đã giảm việc dẫn đến thu nhập vơi đi. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp vi phạm dẫn đến việc chính sách điều hành tài chính cụ thể là lãi suất vay ngân hàng tăng khá cao, đặc biệt vay tiêu dùng, vay tín chấp khá cao. Với những yếu tố trên đã làm cho sức mua người dân giảm đi trong thời gian qua".
Ngoài ra, ông Lê Đình Hiếu cũng cho biết sau nhiều tổn thương, thua lỗ, nhiều chủ nhà hàng đã không dám trở lại với các mặt bằng quá tốn kém, thay vào đó, họ đã chuyển dần sang hình thức mua bán online. Vậy mặt bằng dù có đẹp đến mấy thì vẫn khó cho thuê: "Các phương thức kinh doanh qua mạng, các trang web mạng xã hội đã phát triển phong phú và đa dạng, vì vậy người dân sẽ chuyển dần qua mua hàng online, nên người tiêu dùng sẽ ít đến chợ hơn, ít đến trung tâm hơn là xu thế hiện nay".
Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, bên cạnh những chính sách cởi mở từ nhà nước, thì bản thân các hộ kinh doanh, bên cho thuê hay bên thuê cũng cần có sự thấu cảm, điều chỉnh linh hoạt. Nếu không thì những mặt bằng dù ở vị trí “vàng” cũng khó có sức hấp dẫn. Kinh doanh ế ẩm thì càng tác động tiêu cực tới sự phục hồi kinh tế nói chung.
VOV