MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất cân đối cung - cầu, Tết này sẽ nhiều sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn từ thịt đông lạnh?

21-11-2019 - 15:24 PM | Thị trường

Dịch tả heo châu Phi diễn ra trên diện rộng làm mất cân đối cung cầu cục bộ nên giá tăng cục bộ, Bộ Công thương dự báo nguồn cung thịt heo các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn.

Bộ Công thương cho biết, từ tháng 6, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 với khoảng 25-30% so với tháng 9, hiện đang ở mức khá cao.

Nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, kiểm soát dịch nên hạn chế lưu chuyển thịt giữa các địa phương, gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt heo tăng cục bộ, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Theo Tổng cục Thống kê, đàn heo cả nước tháng 10-2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt heo hơi trên thị trường gia tăng.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cho biết tổng lượng thịt các loại trong năm 2019 ước đạt 5,14 triệu tấn, giảm 4,1%. Nhưng do đây là mặt hàng chiếm 70% cơ cấu tiêu dùng thực phẩm, sản lượng thịt heo giảm 380.000 tấn, tương đương 9-10%, ảnh hưởng lớn đến thị trường thực phẩm.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ NN&PTNT ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh.

Bộ Công thương cho biết đã triển khai nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo, bao gồm giám sát chặt chẽ nguồn cung, mua bán thịt heo qua biên giới, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm; có phương án chuẩn bị nguồn hàng, nhập khẩu thịt…

Tại cuộc họp do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, dự báo từ nay đến tháng cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nguồn cung thịt các tháng cuối năm thiếu khoảng 200.000 tấn (tương đương mỗi tháng thiếu 70.000 tấn thịt hơi).

Do đó, ngoài việc chủ động tái đàn, đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều, cần minh bạch thông tin, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Bộ Công thương đề xuất cần tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm giữ được nguồn cung trong nước.

Đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành thú y tạo điều kiện cho các sản phẩm thịt an toàn lưu thông qua các địa phương để bảo đảm nguồn cung cho các vùng miền nhằm hạn chế tình trạng tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường.

Các địa phương định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt heo đông lạnh.

Tăng cường các hoạt động truyền thông về giá cả thị trường, tình hình nguồn cung dịch bệnh tránh tình trạng thiếu thông tin về thị trường, gây bất ổn thị trường.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc sử dụng các thực phẩm thay thế thịt lợn và sử dụng sản phẩm thịt lợn đông lạnh thay cho thịt nóng nhằm giảm áp lực cho nguồn cung thị trường trong nước.

Tùng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên