MB soán ngôi "vua" CASA của Techcombank
Lợi nhuận của ngân hàng cũng tăng mạnh, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt ở mức 1,09% với ngân hàng hợp nhất (bao gồm cả cho vay tiêu dùng) còn ngân hàng riêng lẻ chỉ 0,83%.
- 31-01-2023Một quý kinh doanh của Vietcombank hiệu quả hơn nhiều so với lợi nhuận cả năm của các ngân hàng lớn khác
- 31-01-2023Bất ngờ với kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2022 của VPBank
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã chứng khoán MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2022.
Theo đó, tổng tài sản của MB tại thời điểm 31/12/2022 đạt hơn 728 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.
Dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 460 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so với năm 2021, trong đó riêng ngân hàng mẹ dư nợ tăng 27,5% đạt 435 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tăng trưởng 25% đạt trên 507 nghìn tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng trưởng 15,3% đạt hơn 443,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt hơn 180 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 40% trên tổng huy động vốn, là ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất hệ thống tính đến thời điểm này (vượt qua cả Techcombank do năm 2022 Techcombank giảm mạnh CASA về còn 37%).
Chia sẻ với chúng tôi mới đây, lãnh đạo MB cho biết, năm 2022 là một năm rất thành công của MB về chuyển đổi số. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng giữ được CASA ở mức cao. Cụ thể, Ngân hàng đã thực hiện chuyển đổi số hóa toàn diện tạo tăng trưởng đột phá trong kinh doanh ngân hàng số, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khách hàng trên 2 nền tảng App MBBank và BIZ MBBank, lũy kế đạt 20 triệu khách hàng, tăng 54% so với 2021. Ngân hàng kỳ vọng năm 2023 sẽ đạt lũy kế 27 triệu khách hàng, tức phục vụ được gần 1/3 dân số Việt Nam.
Tổng thu nhập từ hoạt động của ngân hàng năm 2022 đạt gần 46 nghìn tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2021. Doanh thu thuần sau trích lập dự phòng rủi ro tăng 29,9% đạt hơn 37,5 nghìn tỷ đồng.
Song song với tăng trưởng doanh thu, chi phí hoạt động của MB cũng tăng đáng kể năm qua do ngân hàng đầu tư mạnh vào số hóa. Tổng chi phí hoạt động cả năm 2022 là hơn 14,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm trước. Tuy nhiên điểm tích cực là ngân hàng đã cải thiện được chỉ số CIR (chi phí trên thu nhập) thêm 0,5% so với năm 2021, về 29,36% - là một trong những ngân hàng có CIR tốt nhất.
Kết quả, lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất đạt hơn 22,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ, trong đó riêng ngân hàng MB đạt 20,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 41,1%. Với kết quả này, MB đạt hiệu quả sinh lời trên vốn (ROE) tới 25,6%, tăng 2,1% so với năm 2021, nằm trong nhóm những ngân hàng có ROE cao nhất.
Các chỉ tiêu về an toàn cũng là điểm sáng ở MB năm qua, trong đó tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 11,5%, tăng 0,2 điểm % so với năm trước và cao hơn 3,5% so với quy định. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt ở mức 1,09% với ngân hàng hợp nhất (bao gồm cả cho vay tiêu dùng) còn ngân hàng riêng lẻ chỉ 0,83%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ngân hàng hợp nhất đạt 238% và ngân hàng riêng lẻ là xấp xỉ 300%.
Nhịp sống thị trường