MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MBS: Thu nhập dịch vụ HDBank dự kiến tăng mạnh trong năm 2022, phí "upfront" sẽ thúc đẩy giá trị nội tại ngân hàng

23-06-2022 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

MBS: Thu nhập dịch vụ HDBank dự kiến tăng mạnh trong năm 2022, phí "upfront" sẽ thúc đẩy giá trị nội tại ngân hàng

Theo MBS, doanh thu phí bảo hiểm và khoản phí “upfront” cho hợp đồng bảo hiểm độc quyền sẽ đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của HDBank.

Trong báo cáo cập nhật về HDBank mới đây, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 với động lực đến từ mảng bán chéo bảo hiểm (bancassurance).

Theo MBS, HDBank đứng thứ tư trong các ngân hàng có phí bảo hiểm mới hàng tháng cao nhất (T12/2021). Đồng thời, việc chất lượng dịch vụ được nâng cao cũng được đánh giá lạc quan cho sự phát triển dài hạn trong tương lai. Từ năm 2020 đến năm 2021, tổng doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ tăng lên gấp 6 lần, từ 130 tỷ đồng lên 811 tỷ đồng. Hiện tại, HDBank vẫn đang đồng hành cùng FWD trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và HDI trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Với những kinh nghiệm cũng như với người đồng hành như hiện tại, trong năm 2022, doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ cũng được kì vọng sẽ tăng gấp 2,57 lần so với năm 2021, đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Nhóm phân tích cho rằng kết quả hoạt động ấn tượng này đến từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như để đạt được mục tiêu muốn kí kết hợp đồng độc quyền bảo hiểm của HDBank trong năm nay với mức giá tốt nhất.

Ngoài khoản tăng trưởng đến từ doanh thu phí bảo hiểm, MBS cũng kỳ vọng với khoản phí "upfront" cho hợp đồng bảo hiểm độc quyền trong năm tới của HDBank sẽ đem lại kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng cũng như thúc đẩy giá trị nội tại của doanh nghiệp. HDBank hiện tại là 1 trong số ít các ngân hàng chưa kí hợp đồng bảo hiểm độc quyền với doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường.

Trong một kịch bản thận trọng, mặc dù kỳ vọng vào khả năng HDBank sẽ ký kết hợp đồng độc quyền bancassurance trong những năm tới, tuy nhiên, MBS cũng không dự phóng khoản doanh thu bất thường này, mà đây sẽ là một tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023.

Năm 2022, HDBank lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỷ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Các tỷ lệ sinh lời ROA, ROE năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92%và 22,2%.

Ngân hàng dự kiến tài sản tăng 18% lên 440.439 tỷ đồng. Tổng huy động và dự nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%, tương ứng đạt 392.683 tỷ đồng và 256.060 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dự kiến không vượt qua mức 2%. Trong năm 2022, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu.

Với mục tiêu và những gì đã đạt được trong năm 2021, MBS kỳ vọng doanh thu năm 2022 của HDBank sẽ tăng 19% so với năm 2021. Ngoài ra, khoản trích lập dự phòng của công ty sẽ tiếp tục tăng lên theo các quy định của thông thư 14 NHNN. Theo đó, các ngân hàng sẽ thực hiện hiện trích bổ sung phần chênh lệch theo tiến độ, tối thiểu là 30% năm 2021, 60% năm 2022 và đủ 100% năm 2023. Tuy nhiên, khi nên kinh tế Việt Nam dự báo sẽ có sự hồi phục rõ nét hơn trong năm 2022, số tiền trích lập dự phòng rủi ro sẽ giảm dần sau giai đoạn 2022-2023.

Mặt khác, nhờ tăng vốn điều lệ thành công trong năm 2021, HDBank đã đưa tỷ lệ hệ số CAR lên 14,4%. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) luôn duy trì ở mức an toàn trong nhiều năm là tiền đề khiến nhóm phân tích tin rằng tăng trưởng tín dụng của HDBank trong năm 2022 sẽ đạt trên 18%.

Kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.528 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch năm.  

Các chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 25,4% và 2,1%. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,17%, tỷ lệ thấp trong ngành.

Tại ngày 31/3/2022, tổng huy động vốn đạt trên 340 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt trên 234 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với 31/12/2021 với động lực tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh chính, bao gồm bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và tài chính tiêu dùng.

Khối ngoại liên tục ''gom'' cổ phiếu HDB

Trong gần 1 tháng rưỡi trở lại đây, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng cổ phiếu HDB. Tính từ giữa tháng 5 đến nay, khối ngoại chỉ bán ròng 3 phiên trong khi mua ròng 26 phiên.

Từ ngày 9/6, HDBank đã giảm "room" ngoại từ 21,5% xuống còn 18%, tương đương còn hơn 364,9 triệu cp. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài hiện sở hữu hơn 342 triệu cp, tương đương gần 16,9%. Như vậy, khối ngoại chỉ được phép nắm giữ thêm gần 22,8 triệu cp HDB là kín ''room''. Sự nhập cuộc của nhà đầu tư nước ngoài là một trong những yếu tố giúp HDB không bị giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Đóng cửa phiên giao dịch 23/6, thị giá HDB dừng ở mức 23.500 đồng/cp, vốn hóa đạt 47.287 tỷ đồng và là một trong 10 ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất.

https://cafef.vn/mbs-thu-nhap-dich-vu-hdbank-du-kien-tang-manh-trong-nam-2022-phi-upfront-se-thuc-day-gia-tri-noi-tai-ngan-hang-20220623173816062.chn

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên