MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

McDonald’s ngừng bán khoai tây chiên tại Nhật Bản: Chiêu trò marketing và nỗi đau của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi không thể tự nuôi 126 triệu người

11-01-2022 - 14:56 PM | Tài chính quốc tế

McDonald’s được cho là marketing dựa trên nỗi sợ của khách hàng, thế nhưng chính điều này lại đang khiến nhiều chuyên gia lo lắng về một cuộc khủng hoảng toàn diện tại Nhật Bản.

Mới đây, chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s đã tuyên bố ngừng bán khoai tây chiên cỡ lớn và vừa tại Nhật Bản với lý do bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Thế nhưng lời giải thích này của họ không được lòng nhiều người bởi chúng khiến khách hàng mua nhiều khoai tây chiên cỡ nhỏ hơn dù giá đắt hơn.

Trước đó vào tháng 12/2021, McDonald’s cũng đã từng tuyên bố điều tương tự trong vòng 1 tuần với lý do chưa kịp nhập khoai tây đông lạnh từ Bắc Mỹ.

Chiêu trò marketing?

Với lệnh ngừng bán mới đây, McDonald’s cho biết nguyên nhân chính là do tuyết lớn ở Canada cũng như thời tiết xấu ở vùng Bắc Thái Bình Dường đã khiến chuỗi cung ứng của họ bị gián đoạn. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng khiến các cơ sở ở Canada thiếu nhân viên để vận chuyển, các khu cảng ở Vancouver thì hứng chịu lũ lụt còn số tàu chở hàng thì đang khan hiếm do quá tải chuỗi cung ứng.

McDonald’s ngừng bán khoai tây chiên tại Nhật Bản: Chiêu trò marketing và nỗi đau của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi không thể tự nuôi 126 triệu người - Ảnh 1.

McDonald's Nhật Bản được cho là đang marketing dựa trên nỗi sợ của khách hàng

Việc vận chuyển khoai tây đông lạnh bằng đường hàng không là không đủ để đáp ứng nhu cầu nên McDonald’s đã quyết định dừng bán khoai tây chiên cỡ lớn và vừa tại 2.900 địa điểm trên toàn Nhật Bản.

Tuy vậy nhiều khách hàng Nhật Bản lại phản ánh lỗ hổng trong lời giải thích của chuỗi đồ ăn nhanh này bởi nếu thiếu khoai tây chiên thực sự thì họ nên ngừng bán chứ không phải chỉ bán giới hạn cỡ nhỏ. Những thực khách sẽ phải mua nhiều khoai tây cỡ nhỏ với giá đắt hơn để thưởng thức, qua đó làm tăng doanh số cho McDonald’s.

"Chẳng có giới hạn nào về số lượng khoai tây chiên cỡ nhỏ được mua cả, nên tôi cứ gọi thêm gói cỡ nhỏ thôi", chị Ayako Ueda, một khách hàng tại Saitama cho biết đã đến McDonald’s ăn sau thông tin ngừng bán khoai tây chiên cỡ lớn cho biết.

Cũng theo cô Ueda, có rất nhiều chuỗi đồ ăn nhanh vẫn đang hoạt động bình thường và sự gián đoạn chuỗi cung ứng khoai tây chiên của McDonald’s có vẻ không nghiêm trọng như những gì mọi người đã nói.

Theo website của McDonald’s, gói khoai tây chiên nhỏ của hãng có trọng lượng 74gr với giá 150 Yên, trong khi gói lớn là 170gr với giá 330 Yên. Bởi vậy 3 gói nhỏ với trọng lượng 222gr sẽ có giá 450 Yên.

"Chả hợp lý tý nào khi ngừng bán gói lớn nhưng lại không giới hạn gói nhỏ với lý do đứt gãy chuỗi cung ứng. Nếu thật là như vậy thì họ phải đề nghị mỗi khách hàng chỉ được mua 1 gói khoai tây chiên", một người dùng trên Yahoo Japan chỉ ra.

Tờ SCMP cho hay rất mạng xã hội Nhật Bản đang lan truyền chiến lược này của McDonald’s chẳng khác gì một chiêu trò marketing trong thời buổi dịch bệnh và gián đoạn chuỗi cung ứng. Hầu như mọi người đều nói về khó khăn của chuỗi đồ ăn nhanh này và muốn đến nếm thử khoai tây chiên.

"McDonald’s đã đánh vào nỗi lo sợ của khách hàng để bán nhiều khoai tây chiên cỡ nhỏ hơn", một người dùng mạng xã hội cho biết.

Trong khi đó, tờ Japan Today thì đăng hẳn dòng tít: "McDonald’s đã được quảng cáo miễn phí lần thứ 2 rồi đấy. Họ có những nhân viên marketing thật giỏi".

McDonald’s ngừng bán khoai tây chiên tại Nhật Bản: Chiêu trò marketing và nỗi đau của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi không thể tự nuôi 126 triệu người - Ảnh 2.

 Nỗi đau của người Nhật

Mặc dù chưa rõ câu chuyện của McDonald’s có thật sự là chiêu trò marketing hay không nhưng nhiều chuyên gia cảnh báo Nhật Bản đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng khá lớn bởi nền kinh tế này phụ thuộc chủ yếu vào lương thực nhập khẩu.

Vào tháng 9/2021, Bộ nông nghiệp Nhật Bản báo cáo tỷ lệ tự trồng trọt cung ứng lương thực của nước này đã giảm xuống chỉ còn 37% do thời tiết xấu, tương đương mức thấp kỷ lục vào năm 1993 và 2008. Trên thực tế Nhật Bản tự cung tự cấp lương thực được đến 80% vào năm 1960 nhưng đã giảm dần để rồi phụ thuộc vào nhập khẩu như ngày nay.

Chuyên gia kinh tế Martin Schulz của Fujitsu Research Institute nhận định đại dịch và sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm Nhật Bản bộc lộ rõ điểm yếu của mình trong an ninh lương thực cũng như nhiều ngành sản xuất, dịch vụ khác. Việc phải phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài khiến Nhật Bản dễ bị tổn thương hơn các nền kinh tế khác khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Tồi tệ hơn, những xung đột địa chính trị trên vùng biển Châu Á đã đe dọa đến các tuyến đường chở hàng, qua đó có khả năng dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng nhiều nhu yếu phẩm quan trọng của người dân.

"Rất nhiều quốc gia cung ứng hàng cho Nhật Bản hiện đang gặp vấn đề, như Bắc Mỹ, Australia hay Châu Âu. Tôi xin được nhắc lại rằng gần 90% thức ăn cho gia súc tại Nhật Bản là nhập khẩu", chuyên gia Schulz cảnh báo.

McDonald’s ngừng bán khoai tây chiên tại Nhật Bản: Chiêu trò marketing và nỗi đau của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi không thể tự nuôi 126 triệu người - Ảnh 3.

Nhật Bản đang phụ thuộc khá nhiều vào lương thực nhập khẩu

Trong quá khứ, Nhật Bản đã từng đặt mục tiêu giữ tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực trên 50% nhưng do dân số lão hóa nhanh, người trẻ bỏ quê lên thành phố nên họ khó lòng giữ được. Hệ quả là giờ đây Nhật Bản phải phụ thuộc chủ yếu vào lương thực nhập khẩu để có thể nuôi 126 triệu người dân.

Theo chuyên gia Schulz, Nhật Bản đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do trong vài năm qua nhằm đảm bảo nguyên vật liệu, lương thực nhập khẩu ở mức giá thấp. Thế nhưng những động thái này lại chẳng thể bảo vệ Nhật Bản khỏi tổn thương khi chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.

https://cafebiz.vn/mcdonalds-ngung-ban-khoai-tay-chien-tai-nhat-ban-chieu-tro-marketing-va-noi-dau-cua-nen-kinh-te-lon-thu-3-the-gioi-khi-khong-the-tu-nuoi-126-trieu-nguoi-20220111102442482.chn

Theo Huyền Băng

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên