Mẹ khoe con đỗ đại học trên mạng xã hội nhưng không được chúc mừng, đọc bình luận chỉ thấy bẽ bàng
Nhà có con đỗ đại học đáng lẽ là chuyện vui, nhưng người mẹ này lại rơi vào tình huống khó xử.
- 24-07-2024CẬP NHẬT: Điểm sàn của 150 trường đại học trên cả nước, cao nhất lên đến 30 điểm
- 24-07-2024Nam sinh trượt Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ vì... quên đọc mail
- 23-07-2024Nam sinh học kém bỏ thi đại học nhưng lại trúng tuyển vào 4 ngôi trường danh giá bậc nhất: Nói ra lý do ai cũng bất ngờ
Khoe con đỗ đại học nhưng bị chỉ trích
Tiểu Cao (18 tuổi, Trung Quốc) luôn khao khát được học tập tại trường Đại học Giao Thông Thượng Hải. Ngay sau khi biết điểm thi, cậu đã nhanh chóng nộp đơn đăng ký vào trường. Cầm trong tay giấy báo trúng tuyển, Tiểu Cao mới dám tin vào sự thật rằng mình đã thực sự được nhận vào ngôi trường mơ ước.
Nghe tin vui từ con trai, mẹ của Tiểu Cao đã không giấu được niềm vui sướng, bà lập tức chia sẻ tin vui này lên mạng xã hội. Họ chờ đợi những lời chúc mừng từ người thân và bạn bè. Thế nhưng, những gì họ nhận lại chỉ những bình luận không mấy thân thiện.
Niềm vui của mẹ Tiểu Cao nhanh chóng vụt tắt. Bà không dám thổ lộ chuyện này với con trai, thậm chí còn chặn cả tài khoản mạng xã hội của con để cậu không nhìn thấy những bình luận ác ý đó.
Cậu của Tiểu Cao không vui mừng vì cháu đỗ đại học. Người này để lại một bình luận đầy mỉa mai: “Thằng bé chỉ là thi đỗ đại học thôi mà, có cần phải đăng lên mạng xã hội cho cả thế giới biết không? Sợ người ta không biết con mình giỏi giang hơn con cái nhà người ta hay sao?”. Đọc xong bình luận này, mẹ Tiểu Cao không khỏi bối rối, chẳng lẽ bà đã sai khi chia sẻ niềm vui của mình lên mạng xã hội?
Là cha mẹ, ai chẳng tự hào khi con cái đạt thành tích tốt. Bà chỉ muốn chia sẻ niềm vui ấy với mọi người, để chứng minh rằng bao nhiêu năm cố gắng của con trai mình đã được đền đáp xứng đáng. Thế nhưng, nhiều người lại không nghĩ vậy.
Cha mẹ có nên khoe thành tích của con lên mạng xã hội?
Từ trước đến nay, giới tâm lý học luôn muốn tìm hiểu động lực đằng sau hành vi của những bậc "phụ huynh cạnh tranh". Một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân có thể đến từ việc theo đuổi giá trị bản thân, cảm giác bất an, hoặc do ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ và mạng xã hội hiện đại.
Nhiều chuyên gia đặt ra giả thuyết rằng, việc nuôi dạy con cái theo kiểu cạnh tranh có thể là một cơ chế đối phó với cảm giác thua kém của cha mẹ trong các lĩnh vực khác.
Anat Keinan, Phó Giáo sư ngành Tiếp thị tại Trường Kinh doanh Questrom thuộc Đại học Boston, sau khi nghiên cứu đã đưa ra kết luận: Khi cảm thấy bị đe dọa về thành tích trong công việc, một người có thể tìm cách khẳng định bản thân trong một lĩnh vực khác, chẳng hạn như việc nuôi dạy con cái.
Trong trường hợp nghiêm trọng, sự cạnh tranh giữa cha mẹ có thể tạo ra "bẫy cạnh tranh", ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Chuyên gia khuyên rằng, mọi người không nên định nghĩa thành công trong phạm vi quá hẹp, vì điều đó có thể tạo ra bầu không khí cạnh tranh gay gắt, có thể dẫn đến rạn nứt tình bạn giữa người lớn và gia tăng căng thẳng ở trẻ em. Tệ nhất, trẻ em có thể trở nên đau khổ vì những căng thẳng trong gia đình như vậy, điều này có thể làm tổn hại vĩnh viễn mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Việc ăn mừng khi con cái thi đỗ đại học là điều hoàn toàn chính đáng, nhưng các bậc phụ huynh cũng không nên quá phô trương, bởi lẽ "họa từ miệng mà ra". Hơn hết, cha mẹ hãy dành cho con sự quan tâm để các con cảm nhận được tình yêu thương thay vì áp lực thành tích.
Lời khuyên dành cho các tân sinh viên
Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, các tân sinh viên cần lên kế hoạch chuẩn bị cho chặng đường sắp tới. Nhiều bạn trẻ chủ quan, thường để đến sát ngày nhập học mới loay hoay chuẩn bị đồ đạc.
Đối với những bạn học xa nhà, việc chuẩn bị càng phải kỹ lưỡng và chu đáo hơn. Các bậc phụ huynh nên nhắc nhở con cái sắp xếp hành lý từ sớm. Hãy tận dụng khoảng thời gian quý báu bên gia đình trước khi bước vào môi trường đại học đầy bỡ ngỡ.
Hãy nhớ rằng, cánh cửa đại học chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình mới. Các bạn sẽ không còn là những cô cậu học trò chỉ biết chú tâm vào học tập nữa, thay vào đó là phải tự lập và trưởng thành hơn trong suy nghĩ.
Theo Sohu, Parent.com
Đời sống Pháp luật