MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Mẹ mang giấy nhập học của tôi đi mất rồi' - tâm sự của nữ sinh vừa đỗ đại học gây xôn xao

19-08-2023 - 11:20 AM | Sống

Cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc xây dựng thái độ sống tích cực để khám phá phát triển bản thân chứ không nên quyết định thay ước mơ của con.

Hầu hết các chuyên gia đều khuyên việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh phải dựa trên năng lực cá nhân, xu thế, sở thích nghề nghiệp và phải do chính các em quyết định. Tư vấn nghề nghiệp của cha mẹ, thầy cô, bạn bè và chuyên gia chỉ có ý nghĩa tham khảo. Nhưng trên thực tế, nhiều ông bố bà mẹ dựa vào kinh nghiệm của mình luôn "giành" phần việc này của con cái.

Mới đây, tâm sự của một nữ sinh ở Trung Quốc về vấn đề này cũng khiến dư luận xôn xao.

Cô chia sẻ: "Mẹ tôi đã điền cho tôi 40 nguyện vọng đều là vào trường Sư phạm, trường công để được miễn học phí, miễn ký túc mỗi tháng, lại được cho thêm sinh hoạt phí. Đối với mẹ tôi như vậy là rất tốt, ra trường sẽ được vào biên chế, không lo chuyện việc làm.

Nhưng tôi không muốn làm giáo viên, nói chuyện với mẹ không được nên tôi đã tự ý đổi sang Học viện Hý Kịch Trung Ương, tôi đã đỗ vào trường. Ngày mai là ngày hạn nộp học phí và giấy tờ cho trường, vốn dĩ tôi định chiều nay sẽ nộp tiền cho trường.

Kết quả buổi sáng đi học lớp bơi về thì phát hiện mẹ tôi cắt số điện thoại của tôi, thẻ ngân hàng mà trường phát cho để nộp học phí cũng không thấy đâu, giấy báo nhập học, căn cước công dân, tiền mặt trong ví của tôi, MacBook, iPad, điện thoại cũ mới tất cả đều bị mẹ tôi cầm đi hết.

"Mẹ mang giấy nhập học của tôi đi mất rồi" - Tâm sự đẫm nước mắt của cô gái vừa đậu đại học gây xôn xao - Ảnh 1.

Bà mẹ để lại 3 chữ: Xin lỗi con!

Điện thoại của mẹ tôi tắt máy, không thể nào liên lạc được, bố thì luôn khuyên tôi học lại, mẹ chỉ để lại cho tôi một tờ giấy trên bàn.

Lý do mẹ tôi không muốn cho tôi vào Trung Hý là vì quá xa nhà. Tiếp là mẹ tôi cho rằng những công việc liên quan đến nghệ thuật đều không ngẩng mặt lên được. Mẹ tôi bảo, ngoài làm cảnh sát và giáo viên ra thì các ngành nghề khác đều phải nhìn sắc mặt của người khác để sống. Tôi thật sự không thuyết phục được mẹ của mình…".

Nữ sinh này cho biết, cô đã báo cảnh sát, nhưng đây là việc cá nhân trong gia đình, họ cũng không thể “bắt” mẹ cô phải thế này thế kia được. Thật may hiện tại sự việc đã được giải quyết, trường đã liên hệ đến cô việc đóng học phí và giấy tờ đều đã được giải quyết.

Câu chuyện của cô gái thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng, hành động của người mẹ chỉ xuất phát từ sự yêu thương cố hữu đối với con. Nhưng phần đông nhận định, chọn nghề nghiệp tương lai là việc của học sinh. Nhiều em vì nghe lời phụ huynh mà mất đi nhiều năm, thậm chí cả đời do việc lựa chọn nghề sai lầm.

Một người chia sẻ: "Nếu bố mẹ xuất thân từ chuyên ngành này thì còn nhiều kinh nghiệm để nói. Nhưng trên thực tế, về cơ bản không phải phụ huynh nào cũng như vậy. Lý do không gì khác hơn là con cái bạn bè của họ hoặc những người khác trong xã hội đăng ký nhiều hơn, vì vậy họ ép con mình theo chuyên ngành đó.

Tôi phỏng vấn đủ sinh viên mới ra trường, nhiều em sinh ra trong gia đình không thiếu tiền nhưng cũng không biết mình muốn làm công việc gì, mắt đờ đẫn, không hứng thú, hình như không có mục tiêu dù đã trải qua 4 năm đại học".

Cha mẹ hãy truyền lại những kinh nghiệm tốt nhất cho con cái

Cha mẹ không tin vào con trẻ, học trò thiếu định hướng nghề nghiệp, nông cạn là lý do nhiều phụ huynh can thiệp thô bạo vào việc chọn nghề của trẻ. Trên thực tế, không ít cha mẹ không hiểu rõ về các ngành nghề, chỉ nhìn vào bề nổi mà bỏ qua khát vọng, đam mê, năng lực của con.

Không thể phủ nhận có nhiều bạn trẻ rất thành công khi được gia đình định hướng ngành nghề phù hợp. Nhưng ở phía ngược lại cũng có những em phải học, làm việc ở những ngành nghề không thực sự yêu thích, dẫn đến bỏ ngang gây lãng phí thời gian, tiền bạc của bản thân, gia đình.

Phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho trẻ là cần thiết nhưng cần nhất là phải hiểu con, phải phân tích cho con được sự phù hợp với nghề nghiệp. Còn đối với những học sinh cảm thấy không hứng thú với ngành học mà bố mẹ chọn thì hãy tinh tế trình bày để phụ huynh hiểu về mong muốn, sở thích, khả năng của mình. Nếu các bạn đủ chững chạc, có lý lẽ thuyết phục thì cha mẹ có thể suy nghĩ lại và ủng hộ con mình.

"Mẹ mang giấy nhập học của tôi đi mất rồi" - Tâm sự đẫm nước mắt của cô gái vừa đậu đại học gây xôn xao - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cha mẹ hãy truyền lại những kinh nghiệm tốt nhất cho con cái, định hướng, khuyên răn nhưng phải tôn trọng sự lựa chọn và sở thích của con. Mặc dù con cái đến thế giới này thông qua bạn, nhưng chúng không thuộc về bạn. Đừng áp đặt con với suy nghĩ “con còn nhỏ, đã biết gì mà chọn”.

Một chuyên gia từng nói: "Cha mẹ góp phần tác động tích cực đến nhận thức của con cái trong việc xây dựng định hướng nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc xây dựng thái độ sống tích cực để khám phá phát triển bản thân chứ không nên quyết định thay ước mơ của chúng".

Cha mẹ không thể sống thay con cái mãi được. Hành trình thành công, hạnh phúc phải là hành trình, lựa chọn của chính con.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên