Méo mó dự án điện mặt trời - bài 2: 'Bóp nghẹt' hồ đập thủy lợi
Hàng chục hồ đập thuỷ lợi ở Ninh Thuận đang bị “bóp nghẹt” bởi các dự án điện mặt trời (ĐMT). Trong khi đó, chủ đầu tư phớt lờ quy định của pháp luật về thủy lợi để phát triển các dự án ĐMT bao quanh hồ đập thuỷ lợi tại địa phương này.
- 27-05-2023Địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời nhất Việt Nam
- 26-05-2023Bộ Công Thương chỉ đạo nóng về đàm phán giá điện gió, điện mặt trời
- 25-05-2023Bộ trưởng Tài chính nêu vướng mắc kết nối các dự án điện mặt trời
Tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 30 hồ đập thủy lợi, phần lớn các hồ đập này đều có dự án điện mặt trời (ĐMT) bao quanh, gây khó cho cuộc sống người dân địa phương khi chặn đường gia súc xuống hồ uống nước.
Theo nguồn tin của Tiền Phong, dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân Solar là 1 trong 14 dự án với tổng công suất 964 MW đã và đang được áp dụng giá FIT 9,35 Uscent/kWh không đúng đối tượng tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ. Từ năm 2020 đến ngày 30/6/2022, EVN phải thanh toán tăng khoảng 1.481 tỷ đồng (số tạm tính) so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết 115 của Chính phủ.
Dưới cái nắng như đổ lửa những ngày đầu hè năm nay, nhiều người dân xã Phước Nam và Phước Dinh, huyện Thuận Nam không thể cho cừu, bò của mình xuống hồ thủy lợi Bàu Ngứ uống nước giải nhiệt như mấy năm về trước. Lý do là Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành (Công ty Trường Thành)- chủ đầu tư Nhà máy ĐMT Bầu Ngứ (quy mô công suất 37,4 MW, diện tích đất sử dụng 73 ha, tổng mức đầu tư ban đầu là 1.500 tỷ đồng) đã cho làm hàng rào bao quanh hồ.
Ngay khi đưa vào hoạt động tháng 7/2019, chủ đầu tư đã cho xây hệ thống hàng rào bê tông quanh dự án nhằm bảo vệ công trình. Bức tường này cao 2-3m bao bọc nhà máy ĐMT và hồ Bàu Ngứ. Ông Nguyễn Hữu Việt (ở xã Phước Nam) cho hay: Công ty Trường Thành xây tường bao quanh lòng hồ Bàu Ngứ đã làm cuộc sống hàng chục hộ dân địa phương lâm cảnh lao đao. Nhiều gia đình không lấy được nước sản xuất nên phải bỏ hoang ruộng vườn. Còn những hộ chăn nuôi bò, cừu… cũng đành phải bán đàn gia súc của mình.
Đến tháng 1/2021, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Ninh Thuận đã xuống Nhà máy ĐMT Bàu Ngứ để kiểm tra. Tại buổi kiểm tra, đại diện UBND xã Phước Nam cho rằng, tường rào Nhà máy ĐMT hồ Bầu Ngứ làm cản trở đường xuống uống nước hồ của gia súc, vật nuôi. Xã đề nghị Công ty Trường Thành tháo dỡ hàng rào tại suối chính chảy vào hồ Bầu Ngứ để lấy đường cho gia súc xuống uống nước; để bà con đi lại khi mực nước hồ hạ thấp.
Trong đợt kiểm tra này, đại diện đơn vị hồ thủy lợi Bàu Ngứ cũng khẳng định dự án Nhà máy ĐMT hồ Bàu Ngứ “chặn” đường xuống hồ uống nước của gia súc và chỉ ra bất cập khi mực nước hồ đạt mức nước dâng bình thường, thì những tấm pin mặt trời cao hơn mặt nước khoảng 50 cm, tức ở cao trình khoảng +52,00 m. Do đó, vị đại diện này đề nghị Công ty Trường Thành nâng các tấm pin lên cao hơn cao trình mực nước lũ kiểm tra lớn nhất của hồ (53,3 m). Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận, cho biết: “Hiện Công ty Trường Thành vẫn đang khắc phục các tồn tại theo hướng dẫn. Chúng tôi đã nhận được hồ sơ thuyết minh do công ty này gửi lên. Họ thuê tư vấn để làm, đánh giá thực tế để đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập”.
Chồng lấn quy hoạch thủy lợi
Tại Ninh Thuận cũng có nhiều dự án ĐMT chồng lấn quy hoạch thủy lợi và gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng của người dân. Theo ghi nhận của PV, các khu vực xây dựng nhà máy ĐMT đều nằm trong các hồ đập như: hồ Sông Biêu (huyện Thuận Nam), hồ Lanh Ra (huyện Ninh Phước), Sông Trâu (huyện Thuận Bắc)… Cá biệt, có nhà máy xây dựng ở nơi chỉ cách thân đập hồ Lanh Ra chưa tới 100m. Các hệ pin được lắp tràn xuống lòng hồ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến chất lượng nước tại các hồ đập.
Tại dự án Nhà máy ĐMT hồ Suối Lớn (xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam) có tổng diện tích đất sử dụng hơn 553 ha, nhưng trong đó có hơn 38ha thuộc phạm vi vùng bán ngập hồ Suối Lớn. Trong phạm vi ranh giới điều chỉnh của dự án có bổ sung thêm một phần diện tích của lòng hồ Suối Lớn. Tuy nhiên, phần diện tích bổ sung này nằm hoàn toàn trước kênh dẫn thượng lưu tràn xả lũ hồ chứa (cách tràn xả lũ khoảng 135m). Đồng thời, chủ đầu tư tổ chức san lấp đất đá chắn ngang ở khu vực để làm đường cho các loại phương tiện giao thông qua lại. Công trình này được xác định gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ vào mùa mưa và các tấm pin lắp sai cao trình quy định cũng gây ảnh hưởng đến sự an toàn cho người dân.
Còn Nhà máy ĐMT Thiên Tân Solar giai đoạn 1 (xã Phước Trung, huyện Bác Ái, hòa lưới điện quốc gia vào tháng 3/2020) đã xây dựng chồng lên quy hoạch thủy lợi thuộc dự án Thủy lợi Tân Mỹ ở huyện Bác Ái. Dự án do Tập đoàn Thiên Tân làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích hơn 1.400 ha, tổng mức đầu tư 1.248 tỷ đồng và công suất lắp đặt 1.000MWp. Ông Võ Đình Vinh, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận, cho biết: “Việc dự án Nhà máy ĐMT Thiên Tân Solar Ninh Thuận được phê duyệt nhưng chồng lấn quy hoạch hồ thủy lợi thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành thẩm định hồ sơ, phê duyệt dự án ngay từ đầu. Trong đó, việc phê duyệt quy hoạch vùng tưới thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và phê duyệt quy hoạch điện mặt trời thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương”. Tuy nhiên, ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận lại nói rằng trách nhiệm thẩm định để nhà máy điện mặt trời “chồng lấn quy hoạch thủy lợi” không thuộc ngành Nông nghiệp mà thuộc về ngành Công Thương!
Tiền phong