MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Metro 'đua nhau' chậm tiến độ, đội vốn: Chờ đợi gì từ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể?

Tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội phải lùi thời gian vận hành toàn tuyến đến năm 2029, tổng mức đầu tư được đề xuất tăng thêm 4.905 tỷ đồng.  Ảnh: Trọng Hiếu.

Tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội phải lùi thời gian vận hành toàn tuyến đến năm 2029, tổng mức đầu tư được đề xuất tăng thêm 4.905 tỷ đồng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Các vấn đề liên quan đến dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là việc nhiều tuyến Metro liên tục chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng sẽ là chủ đề 'nóng' trong buổi chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vào tuần này.

Theo chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn của Quốc hội được tổ chức trong 2,5 ngày làm việc, bắt đầu từ chiều 7/6 đến hết ngày 9/6.

Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này gồm: Tài chính; ngân hàng; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Trong buổi chất vấn lần này, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể có trách nhiệm trả lời những vấn đề về tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.

Ông Thể cũng sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Metro 'đua nhau' chậm tiến độ, đội vốn

Thời gian qua, một trong những vấn đề 'nóng' khiến dư luận xôn xao là tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm. Đặc biệt trong đó chính là câu chuyện của tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội. Dự án này sau 12 năm thi công vẫn ì ạch, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng và không thể về đích.

Cụ thể, dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được TP. Hà Nội (chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội – MRB) khởi công tháng 9/2010. Tại thời điểm khởi công dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng, chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp. Sau nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư vào các năm 2016-2018, dự án có tổng mức đầu tư lên trên 30.000 tỷ đồng (tăng 63%).

Vào tháng 5/2022, Ban Quản lý dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội cho biết dự án phải lùi thời gian vận hành toàn tuyến đến năm 2029, tổng mức đầu tư được đề xuất tăng thêm 4.905 tỷ đồng.

Dù vậy, đây không phải câu chuyện hiếm gặp trong bức tranh quy hoạch hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng vốn đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Tuy vậy, phải sau 13 năm, dự án mới chính thức được đưa vào vận hành với 12 lần lỡ hẹn, đội vốn thêm 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD).

Tại TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên cũng được phê duyệt năm 2007 với tổng vốn 17.387 tỷ đồng, kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2018, nhưng theo thông tin mới đây, dự án sẽ phải đến năm 2024 mới có thể vận hành, khai thác và số vốn được điều chỉnh tăng lên mức 43.757 tỷ đồng.

Mới đây, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên cũng đã đề cập đến việc các vấn đề về giao thông giải quyết quá chậm, nhất là những vấn đề lớn phải tính toán cho cả một giai đoạn vài chục năm như đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội đô Metro, các tuyến đường vành đai ở các đô thị trên 10 triệu dân như Hà Nội, TP.HCM...

Bà Yên nhấn mạnh rằng, đây là những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không giải quyết ngay thì "sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển".

Trên thực tế, không chỉ các đại biểu Quốc hội mà người dân cũng rất quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông khi chính họ đang phải mòn mỏi chờ đợi hàng chục năm.

Có thể nhận thấy, dư luận cần một câu trả lời thích đáng từ phía người đứng đầu Bộ GTVT. Điều gì sẽ xảy ra nếu các dự án tiếp tục kéo dài, gây lãng phí, đội vốn? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hay chỉ đơn giản là bao giờ người dân mới có nhiều tuyến Metro để di chuyển?

Metro đua nhau chậm tiến độ, đội vốn: Chờ đợi gì từ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể? - Ảnh 1.

Tình trạng các dự án giao thông chậm chạp, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng đang là dấu hỏi lớn mà cử tri rất quan tâm. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nguyên nhân - trách nhiệm?

Trao đổi với Nhadautu.vn , PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: "Chủ trường đầu tư hạ tầng giao thông của Nhà nước là đúng đắn. Giao thông chính là trợ lực để nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, rất tiếc là trong quá trình đầu tư, một số dự án trọng điểm lại ì ạch, triển khai vô cùng chậm, không chỉ 1-2 năm mà kéo dài đến chục năm".

Bà An nói thêm rằng, tình trạng các dự án giao thông chậm chạp, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng đang là dấu hỏi lớn mà cử tri rất quan tâm. Những vấn đề này có ảnh hưởng không chỉ riêng những người tham gia giao thông mà nó còn cản trở đến sự phát triển kinh tế của cả xã hội.

Nguyên Đại biểu Quốc hội khẳng định: "Chuyện các dự án này chậm tiến độ là do các nhiệm kỳ trước lãnh đạo không làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Nếu vẫn chưa tìm được ai chịu trách nhiệm và xử lý công khai, thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài, năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân".

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Xuân Thủy - người đã có gần 40 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cho biết: "Tình trạng các dự án liên tục đội vốn, chậm tiến độ chủ yếu là do trách nhiệm của cơ quan chức năng được phân công xây dựng đề án. Khả năng nghiên cứu, xây dựng, dự toán rất kém. Đáng lý khi làm dự án, sai số chỉ được phép 10-20%, nhiều nhất 30-40%".

Ông Thủy cũng nhấn mạnh về bài học từ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

"Cả xã hội lên án quá trình đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông nhưng không hề thấy ai bị xử lý. Và đương nhiên, nếu không có tính răn đe, thì những dự án sau này sẽ vẫn tiếp tục như vậy. Và thực tế cũng đã chứng minh được điều đó", chuyên gia giao thông nói.

Nhận xét về các nguyên nhân liên quan đến tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng thông tin đưa ra không có tính thuyết phục. Về cơn bản, những vấn đề này phải được dự toán trước, từ chi phí đền bù, quá trình xây dựng, giá cả vật tư, đội vốn, chậm tiến độ.

"Những điều này hoàn toàn không có gì bất ngờ. Đây có phải là lần đầu tiên chúng ta làm dự án, xây dựng hạ tầng giao thông lớn đâu", ông Thủy nói.

Liên quan đến các kỳ họp của Quốc hội, TS Nguyễn Xuân Thủy lưu ý rằng, đại biểu vẫn chưa nói hết được những vấn đề "nhức nhối" của giao thông. Bên cạnh đó, câu chuyện trách nhiệm tại các dự án yếu kém cũng chưa được đưa ra tại các kỳ chất vấn.

Đặc biệt, trong gần 3 ngày chất vấn sắp tới, ông Thủy kỳ vọng các đại biểu Quốc hội có thể nêu rõ đầy đủ các vấn đề như "Quy hoạch chiến lược giao thông có hợp lý hay không? Tại sao phát triển đường bộ nhiều mà lại không phát triển đường sắt? Tại sao đường sắt càng ngày càng yếu kém?".

Theo ông, trên thế giới, các nước phát triển công nghiệp hóa đều phải đầu tư mạnh vào đường sắt. Trong khi ở Việt Nam chỉ tập trung phát triển đường bộ.

Bên cạnh đó, chuyên gia đặt ra một số vấn đề khác như: "Các dự án giao thông đã được tính toán đầy đủ hay chưa? Tại sao các tuyến Metro của Việt Nam lại đắt hơn so với nhiều nước phát triển khi về lý phải rẻ hơn 10-20%? Ngành GTVT tốc độ giải nhân ra sao, nếu chậm thì vì sao lại chậm?".

"Ngành giao thông có những đóng góp nhất định cho xã hội, tuy nhiên còn tồn tại rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Nếu chúng ta tiếp tục thờ ơ, giao thông ở Việt Nam sẽ mãi dậm chân và nền kinh tế cũng không thể đột phát được", TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Theo Thanh Trần

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên