Michael Hung Nguyen: “Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu Masan ở giá 80.000 đồng thì sẽ có thêm WinCommerce, Masan MEATLife, Phúc Long… miễn phí”
Vị phó TGĐ Masan cũng điểm rõ hai yếu tố then chốt giúp thị trường củng cố niềm tin vào cổ phiếu MSN.
Đóng vai trò khách mời trong chương trình The Investors, ông Michael Hung Nguyen – Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Masan (MSN) một lần nữa “đối mặt” với câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư luôn đặt ra cho các lãnh đạo của Tập đoàn này: Vì sao công ty con Masan Consumer (MCH) có vốn hoá khoảng 150.000 tỷ đồng nhưng giá trị của Masan Group chỉ ở mức 110.000 tỷ đồng?
Ông Michael Hung Nguyen nêu 2 lý do chính. Thứ nhất là sự phức tạp trong cấu trúc sở hữu vốn đối với các công ty con của Masan. Theo ông Michael, Masan đang trong quá trình xây dựng một hệ sinh thái và câu chuyện đó không dễ để giải thích. Thứ hai là vấn đề liên quan đến tỷ lệ nợ vay cao trên bảng cân đối kế toán, khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại khi lãi suất trên thị trường toàn cầu tăng cao trong các năm vừa qua.
“5 tỷ USD huy động vốn từ nước ngoài có một phần là khoản vay phục vụ mục đích đầu tư mở rộng nền tảng công nghệ tiêu dùng bán lẻ, làm tăng tỷ lệ nợ vay của Tập đoàn. Ưu tiên của Masan là giảm nợ trong năm nay, và cam kết của công ty là Net Debt/EBITDA sẽ ít hơn 3,5 lần” – Ông Michael nói.
Khi được hỏi về định giá của cá nhân cho Masan, Phó TGĐ Tập đoàn mô tả: “Mức vốn hóa trên thị trường của các công ty con của Masan, chẳng hạn như Masan Consumer cũng gần 6 tỷ USD. Masan cũng là cổ đông chiến lược của ngân hàng Techcombank với vốn hoá gần 7 tỷ USD. Cộng 2 con số này lại và nhân với tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn, trừ đi khoản vay của Tập đoàn thì mỗi cổ phiếu Masan Group sẽ rơi vào khoảng hơn 80.000 đồng. Giả sử nhà đầu tư mua cổ phiếu Masan ở giá 80.000 đồng thì sẽ có thêm WinCommerce, Masan MEATLife, Phúc Long… miễn phí”.
Ngay tại đại hội cổ đông gần đây, Masan cho biết sẽ tập trung vào mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ và giảm quyền kiểm soát tại các mảng kinh doanh không cốt lõi.
Song song, Masan đang cố gắng giảm nợ vào cuối năm nay thông qua một số thương vụ. Đơn cử như thương vụ bán cổ phần của Masan Hightech Materials (mã: MSR) cho Mitsubishi, vừa có thể đơn giản hóa cấu trúc công ty, vừa có dòng tiền để trả nợ.
“Khi cả hai yếu tố này đều hoàn tất, có thể thị trường sẽ được củng cố thêm lòng tin vào cổ phiếu MSN” - Ông Michael Hung Nguyen chia sẻ.
Hiện tại, nói đến Masan, số đông sẽ nói đến Omachi, Chinsu, nước mắm… Nhà đầu tư có thể nghĩ rằng Masan đã đa dạng hóa ngành nghề quá mức. Còn theo góc nhìn và chiến lược đã công bố, Masan là nền tảng công nghệ tiêu dùng bán lẻ (consumer retail platform) . Tập đoàn này muốn tạo ra một danh mục các sản phẩm để phục vụ những nhu cầu cơ bản của 100 triệu người tiêu dùng trong nước và hướng đến 8 tỷ người tiêu dùng thế giới.
20 năm trước, Masan đã thành công trong việc tạo dựng thương hiệu nổi tiếng ở một số ngành hàng. Họ muốn nhân bản câu chuyện thành công đó ở những ngành hàng khác, ví dụ như thịt MEATDeli.
Để “trấn an” niềm tin của nhà đầu tư, Phó TGĐ Masan cũng nhắc đến câu chuyện tham gia vào thị trường bán lẻ vào năm 2019 khi mua lại VinCommerce (nay là Wincommerce) sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart.
“Lúc ấy giá cổ phiếu của công ty giảm tương đối nhiều. Lý do đầu tiên là nhiều nhà đầu tư lo sợ rằng công ty cứ có tiền là M&A nhiều lĩnh vực không liên quan. Hai là nhiều nhà đầu tư chưa tin rằng công ty sẽ kiếm được tiền từ bán lẻ” - Michael Hung Nguyen nhớ lại.
Thời điểm đó, tỷ suất sinh lời EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) của WinCommerce là -7%.
“Mọi người cũng thấy là ngoài câu chuyện đầu tư thì Masan phải ôm lỗ. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, EBITDA của WinCommerce đã đạt đến điểm hòa vốn và năm nay là +4%. Như vậy từ EBITDA đã thay đổi 11%. Và tháng 6, tháng 7 năm nay đã ghi nhận lãi nên Masan kỳ vọng quý 3 WinCommerce sẽ là công ty có lợi nhuận” - Michael Hung Nguyen khẳng định.
“The Investors” là series talk show truyền cảm hứng do CafeF và Chứng khoán VPBank (VPBankS) đồng tổ chức, phát sóng vào 10h00 thứ Ba hàng tuần.
CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) là công ty chứng khoán duy nhất thuộc hệ sinh thái VPBank có vốn điều lệ hàng đầu thị trường, với quy mô 15.000 tỷ đồng. VPBankS cũng nằm trong top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất thị trường và có nhiều dư địa để tăng trưởng trong tương lai. Hơn thế nữa, VPBankS đã xây dựng hệ sinh thái toàn diện, tích hợp đầy đủ từ các sản phẩm đến nền tảng, dịch vụ được cá nhân hóa theo từng khẩu vị rủi ro, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu đầu tư của khách hàng.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: The Investors
Xem tất cả >>- “Mỗi khi thị trường suy giảm, tôi nghĩ rằng tương lai sẽ tăng mạnh hơn” và loạt phát ngôn ấn tượng tại talk show The Investors
- Chủ tịch VNDIRECT chỉ ra bí kíp giúp môi giới chứng khoán “sống sót” trong thời kỳ AI
- Chủ tịch VNDIRECT tiết lộ cơ hội từ làn sóng AI và bí kíp đầu tư chứng khoán "không mất ngủ"
- Chủ tịch VNDirect Phạm Minh Hương lên sóng talk show The Investors ngày 3/12
- CEO Eastspring Việt Nam: Đừng cố gắng “làm giàu nhanh”, nhà đầu tư phải thật kiên trì và đặt niềm tin vào đối tác đáng tin cậy