'Miếng bánh' gọi xe công nghệ rơi vào tay ông lớn ngoại, công ty của ông Phạm Nhật Vượng hợp sức với Be liệu có vẽ lại thị trường?
Ảnh minh họa
Màn bắt tay giữa GSM - công ty taxi điện và cho thuê xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Be Group mang đến những kỳ vọng về một màn lật đổ trên thị trường gọi xe công nghệ.
- 29-03-2023Các nước EU hướng tới ngừng nhập khẩu LNG của Nga
- 28-03-2023Indonesia dự tính nhập thêm 2 triệu tấn gạo, cơ hội cho doanh nghiệp Việt
- 28-03-2023Ông bố Việt làm siêu xe gỗ cho con được Audi liên hệ: 'Họ kinh ngạc và thán phục, bỏ ngỏ khả năng hợp tác trong tương lai'
Theo Bộ Công thương, với doanh thu khoảng 2,4 tỷ USD trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 30-35% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thị trường gọi xe trực tuyến (ride-hailing) hay “gọi xe công nghệ” tại Việt Nam có tiềm năng lớn, được ví như một “chiếc bánh hấp dẫn”, khiến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đứng ngồi không yên.
Gần 1 thập niên trước, ở Việt Nam chưa ai biết tới khái niệm “ứng dụng gọi xe”, di chuyển trong nội đô phổ biến nhất chỉ có xe ôm và taxi. Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi GrabTaxi. Ứng dụng này khi đó chỉ là một phần mềm công nghệ hỗ trợ dịch vụ kết nối với các hãng taxi, giúp người dùng gọi taxi dễ dàng, minh bạch hơn nên thực tế chưa tạo dấu ấn đặc biệt. Phải tới 4 tháng sau, khi Uber chính thức gia nhập, cuộc bùng nổ thị trường gọi xe công nghệ mới thật sự bắt đầu.
Chỉ sau vài năm, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… nằm trong danh mục không thể thiếu trên màn hình điện thoại của đa số người dân tại các thành phố lớn.
Theo số liệu từ Vụ Vận tải (Bộ GTVT), sau nhiều năm phát triển, thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã có sự tham gia của khoảng 20 nền tảng khác nhau. Hiện có khoảng 67.000 xe taxi, 90.000 xe hợp đồng đã đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu.
Theo số liệu của Statista năm 2020, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam gồm Grab, Gojek và Be đã đạt gần 99%. Như vậy, có khoảng 17 ứng dụng gọi xe “made in Vietnam” còn lại chia nhau hơn 1% thị phần
Một khảo sát của Q&Me công bố vào tháng 6/2021 dựa trên số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe 2 bánh tại Việt Nam thì Grab chiếm khoảng 60% thị phần, Gojek chiếm 19%, Be chiếm 18%. Đối với ô tô, thị phần của Grab áp đảo với 66%, Be chiếm 22% và phần còn lại chia cho các ứng dụng khác.
Màn bắt tay giữa GSM và Be với kỳ vọng chia lại thị phần?
Thay vì lựa chọn công ty chiếm thị phần lớn nhất thị trường là Grab, Công ty GSM của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng lại quyết định đầu tư vào Be, ứng dụng đứng thứ 2. Có lẽ trong con mắt của một số nhà đầu tư, động lực và sức bật của "người đứng sau" sẽ luôn tốt hơn người thứ nhất.
Theo Be Group, hiện các dịch vụ của công ty đã hiện diện tại 28 tỉnh thành trên toàn quốc, đạt hơn 20 triệu lượt tải. Trung bình Be xử lý hơn 10 triệu giao dịch hàng tháng, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng nhiều hơn hai dịch vụ trên nền tảng chiếm hơn 50% và lượng khách hàng có giao dịch mỗi tháng đạt hơn 1,5 triệu.
Be Group cho biết do doanh thu trong nửa đầu năm ngoái tăng gấp đôi nên công ty đã bắt đầu có lãi góp dương từ quý III/2022. Be đặt mục tiêu phục vụ 20 triệu khách hàng trong 2 - 3 năm tới. Trước đó, năm 2020, khi thị phần đạt 30%, Be Group cho biết họ đã hòa vốn sau hai năm lăn bánh, và là công ty gọi xe đầu tiên đạt được điều này ở Việt Nam.
Gần đây vào tháng 9/2022, Be Group đã tiếp nhận khoản vay vốn trị giá lên đến 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Công ty cho biết khoản hỗ trợ tài chính này là tiềm lực giúp Be Group đẩy mạnh chiến lược hiện thực hóa những mục tiêu lớn.
Không chỉ năng nổ trong lĩnh vực gọi xe, giao hàng, Be Group còn hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông qua một sản phẩm là ngân hàng số Cake by VPBank. Cả 2 sẽ cùng ra mắt các dịch vụ thanh toán, tài chính cho khách hàng cá nhân, tài xế và khách hàng doanh nghiệp.
Cake by VPBank là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính thiết yếu bao gồm thanh toán, tiết kiệm, cho vay, đầu tư vi mô và thẻ tín dụng, đã thu hút gần 3 triệu khách hàng trong chưa tới 2 năm đi vào hoạt động.
Như vậy, tệp khách hàng của Be đang ngày càng đa dạng với nhu cầu sử dụng app cao. Điều này được cho rất có lợi cho GSM - hãng taxi điện của ông Phạm Nhật Vượng - khi tiếp cận được với lượng người dùng sẵn có mà Be đã xây dựng trong 4 năm qua. Đội ngũ tài xế hùng hậu của Be Group sẽ là bàn đạp về doanh số cho GSM trong tương lai.
Ngoài ra, thông qua Be Group, công ty của ông Phạm Nhật Vượng sẽ tiết kiệm được khoản chi phí vận hành như bán hàng và chăm sóc khách hàng - kết nối người dùng với tài xế.
Về phía Be Group, việc tích hợp GSM vào ứng dụng gọi xe Be sẽ giúp gia tăng số lượng tài xế, tăng thị phần gọi xe, tăng lượng người sử dụng app, tiếp theo đó là các dịch vụ khác như ngân hàng số, giao hàng, đặt đồ ăn,… sẽ thu hút được lượng khách hàng lớn hơn.
Với chương trình ưu đãi tài chính độc quyền để đổi sang xe điện mà đối tác VPBank của GSM cung cấp, việc thu hút tài xế đến với nền tảng của Be cũng trở nên cạnh tranh hơn so với đối thủ như Grab hay Gojek.
Grab gần đây cũng gây một số tranh cãi về giá cước, thu phụ phí và thay đổi giá vào giờ cao điểm, tắc đường.
Màn "bắt tay" của Be và GSM mang đến nhiều kỳ vọng vào một cuộc "lật đổ" nhưng thị trường sẽ còn rất nhiều biến động, các hãng gọi xe công nghệ cũng liên tục thay đổi chiến lược kinh doanh để ứng biến. Do đó, sẽ rất thú vị để chờ đợi xem thị trường này sẽ thay đổi ra sao sau sự tham gia của GSM.
Ít nhất trong ngắn hạn, việc hợp tác với Công ty GSM có thể sẽ giúp Be Group giữ vững thị phần đang có và tăng khả năng cạnh tranh với nền tảng hàng đầu như Grab.
Nhịp sống thị trường