“Mở cửa bầu trời, cất cánh kinh tế" từ dự án Cảng hàng không Quảng Trị 5.800 tỷ đồng
Cảng hàng không Quảng Trị với quy mô 5.800 tỷ đồng được kỳ vọng mở cửa bầu trời, khai phóng mọi tiềm năng của vùng đất thiêng, từ đó tạo đà cho kinh tế - xã hội - du lịch của tỉnh đột phá, phát triển xứng tầm.
Nằm ở trung điểm của đất nước với bề dày văn hoá - lịch sử, Quảng Trị được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn chưa thực sự có dự án đột phá và mang lại tầm vóc cho tỉnh. Thiên nhiên khắc nghiệt, sự tàn phá của chiến tranh đã khiến "toạ độ lửa" gặp vô vàn khó khăn trong phát triển. Trong một bài nghiên cứu, PGS. TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) đã chỉ ra: "Mấy thập niên sau ngày giải phóng, Quảng Trị vẫn vật lộn với những khó khăn hiếm thấy ở địa phương nào khác".
Trong bối cảnh đó, với mục tiêu thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước theo hướng công nghiệp - dịch vụ đến năm 2030, Quảng Trị đang rất cần một dự án tầm cỡ làm bệ phóng.
Quảng Trị sở hữu vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt, và đường thủy, trong đó có những tuyến đường huyết mạch. Điển hình là Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC), con đường xuyên Á ngắn nhất kết nối các nước Myanmar, Thái Lan, Lào với Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, mở rộng ra khu vực ASEAN.
Quảng Trị đang trên đà phát triển kinh tế. Bên cạnh Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh còn có hai cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, đồng thời nằm trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây, liên kết chặt chẽ với trục kinh tế Bắc - Nam. Hơn nữa, Quảng Trị cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo lớn của khu vực miền Trung và cả nước vào năm 2030, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư năng lượng.
Nổi bật là lợi thế du lịch của Quảng Trị với bờ biển dài 75km, các hang động và thác nước hùng vĩ, cùng với các khu bảo tồn thiên nhiên và di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa. Quảng Trị có một hệ thống di tích lịch sử liên quan đến các cuộc chiến của dân tộc, như Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị, Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Với sự phát triển của du lịch tâm linh và du lịch về nguồn, lượng khách du lịch đến Quảng Trị để tìm hiểu về lịch sử và thăm các di tích lịch sử dự kiến sẽ tăng mạnh.
Tuy nhiên, vì chưa có sân bay, nên nhà đầu tư, du khách khi di chuyển đến Quảng Trị phải tới sân bay ở Quảng Bình hoặc Huế, sau đó bắt xe khách hay đi tàu hỏa tới Quảng Trị mất khoảng 2 tiếng nữa. Việc không có sân bay cũng là nút thắt khiến Quảng Trị chưa giải phóng được tiềm năng về logistics, công nghiệp, thương mại…
Nhìn từ nhiều quốc gia trên thế giới, việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng hàng không luôn được chú trọng, bởi đây được xem là bàn đạp để "kích hoạt" nền kinh tế. Điều này tạo ra động lực và nền tảng để thúc đẩy những ngành phụ thuộc như du lịch, logistics, xuất nhập khẩu hay các nhóm ngành dịch vụ… tiến xa.
Đồng thời việc "sở hữu" một sân bay gián tiếp đem lại những giá trị khác về mặt kinh tế cũng như an sinh xã hội; tạo ra việc làm cho lao động địa phương và mở ra những cơ hội để nền kinh tế địa phương khỏe và phát triển bền vững hơn.
Với tầm nhìn đó, bằng sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp quan tâm, đến tháng 12/2023, Dự án thành phần 2 – Xây dựng Cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) Quảng Trị chính thức khởi động. Sân bay được xây dựng theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, quy mô trên 265 ha trải dài ở ba xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định, CHK Quảng Trị là dự án động lực rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đáp ứng nguyện vọng của người dân Quảng Trị cũng như du khách trong và ngoài nước. "Mặt khác, đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Trị phát triển ngang tầm với các tỉnh bạn", Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Sân bay Quảng Trị không chỉ vận chuyển về hành khách mà còn các chức năng như vận chuyển hàng hóa, đô thị sân bay cũng như chức năng về quốc phòng an ninh. Vì vậy, việc hiện thực hóa và đưa Sân bay Quảng Trị vào xây dựng khai thác và sử dụng là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Quảng Trị.
Hơn hết, án ngữ vị trí được gọi là "điểm trung chuyển" của đất nước, đến nay Quảng Trị vẫn chưa có một sân bay chuyên dụng. Vì vậy, nhiều chuyên gia đánh giá việc xây dựng cảng hàng không tại tỉnh này là cần thiết. Dự án dự kiến nằm sát Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường sắt Bắc - Nam. Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch tuyến đường song song nối từ Quốc lộ 1 đi qua cửa của CHK Quảng Trị đến biển. Ngoài ra, hiện nay cao tốc Bắc - Nam đi về phía tây thông qua Quốc lộ 9 thì dự án hoàn toàn có thể tiếp cận được cao tốc Bắc - Nam.
"Đáng chú ý, xét về mặt cơ sở hạ tầng, Quảng Trị nằm trên trục kết nối giao thông trên Hành lang Đông Tây và Khu kinh tế Đông Nam, khi xây dựng sân bay Quảng Trị sẽ đồng bộ hóa và tạo ra hệ thống logistics với đầy đủ các thành phần hàng không, cảng biển, cửa khẩu…," PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết.
Với quy mô của một dự án động lực 5.800 tỷ đồng, sân bay Quảng Trị được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề về kinh tế, du lịch, văn hoá.
Thứ nhất, Quảng Trị đang có tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Ngoài Khu kinh tế Đông Nam, Quảng Trị còn có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, lại nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (được xác định là trục xương sống kết nối chặt chẽ với các trục hành lang kinh tế Bắc - Nam).
"Do vậy, sân bay không chỉ đơn thuần vận chuyển hành khách mà còn kết hợp cả hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay… tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư lớn với hàm lượng chất xám cao, phát triển công nghiệp xanh sạch, đảm bảo quốc phòng an ninh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác quốc tế…", ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết.
Sân bay Quảng Trị được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn CHK cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách mỗi năm và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.
Là đơn vị sẽ tiếp quản công trình quản lý bay tại CHK Quảng Trị sau khi dự án đi vào vận hành khai thác, đại diện Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, ngoài các lợi ích như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, giao thông vận chuyển hành khách và hàng hóa,... CHK Quảng Trị còn có vai trò làm sân bay dự bị cho các sân bay lân cận khác khi tàu bay không thể hạ cánh được do điều kiện thời tiết xấu hoặc do các nguyên nhân khác.
Vì vậy, việc CHK Quảng Trị đi vào hoạt động sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế vùng thông qua mở rộng đầu tư, thương mại, du lịch, qua đó thúc đẩy giao lưu của người và hàng hóa qua lại giữa các địa phương thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.
Thứ hai, CHK Quảng Trị được kỳ vọng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy du lịch tỉnh này. Năm 2023, tỉnh Quảng Trị đón hơn 2 triệu lượt khách, tập trung ở các điểm du lịch tâm linh như Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9, thành cổ Quảng Trị, thánh địa La Vang…
Ngoài mục đích kinh tế, việc đầu tư xây dựng sân bay còn có một ý nghĩa lớn lao hơn, đó là phục vụ người dân cả nước đến thăm viếng, tri ân liệt sĩ trên mảnh đất Quảng Trị. Với ý nghĩa quan trọng, dự án là khát vọng bao đời nay của nhân dân Quảng Trị với mong muốn rút ngắn hành trình Bắc - Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân địa phương và những gia đình có người thân, đồng đội chiến đấu, hy sinh tại "toạ độ lửa"; bạn bè quốc tế đến với mảnh đất, con người Quảng Trị được thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đây cũng là một trong những điều kiện, cơ hội để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Quảng Trị đầu tư vào các khu kinh tế, khu đô thị, nghỉ dưỡng nhằm phát huy lợi thế của tỉnh - điểm giữa của đất nước và là điểm đầu về phía Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trên mọi miền Tổ quốc về với mảnh đất anh hùng.
"Sân bay Quảng Trị không chỉ là một công trình giao thông quan trọng mà nó còn chứa tình cảm rất lớn của đồng bào và nhân dân cả nước cũng như sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban bộ ngành TW đối với tỉnh Quảng Trị. Cũng là cơ hội để chúng ta giới thiệu với bạn bè quốc tế và trong tiến trình hội nhập và phát triển, để chúng ta xúc tiến và kêu gọi các nhà đầu tư đến với Quảng Trị", ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.
Tại cuộc tọa đàm "Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không, những bài học kinh nghiệm", ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, hiện nay trên thế giới có nhiều mô hình đầu tư hàng không và thực sự xã hội hóa sân bay cũng là mô hình mới trên thế giới. Khi xã hội hóa hàng không Việt Nam, nhất là sân bay Vân Đồn đã được bạn bè trong khu vực đánh giá là bước đột phá của Việt Nam. "Chúng ta đã có những kết quả nhất định và đã có mô hình cảng hàng không trọn vẹn", ông Mười nói.
Sau Sân bay Vân Đồn, CHK Quảng Trị là dự án tiếp theo đầu tư theo hình thức PPP. Việc thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư sân bay ở những địa bàn trọng yếu là cần thiết, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từng khẳng định, sân bay mới ra đời sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh cho địa phương.
"Người dân trong vùng dự án rất ủng hộ. Đây là quyết tâm của tỉnh, với chìa khóa chính là cơ chế đầu tư theo hình thức PPP", ông Hưng thông tin.
Theo TS. Nguyễn Bách Tùng - chuyên gia thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không: "Chủ trương đầu tư PPP vào hạ tầng giao thông luôn được Nhà nước xác định xuyên suốt để huy động nguồn vốn ngoài đầu tư công. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư, phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có sân bay Vân Đồn được đầu tư PPP hoàn thành đưa vào khai thác. Dự án sân bay Quảng Trị có nhà đầu tư tham gia là tín hiệu tốt để tiếp tục thực hiện những dự án PPP hàng không trong thời gian tới".
Tại sự kiện khởi động dự án diễn ra vào tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp dự án PPP cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên Tập đoàn T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4. Đây là dấu mốc cho việc chính thức triển khai dự án nhằm hoàn thiện mảnh ghép tiếp theo trong mạng lưới giao thông của tỉnh, góp phần giúp Quảng Trị khai phóng tiềm năng, tạo đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội địa phương "cất cánh".
Ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group cho biết, Tập đoàn dành rất nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị. T&T Group cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành CHK Quảng Trị, đưa dự án trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương; đồng thời trở thành cầu nối gắn kết, kết nối nhân dân cả nước hướng về vùng đất thiêng Quảng Trị. Cùng với các dự án động lực, quy mô lớn khác về năng lượng, hạ tầng, bất động sản khác của T&T Group đang được triển khai và đề xuất đầu tư, T&T Group quyết tâm gắn bó, đồng hành cùng Quảng Trị, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.
Nhịp sống thị trường