Mỏ đất hiếm "trời cho" đủ để thế giới dùng 1.000 năm: Điều vô lí khiến chuyên gia bất ngờ
Theo các phân tích, mỏ đất hiếm khổng lồ mới được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể không chứa nhiều đất hiếm như lầm tưởng.
- 13-07-2022Sạc "qua không khí" mở ra cơ hội gỡ nút thắt cổ chai trong ngành xe điện: Giấc mơ vừa chạy xe vừa sạc dần thành hiện thực
- 13-07-2022Giá cổ phiếu sụt 89%, "ông vua găng tay" mất hàng tỷ USD
- 13-07-2022"Vết nhơ" của dòng 737 Max đã được Boeing gột rửa: Ethiopian Airlines nhận chiếc máy bay đầu tiên sau vụ tai nạn thảm khốc
Mỏ đất hiếm đủ dùng trong 1.000 năm?
Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã phát hiện ra một mỏ đất hiếm khổng lồ ở tỉnh Eskisehir, miền tây bắc nước này. Sputnik dẫn nguồn các thông tin từ truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ước tính mỏ này chứa khoảng 694 triệu tấn trữ lượng đất hiếm, đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu sử dụng trong 1.000 năm.
Được biết, ngành công nghiệp đất hiếm thường sử dụng đất hiếm oxit (REO) làm chỉ số thống kê cho trữ lượng, sản lượng và doanh số bán đất hiếm. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và tiêu thụ đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới vào năm 2020.
Thống kê năm 2022 của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc dẫn đầu thế giới, chiếm khoảng 37% trữ lượng toàn cầu với 44 triệu tấn, trong khi Việt Nam, Brazil và Nga lần lượt chiếm 18,33%, 17,5% và 17,5% trữ lượng toàn cầu với con số tương ứng 22 triệu tấn và 21 triệu tấn. Tổng trữ lượng toàn cầu do USGS thống kê tính tới năm 2022 là khoảng 115 triệu tấn.
Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra mỏ 694 triệu tấn (nếu thực sự tất cả đều là REO) đồng nghĩa với việc nước này đang có lượng đất hiếm tương đương 5,8 lần trữ lượng toàn cầu. Con số này khiến các chuyên gia trong ngành chưa thực sự tin tưởng vào tính chính xác của dữ liệu.
Công ty đất hiếm của Trung Quốc Shenghe Resources cũng cho biết trong một bài viết trên WeChat của họ rằng con số 694 triệu tấn có thể chỉ là số tham chiếu lượng khoáng sản, chứ không phải đất hiếm oxit.
Shenghe Resources cho biết: "Sản lượng REO toàn cầu là khoảng 280.000 tấn một năm và sản lượng REO hàng năm của mỏ Thổ Nhĩ Kỳ là 10.000 tấn, vì vậy nó sẽ không có tác động lớn đến thị trường toàn cầu".
Công ty nói thêm rằng các thành phần chính của mỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đất hiếm nặng - thành phần không thể thiếu để sản xuất các loại thiết bị điện tử cao cấp, bao gồm phương tiện di chuyển và vũ khí. Do đó, tác động của đất hiếm Thổ Nhĩ Kỳ đối với cạnh tranh toàn cầu sẽ không quá lớn.
Theo một số nguồn tin do Hoàn Cầu trích dẫn, trữ lượng đất hiếm 694 triệu tấn của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể chuyển hoá thành 300.000 tấn oxit đất hiếm (REO) so với trữ lượng 44 triệu tấn của Trung Quốc.
"Đánh giá từ các tin tức liên quan, thông tin về trữ lượng đất hiếm gần 700 triệu tấn được công bố mới đây ở Thổ Nhĩ Kỳ là mâu thuẫn. Nếu trữ lượng ở dạng oxit đất hiếm, quy mô trữ lượng như vậy sẽ đứng số 1 trên thế giới, vượt xa Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi suy đoán đây là con số chỉ tổng khối lượng của mỏ khoáng sản (bao gồm các khoáng chất và kim loại khác)", Bao Gang United Steel, có trụ sở tại Khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc, trả lời các nhà đầu tư vào cuối tuần trước.
Dữ liệu về trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Tổng sản lượng ước tính cả thế giới ở mức hơn 115 triệu tấn.
Trước khi mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ được phát hiện, tập đoàn Bao Gang United Steel (Trung Quốc) sở hữu quyền khai thác mỏ có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới với 35 triệu tấn REO.
Mặc dù một số người đặt câu hỏi về tính chính xác của dữ liệu, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc phát hiện ra một mỏ dự trữ đất hiếm quy mô lớn có thể có tác động nhất định đến vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Trung Quốc mất vị thế?
Tuy nhiên, theo Hoàn Cầu, Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới có dây chuyền công nghiệp hoàn chỉnh về sản xuất đất hiếm, do đó lợi thế chế biến khoáng sản này sẽ không bị giảm sút bất kể có thêm phát hiện từ bất kỳ mỏ đất hiếm nào khác.
Cũng theo Hoàn Cầu, một số công ty đất hiếm Trung Quốc cho rằng lợi thế công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc trong ngành đất hiếm toàn cầu sẽ được duy trì trong tương lai, và việc phát hiện ra một khu dự trữ đất hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có tác động rõ ràng đến vị trí của Trung Quốc trong ngành này. Các nhà phân tích còn cho rằng trữ lượng đất hiếm mới được phát hiện có thể mang đến cơ hội hợp tác cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Wu Chenhui, một nhà phân tích độc lập trong ngành đất hiếm, nói với Hoàn Cầu rằng theo nhận định của ông, mỏ đất hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chứa khoảng 300.000 tấn REO - tương đương lượng đất hiếm Trung Quốc có thể khai thác trong nửa năm.
Theo ông Wu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác với Trung Quốc để có điều kiện phát triển thuận lợi cho việc thăm dò các mỏ đất hiếm.
Trong khi đó, Giám đốc của một nhà sản xuất nam châm lớn thuộc sở hữu nhà nước - có trụ sở tại Ganzhou, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc - cho hay: "Lý do khiến Trung Quốc có được vị trí thống lĩnh toàn cầu trong ngành công nghiệp đất hiếm không phải vì trữ lượng lớn, mà là khả năng khai thác, phân tách và tái tạo, cũng như một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn".
"Ngoài Trung Quốc, Australia, châu Phi, Mỹ và các nước Đông Nam Á cũng đã phát hiện ra trữ lượng đất hiếm phong phú. Nhưng các nước này đều thiếu công nghệ khai thác và tinh chế", giám đốc này nói.
Được biết, đất hiếm là nguyên liệu thô quan trọng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất linh kiện điện tử cho xe điện, động cơ và thậm chí cả vũ khí, nhưng mỏ đất hiếm không thực sự "hiếm" như tên gọi.
Đây cũng không phải lần đầu tiên các mỏ đất hiếm khổng lồ được tìm thấy trên khắp thế giới. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 4/2018 cho biết một mỏ đất hiếm được tìm thấy trong vùng biển của Nhật Bản, nơi chứa 16 triệu tấn khoáng chất đất hiếm - theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, mỏ này đã không được khai thác, không phải vì Nhật Bản không muốn mà bởi vì chưa đủ năng lực và công nghệ để khai thác đất hiếm trên vùng biển.
Nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc là do quốc gia này có thể khai thác đất hiếm với chi phí thấp và ít ô nhiễm.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể hoàn toàn chủ quan trước các đối thủ lớn trên thế giới và buộc phải cải tiến để giữ vị trí trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.
Khi xe điện và các sản phẩm điện tử khác làm gia tăng nhu cầu toàn cầu về đất hiếm, tầm quan trọng của đất hiếm ngày càng trở nên rõ ràng. Mỹ đã bắt đầu phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm của riêng mình.
Đất hiếm là nguyên liệu chiến lược quan trọng, đó là lý do thế giới sẽ chú trọng hơn đến việc bảo vệ tài nguyên đất hiếm và phát triển công nghệ ứng dụng trong tương lai.
Các quốc gia vẫn cần liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho lĩnh vực đất hiếm thông qua đổi mới khoa học và công nghệ để nâng cấp năng lực khai thác, chế biến, thay vì mở rộng khai thác không có kế hoạch.
Tổ Quốc