MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở hàng EVFTA, doanh nghiệp Nhật Bản "rót" 8 tỷ USD vào hàng loạt lĩnh vực ở Việt Nam

Nhiều lĩnh vực được rót vốn như bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không…

Sáng 1/7, tại Tokyo đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam. Sau khi chứng kiến lễ ký kết EVFTA tại Hà Nội chiều tối qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bay trở lại Nhật Bản trong ngày và tham dự sự kiện. 

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nói: "Các bạn là những nhà mở hàng đầu tiên khi 2 hiệp định EVFTA và IPA vừa được ký ngày hôm qua".

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý rằng người Nhật đang đứng trước cơ hội vàng nếu đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định FTA và 3 hiệp định đang đàm phán. Như vậy bao phủ đến hầu hết các lục địa trên thế giới khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu.

Nếu Hiệp định EVFTA được thực hiện thì xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 so với không có Hiệp định.

Về phương diện tăng trưởng kinh tế, EVFTA giữa Việt Nam-EU góp phần làm cho tăng GDP của Việt Nam thêm ở mức bình quân từ 2,18 - 3,25% cho giai đoạn 2019 - 2023, từ 4,57 - 5,3% cho giai đoạn 2024-2028 và từ 4,7-7,2% cho giai đoạn 2029-2033.

"Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam", ông nói.

Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo rộng khắp, phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam chưa bao giờ rực rỡ như những năm qua. Hàng nghìn ý tưởng khởi nghiệp được thử nghiệm và thành công, xếp hạng về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam hiện đứng thứ 60/125 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện Việt Nam đang thúc đẩy thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đây sẽ là nơi hội tụ chất xám người Việt Nam và tri thức của nước ngoài do Bộ KH&ĐT chủ trì.

Việt Nam, theo Thủ tướng có rất nhiều ngành có tiềm năng cho doanh nghiệp Nhật, trước hết là ngành chế biến chế tạo. "Việt Nam giờ đã là công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày…", Thủ tướng nói.

Ngành nông nghiệp sạch cũng là ngành tiềm năng khi ứng dụng công nghệ cao. Trong năm qua, nông nghiệp luôn được ví như mỏ vàng xuất. Năm 2018, ngành nông nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 40,5 tỷ USD, đứng thứ 15 thế giới. Việt Nam hiện cũng nằm trong top các nước xuất khẩu đồ gỗ nội thất toàn cầu với trên 10 tỷ USD.

Thủ tướng cũng đề cập đến ngành năng lượng, đặc biệt là ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo cần tiếp tục thúc đẩy, kêu gọi đầu tư. Do nhu cầu năng lượng điện ở Việt Nam tăng rất nhanh, bình quân khoảng 10%/năm, chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành điện, trong đó trọng tâm là điện sạch bao gồm cả điện khí, hạn chế tối đa điện than. Ngoài ra, Việt Nam còn hấp dẫn bởi ngành du lịch, bán lẻ…

"Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia. Điều đặc biệt là hội nghị của chúng ta hôm nay diễn ra sau đúng 2 tháng đầu tiên của triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa), hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công cho hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản, Nhật Bản-Việt Nam", Thủ tướng nói.

Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.

T.Công

Theo VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên