MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình nào “nuôi” chợ dân sinh?

Nhiều khu chợ dân sinh trong trung tâm thương mại thực sự đã bị xóa bỏ do không phù hợp.

Chợ Hàng Da là một trong những dự án đầu tiên được Thành phố Hà Nội cho phép chuyển đổi mô hình kinh doanh thành trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp với chợ dân sinh.

Từ nhiều năm nay, chợ dân sinh vốn trước đây luôn tấp nập được đưa xuống tầng hầm B1 của TTTM Hàng Da. Cũng kể từ đó chợ gần như trong tình trạng “đóng băng”. Bà Hoa (tiểu thương tại chợ) nêu nguyên nhân: “Mua mớ rau, miếng thịt, không ai đi vào tận TTTM, gửi xe mất tiền, rồi đi bộ xuống chợ cả. Nên ế là điều dễ hiểu”.

Cũng vì vậy các chợ tạm, chợ cóc bung ra quanh khu chợ Hàng Da chuyển đổi như trên phố Nguyễn Văn Tố, ngõ Yên Thái… đã thay thế hoàn toàn chợ ở TTTM.

Nhiều tiểu thương tại chợ Hàng Da khẳng định: Giờ chỉ ngồi đây làm điểm tập kết hàng hóa, sau đó bán buôn cho các mối quen, nhà hàng, khách sạn.

Cùng giai đoạn năm 2009 - 2016 còn có các khu chợ khác được chuyển đổi mô hình như  TTTM Cửa Nam, TTTM 19/12, TTTM Chợ Mơ, TTTM Vọng Hà… Tất cả đều rơi vào tình cảnh vắng vẻ. Nhiều ban quản lý chợ cho biết, họ đang phải dùng các khoản thu từ các tầng thương mại để bù lỗ cho chợ dân sinh.

Mặc dù hạn chế yếu kém đã được đánh giá. Thế nhưng, đến năm 2018 TTTM Trương Định (quận Hoàng Mai) vẫn tiếp tục khai trương có phần chợ dân sinh tầng hầm B1. Ghi nhận của PV Tiền Phong tại đây, nhiều tiểu thương phản ánh tình trạng ế ẩm khi chuyển xuống đây. “Khách khứa không có, đường cống thoát nước tắc liên tục… cái gì cũng khó khăn, vướng mắc”, một chủ cửa hàng ăn cho hay.

Mô hình nào?

Năm 2012, Hà Nội có Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 của UBND Thành phố phê duyệt Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ (BBBL) trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Năm 2016 có Quyết định số 6239/QĐ-UBND ngày 10/11/2016 phê duyệt bổ sung các dự án TTTM vào Quy hoạch mạng lưới BBBL trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cũng năm này, Hà Nội có Quyết định số 4512/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung danh mục TTTM vào Quy hoạch mạng lưới BBBL trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Hà Nội định hướng sẽ không xây mới chợ dân sinh ở khu vực nội thành và sớm cải tạo các chợ truyền thống thành chợ đa năng. Tuy nhiên, thời gian qua việc chuyển đổi đã không mang lại hiệu quả, trong khi đó Hà Nội vẫn chưa có phương án giải quyết vấn đề này. Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi các chợ truyền thống thành TTTM đã được dừng từ năm 2017. Tuy nhiên, về tương lai hướng đi nào cho các chợ dạng này, vẫn chưa có kế hoạch chuyển đổi nào.

Thời gian tới đây, chính sách miễn thuế của thành phố đối với chợ loại 1 như chợ Hàng Da, chợ Đồng Xuân có thể không còn. Tình trạng quầy bỏ không hiện nay tại chợ Hàng Da chắc chắn sẽ tăng lên chứ không giảm đi.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú (nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội) cho biết, từ thiết kế tới cơ chế vào chợ sau cải tạo còn nhiều khúc mắc, dẫn tới tình trạng chợ hoạt động không hiệu quả, nhiều tầng trên chủ yếu dành cho các “đại gia”, còn tầng hầm buôn bán khó khăn nhất, thiếu ánh sáng và không khí, môi trường kinh doanh không hấp dẫn. Bên cạnh đó là thói quen “gạt chân chống xe mua đồ” của người dân, rất khó để thay đổi.

KTS Ngô Mạnh Tuấn cho rằng, sự bất tiện về không gian chính là yếu tố cản trở sự phát triển của chợ dân sinh trong các TTTM. Vấn đề ở đây là TTTM và chợ dân sinh phục vụ 2 đối tượng khác nhau, do đó việc tạo không gian chung như vậy thất bại.

Nhiều nước đã phải mất nhiều thời gian, chi phí mới khôi phục lại được các chợ dân sinh. “Do đó, việc tìm kiếm một cơ chế mới, đảm bảo cho các hộ kinh doanh cũng như nguồn thu của cả TTTM đang là vấn đề cần bàn sớm”, KTS Tuấn nói.


Theo Trần Hoàng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên