MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Mở khóa' tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của châu Á

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: vietnamnews.vn

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: vietnamnews.vn

Báo Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) đã phối hợp với tờ The Statesman (Ấn Độ) và Korea Herald (Hàn Quốc) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Châu Á: Châu lục Năng lượng Tái tạo” nhằm thảo luận về tương lai cũng như triển vọng phát triển năng lượng tái tạo của các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

 Tọa đàm thu hút sự tham gia của các diễn giả: ông Harald Link, Chủ tịch tập đoàn B. Grimm Power Pcl (Thái Lan); ông Hideki Minamikawa, Giám đốc Trung tâm Vệ sinh Môi trường Nhật Bản và là Giám đốc công ty RENOVA; ông Frank Phuan, Giám đốc điều hành Công ty Sunseap Energy (Singapore); ông Anil Sood, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Chetna tại Ấn Độ.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường nhấn mạnh, châu Á có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, nhưng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu phát triển vẫn còn thấp so với các loại năng lượng truyền thống. Vì vậy, cùng với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, chuyển đổi năng lượng đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với nhu cầu lớn về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo. Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời nhiều nhất trên toàn cầu vào năm 2020.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 39% khu vực ở Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 m/giây, tương đương với công suất 512 gigawatt (GW) và Việt Nam có tiềm năng lớn thích hợp cho các trang trại điện gió lớn.

Để phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo, Cục trưởng Tăng Thế Cường cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc dỡ bỏ các rào cản, bao gồm các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong khâu cấp phép, quản lý các dự án năng lượng tái tạo; từng bước có cơ chế khuyến khích phù hợp với điều kiện của Việt Nam cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các dự án năng lượng gió ngoài khơi, sản xuất hydro, amoniac, các dự án địa nhiệt, năng lượng sóng.

Tại tọa đàm, ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ vai trò của năng lượng tái tạo cũng như những khó khăn trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và đã thu hút đầu tư phát triển nhiều dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và thu hút lao động vào lĩnh vực điện gió và điện mặt trời tại địa phương.

Các diễn giả tham dự Tọa đàm cũng đã đóng góp những kinh nghiệm về chính sách phát triển năng lượng tái tạo của các nước; đồng thời, đề xuất những công nghệ tiên tiến, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác công - tư để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đặc biệt, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, phối hợp chính sách năng lượng nhằm tái phân phối các nguồn lực, giúp khu vực châu Á theo đuổi chiến lược “xanh” thành công và các quốc gia đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 theo lộ trình của từng nước.

Theo Mai Ly

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên