“Mợ không có tài nên mới phải làm quan”
Cho đến hôm nay, những ngày cuối của năm 2016, rất nhiều bậc cha mẹ, ông bà vẫn khuyến khích con cháu hiếu học mà không phải là hiếu làm.
LTS- Có một thực tế đã được cuộc sống đúc kết rằng, chỉ khi thoát khỏi vòng kim cô của một xã hội "trọng sỹ": ham chức tước, ham bằng cấp, ham làm quan thì mới có thể khơi dậy cảm hứng cộng đồng tạo động lực phát triển.
Cuộc sống cũng đúc kết rằng, chỉ khi nào, giá trị công dân được xác định bởi những đóng góp thực tế cho cộng đồng, quốc gia; Chỉ khi nào trí tuệ và nhân cách con người là thước đo phẩm giá thì khi đó quốc gia mới cường thịnh.
Hồi còn nhỏ, chúng tôi (thế hệ 6X) là con cán bộ và luôn cảm thấy đây là đẳng cấp “con ông cháu cha”. Thời đó, trong họ nhà tôi có một vị “phu nhân”, bà làm chức gì to lắm, nghe đâu là đại sứ Việt Nam ở một nước Tây Âu (hình như Tây Đức) thì phải. Ở tuổi vị thành niên, lớp 10, dịp Tết, tôi có nhờ bà hướng nghiệp. Bà nói, đại ý: “Nếu có tài, cháu nên làm nghề gì hữu ích (cho xã hội), mợ không có tài nên mới phải làm quan”.
Tất nhiên, đây là một cách nói của bà trong ngữ cảnh đó (công bằng thì nghề nào cũng có người hay và không hay). Nhưng đây, quả thật là một câu nói động trời đối với một đứa trẻ như tôi vào đầu thập niên 80 (trước đổi mới). Bởi nếu chọn làm nghề thay vì học hành, thi cử để đỗ đạt thành quan (cán bộ) tức là sẽ đi ngược với truyền thống gia đình. Thật khó, nhưng may mắn là tôi đã nghe lời bà.
Vào thời điểm hiện tại, khi bước ra thế giới, tôi thấy ổn. Nhưng cái tiếng “hư”, nỗi xấu hổ (vì tôi không “thành đạt”) vẫn còn đâu đó trong lòng cha mẹ tôi.
Tôi vẫn bị ám ảnh bởi anh mắt của cô nữ hộ sinh vì giấy khai sinh của lũ trẻ nhà tôi khai cha là “nhân dân”, mà không phải là “cán bộ”. Có lẽ nhiều người cũng từng bị ám ảnh như vậy.
Cho đến hôm nay, những ngày cuối của năm 2016, rất nhiều bậc cha mẹ, ông bà vẫn khuyến khích con cháu hiếu học mà không phải là hiếu làm. Học để nhàn thân, học để vinh thân, học để tiến thân.
Câu hỏi học để làm gì: học để làm việc (thực học/ học tập, học hành), học để xin việc (lấy bằng cấp), học để không phải làm việc, hay học để làm quan, vẫn còn bỏ ngỏ đâu đó trong sâu thẳm tiềm thức xã hội.
Lý do giàu có thường khác nhau, song cái nghèo thường chung nguồn gốc; ví dụ các nước gốc thuộc địa Pháp và Tây Ban Nha thường nghèo (bền vững) hơn các quốc gia từng là thuộc địa của Anh. Các nước nghèo, trước khi trở thành thuộc địa, hay lệ thuộc một nước khác cũng đã nghèo rồi. Vùng chúng ta đang sống không phải ngoại lệ.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đã tiên phong “bước qua lời nguyền” bằng tư tưởng khai sáng “Thoát Á Luận” thời kỳ Minh Trị (1868-1912).
Không khuyến khích sự thay đổi, cải cách, áp đặt thang giá trị bất bình đẳng làm thui chột các động lực phát triển, vì vậy, các quốc gia ảnh hưởng Nho giáo đều nghèo với chế độ phong kiến áp chế kéo dài nhiều thế kỷ.
Theo Lý Quang Diệu: “Khi nói Đông Á tôi nói Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam vốn là sự pha trộn giữa văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ”.
Thừa nhận như một tiền đề, có thể nói, Việt Nam là một phiên bản Đông Á còn Singapore là một phiên bản Anglo-Saxons (nói tiếng Anh, sử dụng thông luật thuần Anh) trong khu vực Đông Nam Á.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nước Đông Á đều nghèo. Nhật Bản đã đi tiên phong trong việc “bước qua lời nguyền” bằng tư tưởng khai sáng “Thoát Á Luận” thời kỳ Minh Trị (1868-1912). Thoát Á, thực chất là cải cách triệt để, là Đổi Mới từ gốc tới ngọn.
Fukuzawa Yukichi phê phán lối học hủ lậu từng ám ảnh xã hội Nhật hơn một thế kỷ trước thế này, "Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức". Nếu soi chiếu điều này vào xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện nay sẽ thấy chúng ta đang ở sau láng giềng xa đến thế nào.
Hàn Quốc cũng vượt qua chúng ta từ lâu. Hơn 50 năm trước, Tổng thống Park Chung Hee đã thúc đẩy tinh thần “hiếu làm” trong toàn xã hội. Ông chỉ đạo: “Toàn dân phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm (từ tháng 7/1961), phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn… Hôm nay, có thể một số người dân bất đồng ý kiến với tôi, nhưng xin hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra”.
Trung Quốc cũng đã “thoát Á” với tư duy: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”.
Trung Quốc đã mở cửa thị trường tài chính rất sớm gián tiếp qua các đặc khu kinh tế Thâm Quyến và đặc khu hành chính Hồng Công. Các đặc khu này đóng vai trò như những cái van an toàn, van một chiều cung cấp nguồn vốn giá rẻ cho Trung Quốc.
Với láng giềng Trung Quốc cũng vậy. Quốc gia này thoát khổ nhờ kiên nhẫn chiết xuất từ những nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia Đông Á khác như Nhật Bản (tinh thần “Thoát Á”, thực tế Mỹ, kỷ luật Đức), Hàn Quốc (sao chép, gia công, xuất khẩu), Mỹ (bộ máy, quản trị quốc gia), Singapore (chế xuất tập trung, thị trường tài chính) và sau đó là thông luật Anh. Cải cách mở cửa của Trung Quốc là một quá trình chuẩn bị có thể nói rất công phu. Không phải từ dưới lên mà từ trên xuống với phương châm “chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện nhanh chóng”.
Giờ hãy nhìn lại mình. Chúng ta lúc này vẫn loay hoay chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, khó khăn vẫn chồng chất?
Nhìn lại hành trình 30 năm qua, chúng ta đã có những thành công sau Đổi Mới, tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn, vẫn đứng sau láng giềng với khoảng cách rất xa. Chỉ riêng chuyện “học” cũng đã đủ để minh chứng cho thực tế này.
Sự háo danh, háo chức đều dẫn đến thực trạng hư học (học không để làm gì) và học hư (mưu mô thủ đoạn để tiến thân, làm giàu bất chính).
Như đã phân tích, với tinh thần “trọng sỹ”, chúng ta đã dành quá nhiều ưu đãi cho tầng lớp trí thức (có bằng cấp) và cán bộ (có chức, có quyền) dẫn đến kết quả trái ngược. Thay vì là một lực lượng tiên phong trong công cuộc đổi mới lại trở thành những gánh nặng nợ công, tệ hơn là cản trở cải cách hoặc khiến công cuộc đổi mới đi chệch hướng.
Các đơn vị sự nghiệp, viện nghiên cứu thuộc bộ ngành, hay xa hơn nữa là các viện hàn lâm vẫn giữ nguyên về hệ thống, mô hình không có gì thay đổi so với 30 năm trước. Hành chính hóa, công chức hóa lực lượng này đã tạo ra tầng lớp “siêu công chức”, “viện sỹ trọn đời” thiếu động lực, thiếu cạnh tranh, nơi còn được gọi là “nhà trẻ bộ ngành” hay “não của bộ ở sân sau” đã làm cho sự suy thoái (tự nhiên) về năng lực và trình độ.
Trên diễn đàn và các thảo luận công khai, ai cũng biết thiếu cạnh tranh sẽ dẫn đến chất lượng tư vấn chính sách hoặc lạc hậu hoặc xa rời thực tiễn; Ai cũng biết sự biệt đãi không chỉ tạo ra những đặc quyền đặc lợi mà còn là môi trường cho “các nhóm siêu lợi ích” ngốn rất nhiều ngân sách cho các sản phẩm vô bổ mà thực sự chưa được kiểm soát.
Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức"- Fukuzawa Yukichi (1835-1901)
Bài học phát triển của các quốc gia Đông Á dù bắt đầu bằng “trọng thương” như Nhật Bản, “trọng công” như Hàn Quốc, “trọng tài” như Trung Quốc về bản chất là “Thoát Á” là Thoát Nho”, loại trừ các ảo tưởng, hư đạo, hư danh, hư học.
Nhìn ra thế giới, rồi nhìn lại chính mình sẽ không khó để thấy bí quyết phát triển thành công chỉ đơn giản là tạo ra một xã hội bình đẳng “trọng nhân” thực quyền, thực học, và thực làm.
Chúng ta sẽ phát triển bền vững chỉ khi nào giá trị công dân được xác lập bởi những đóng góp thực tế cho cộng đồng, quốc gia; Chỉ khi nào trí tuệ và nhân cách con người, chứ không phải chỗ đứng, chỗ ngồi, được lấy làm thước đo phẩm giá; Chỉ khi nào giới trí thức, công chức, các nhà lãnh đạo của một chính phủ liêm chính, kiến tạo luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới.
Thì khi đó con đường để chúng ta đuổi kịp láng giềng sẽ rất hanh thông.
Vietnamnet