MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở rộng cánh cửa giải ngân đầu tư công

Bảo đảm nguồn vật liệu đắp nền nhằm đẩy nhanh tiến độ các đường vành đai, cao tốc... là công tác quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công tại TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.

Ngày 20-9, có mặt tại nhiều địa điểm thi công đường Vành đai 3 TP HCM, phóng viên cảm nhận không khí làm việc ở những nơi này nhộn nhịp. Nhiều hạng mục định hình, trong đó đoạn giao Quốc lộ 22, gói thầu XL7 đã hoàn tất các mố trụ cầu.

Cát đang "chảy" về Vành đai 3

Đường Vành đai 3 TP HCM dài trên 76 km, vốn đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng. Dự án đi qua 4 địa phương TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An này có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe cao tốc, vận tốc cho phép 100 km/giờ; đường song hành hai bên vận tốc cho phép 60 km/giờ...

Chia sẻ về tiến độ toàn dự án, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông - chủ đầu tư), cho biết đến cuối tháng 8, 20/21 gói thầu xây lắp chính của dự án thành phần đã triển khai. Tới nay, 17% tổng khối lượng hoàn thành, những gói thầu còn lại phục vụ khai thác, vận hành dự kiến triển khai từ cuối năm 2024.

Đánh giá chung thì tiến độ cơ bản bảo đảm theo kế hoạch. Về khó khăn, lớn nhất là việc tìm nguồn cát đắp nền cho dự án với khoảng 9,2 triệu m3, trong đó năm 2024 cần hơn 6 triệu m3. 

Để giải quyết vấn đề, tổ công tác vật liệu TP HCM cùng chủ đầu tư đã làm việc với tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre hoàn thiện các thủ tục cấp phép những mỏ phục vụ dự án. Tới hiện tại có 1/16 mỏ được cấp phép, những mỏ tiếp theo hoàn thành thủ tục và cấp cát cho dự án trong năm nay.

"Song song đó, chủ đầu tư, nhà thầu chủ động tìm kiếm nguồn cát đắp khác bảo đảm tiến độ dự án. Với tổng trữ lượng 16 mỏ, khó khăn về nguồn cát san lấp được giải quyết" - vị đại diện thông tin.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, xác nhận nguồn cát hỗ trợ từ các địa phương đang chuẩn bị chuyển về TP HCM phục vụ dự án Vành đai 3 TP HCM.

Mở rộng cánh cửa giải ngân đầu tư công- Ảnh 1.

Công trường tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: VÂN DU

Nhà thầu linh hoạt

Tại Bình Dương, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương, cho biết để bảo đảm tiến độ dự án Vành đai 3 TP HCM đi qua địa bàn, chủ đầu tư linh động dùng vật liệu thay thế. 

Trong 3 gói thầu xây lắp, các gói thầu xây lắp 1, 2 sử dụng vật liệu đắp nền đường bằng đất, riêng gói thầu xây lắp 3 thì dùng cát vì địa chất đoạn qua đây, từ Bình Chuẩn ra sông Sài Gòn, nằm trên vùng đất yếu, thường xuyên ngập nước.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc điều hành dự án gói thầu xây lắp 3, tính toán nhu cầu cát san lấp 600.000 m3. Ngoài lượng cát trong nước, đơn vị thi công nhập khẩu cát từ Campuchia, vấn đề là giá nhập khẩu cát từ thị trường này cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu. 

"Đơn vị thi công đang làm việc với 3 nơi cung cấp nguồn cát từ Campuchia để đẩy nhanh tiến độ cung cấp. Trước tình hình khó khăn về nguồn cát, đơn vị thi công mong muốn tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi để bảo đảm tiến độ thực hiện gói thầu theo kế hoạch hợp đồng" - ông Công cho hay.

Theo tìm hiểu, quá trình thực hiện dự án, nhiều nhà thầu đã linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn cát đắp nền. Như nhà thầu Hàn Quốc làm cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án Vành đai 3 TP HCM) đã chấp nhận mua cát từ Campuchia với giá cao hơn 50% để đầy nhanh tiến độ dự án.

Mở rộng cánh cửa giải ngân đầu tư công- Ảnh 2.

Gói thầu XL7 của Vành đai 3 TP HCM đã hoàn tất các mố trụ cầu. Ảnh: THU HỒNG

Các địa phương tăng tốc

Không chỉ TP HCM, Bình Dương, việc bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ các đường vành đai, cao tốc là công tác quan trọng được nhiều địa phương đẩy nhanh. 

Tỉnh Sóc Trăng vừa bàn giao 5 mỏ cát sông để nhà thầu khai thác khoảng 6,6 triệu m3 phục vụ dự án trọng điểm, trong đó có dự án đường cao tốc qua địa phương. Đối với cát biển, UBND tỉnh này cấp giấy xác nhận để khai thác 2 mỏ với trữ lượng gần 5,5 triệu m3. Đến nay, nhà thầu khai thác được hơn 80.000 m3.

  • Chỉ đạo “nóng” của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

Ngoài ra, theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) giai đoạn 1 có tổng chiều dài 26,6 km, tổng mức đầu tư trên 6.100 tỉ đồng cần khoảng 3,1 triệu m3 cát. 

Để dự án thông suốt, BQL Dự án Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu mỏ cát cho đơn vị tư vấn thăm dò khảo sát; chỉ đạo cơ quan liên quan sớm cung cấp thông tin mỏ cát dự kiến bố trí cho dự án để đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát và hoàn thiện hồ sơ khảo sát vật liệu.

UBND tỉnh Vĩnh Long cũng vừa phê duyệt trữ lượng 9 mỏ cát trên địa bàn tỉnh (hơn 3,4 triệu m3) nhằm khai thác phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia và của địa phương. Trong những công trình này có dự án đường cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. 

Mở bến đón vật liệu

Nói về dự án Vành đai 3 TP HCM, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, thông tin Sở GTVT đã lập 2 tổ công tác hướng dẫn các địa phương có dự án đi qua về quy trình, thủ tục mở 39 bến tập kết vật liệu cát dọc hành lang sông, rạch khi nguồn cát từ các tỉnh chuyển về. Theo ông An, đến nay có 24/39 bến được cấp phép hoạt động tạm.

Nêu quan điểm về dự án, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi khẳng định Vành đai 3 TP HCM có tầm quan trọng rất lớn cho sự phát triển của địa phương cũng như vùng Đông Nam Bộ. Ông Lợi đề nghị các đơn vị bảo đảm tiến độ theo tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Mở rộng cánh cửa giải ngân đầu tư công- Ảnh 3.

Khu vực công trường Vành đai 3 TP HCM đoạn qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: THANH THẢO


Theo THU HỒNG - NGUYỄN THẢO - TÂM QUÂN

Người lao động

Trở lên trên