MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung ương thống nhất làm tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h, ngày khởi công dự án 70 tỷ USD đến gần?

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam.

Đường sắt tốc độ cao chạy tốc độ 350km/h

Chiều tối ngày 20/9, Văn phòng Trung ương Đảng đã phát đi thông báo về Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18 đến ngày 20/9 tại Thủ đô Hà Nội.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại kỳ họp này là Trung ương đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo đó, Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư Dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Trung ương thống nhất làm tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h, ngày khởi công dự án 70 tỷ USD đến gần?- Ảnh 1.

Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại Thủ đô Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư Dự án.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình rất quan trọng và cần thiết

Vào ngày 18/9, Bộ Chính trị cũng đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và đưa ra kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.

Mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.

Việc xây dựng tuyến đường sắt này sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trung ương thống nhất làm tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h, ngày khởi công dự án 70 tỷ USD đến gần?- Ảnh 2.

Tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh, thành phố - Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Đường sắt tốc độ cao được xây dựng sẽ bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics.

Ngoài ra, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trung ương thống nhất làm tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h, ngày khởi công dự án 70 tỷ USD đến gần?- Ảnh 3.

Tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) - Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Chia sẻ trên báo Dân Việt hồi đầu tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là khát khao chính đáng mà bất cứ quốc gia, người dân nào cũng mong muốn để hạ tầng giao thông vượt lên một tầm cao mới, hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu của người dân và nền kinh tế.

Đối với nguồn vốn đầu tư lớn khó có thể huy động được, Thứ trưởng Huy nhấn mạnh: "Với dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 65 - 70 tỷ USD, việc bố trí vốn dự kiến thực hiện trong khoảng 12 năm". Với vị thế và tiềm lực của Việt Nam hiện nay, theo ông Huy thì thời điểm đầu tư đường sắt tốc độ cao của Việt Nam "đã chín muồi".

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với cấu trúc đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, và hạ tầng được thiết kế cho tốc độ tối đa đến 350km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ USD.

Qua quá trình nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức có kinh nghiệm trong và ngoài nước, tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ khởi hành từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố, và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).

Toàn tuyến sẽ có 23 ga phục vụ hành khách, với khoảng cách trung bình giữa các ga là 67km, cùng với 5 ga hàng hóa được đặt tại các khu vực giao thương chính.

Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh - Nha Trang, dài khoảng 899km, dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030, và mục tiêu phấn đấu hoàn thiện toàn bộ tuyến đường vào năm 2035.

Theo Trang Anh

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên