MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mọi dự báo đều tích cực, tại sao cổ phiếu chứng khoán không nổi sóng?

Mặc dù những dự báo đưa ra đều tích cực nhưng cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn khá rụt rè và không tham gia vào đợt sóng nào. Đặc biệt từ cuối tháng 3, nhóm này còn có xu hướng đi xuống.

Kết thúc quý 1, bước sang tháng 4, thông thường nhà đầu tư bắt đầu “ngóng” nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán với kỳ vọng về kết quả kinh doanh, nhất là khi thanh khoản thị trường tốt hơn cùng kỳ.

Dù dự báo một bức tranh sáng lạn, sóng vẫn không nổi lên ở cổ phiếu chứng khoán

Trong quý 1 năm nay, giá trị giao dịch bình quân của toàn thị trường tăng 15,7% so với cùng kỳ, chủ yếu xuất phát từ nhà đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, cho vay margin tăng đáng kể với tiền từ ngân hàng cho vay đóng một vai trò quan trọng. Theo quan sát của CTCK HSC, dư nợ cho vay margin vào thời điểm giữa tháng 4 đang cao gấp đôi cùng kỳ, lý do là các CTCK có vốn dồi dào sau khi phát hành trái phiếu chuyển đổi vào năm ngoái.

Chính vì thế, CTCK HSC đánh giá, triển vọng quý 1 của các CTCK khá tích cực. Đặc biệt, top 3 các CTCK đứng đầu giành thêm được thị phần.

Mặc dù những dự báo đưa ra đều tích cực nhưng có thể thấy, dù các nhóm cổ phiếu thay phiên nhau nổi sóng nhưng cổ phiếu ngành chứng khoán vẫn khá rụt rè và không tham gia vào đợt sóng nào. Đặc biệt từ cuối tháng 3, nhóm này còn có xu hướng đi xuống.

Sự phân hóa trong kết quả kinh doanh

Đến cuối tháng 4, các công ty chứng khoán lần lượt công bố kết quả kinh doanh. Một số công ty có kết quả kinh doanh rất khả quan như CTCK HSC (mã: HCM) ghi nhận tổng doanh thu trong quý 1 là 166,4 tỷ đồng, tăng 26% so với quý 1/2015 và lợi nhuận sau thuế đạt 64,7 tỷ đồng, tăng mạnh gần 40% so với quý 1/2015. CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã: BSI) ghi nhận tổng doanh thu hoạt động tăng 22% so với cùng kỳ, đạt gần 93,5 tỷ đồng và 17,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2016 – tăng 130% so với cùng kỳ. Chứng khoán Công thương (CTS) đạt 44 tỷ đồng doanh thu - tăng 36% so với cùng kỳ năm 2015 và 19 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng 70%...

Chứng khoán Sài Gòn (SSI) xin gia hạn báo cáo hợp nhất nhưng hé lộ lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1/2016 của công ty dự kiến đạt 170 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chứng khoán Bảo Việt (BVS) giảm 17% doanh thu và giảm 47% lợi nhuận so với cùng kỳ. Chứng khoán VNDirect tăng trưởng mạnh về doanh thu nhưng lãi ròng giảm 29%...

Điều đó cho thấy có sự phân hóa giữa các công ty chứng khoán, đặc biệt là sau tác động của thông tư 07.

Làn sóng tái cơ cấu thứ 2 là nguyên nhân

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm kinh tế Vĩ mô và thị trường, CTCK BSC cho rằng, các công ty chứng khoán đang bước vào làn sóng tái cơ cấu lần thứ 2. Lần thứ nhất, do những đào thải của thị trường, các công ty chứng khoán đã phải giải thể hoặc sáp nhập với nhau để tăng vốn điều lệ, bù lỗ lũy kế…

Đây là lần thứ 2, làn sóng tái cơ cấu nổi lên sau khi các nhà quản lý ban hành những chính sách mới để tiếp tục thanh lọc thị trường. Kim Long (KLS) đã thông qua quyết định giải thể. Một số công ty chứng khoán nhỏ lại tiếp tục tìm đến sáp nhập với nhau. Các công ty chứng khoán lớn có nguồn vốn dồi dào được hưởng lợi hơn do những chính sách khắt khe mới.

Và hầu như các công ty chứng khoán đều tính toán đến phương án tăng vốn.

Theo ông Khoa, thông thường khi một ngành đang trong quá trình tái cơ cấu thì cổ phiếu khó nổi sóng, bởi các cổ đông lớn đang “bận” thực hiện các thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu, giải quyết tình hình tài chính của công ty… Bên cạnh đó, để có sóng, phải có cổ phiếu dẫn sóng nhưng trong cuộc chơi tháng 4 năm nay, những cổ phiếu đứng đầu ngành như SSI, HCM đã không có câu chuyện hay để kể.

Tú Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên