Môi giới bất động sản có nguy cơ bỏ nghề khi thị trường trầm lắng
Ảnh minh họa.
Từng ồ ạt bỏ nghề lao vào làm "cò đất" với giấc mơ đổi đời, thế nhưng khi thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm, những môi giới bất động sản này đang phải chật vật tìm kế sinh nhai.
- 18-07-2022Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang trên đà phục hồi tốt, nếu không có vốn thì sẽ mất cơ hội
- 18-07-2022Tình trạng “bất động” của nhà đầu tư trên thị trường bất động sản
- 18-07-2022Không khí trầm lắng đang bao trùm thị trường địa ốc
Trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản chứng kiến những cơn sốt đất từ Bắc vào Nam. Người người nhà nhà đổ xô đi buôn đất và nghề môi giới bất động sản lên ngôi khi được cho là nghề “hái ra tiền”. Thực hư "hái" ra bao nhiêu thì không rõ nhưng người nọ đồn người kia khiến cho nhà nhà đổ xô đi làm môi giới. Không ít người mơ đến lương tháng vài trăm triệu đồng/tháng mà sẵn sàng bỏ nghề chính để đi làm “cò” đất.
Thế nhưng, đến khi cơn sốt đất đi qua, thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, thanh khoản sụt giảm, những môi giới tay ngang gặp khó. Nhiều người đã phải gác lại giấc mơ đổi đời từ nghề môi giới đất chuyển sang những nghề khác để có đồng ra đồng vào nuôi sống bản thân và gia đình.
Anh Nguyễn Thanh Lam (Hà Nội) vốn là một nhân viên kế toán tại một công ty ở Hà Đông, Hà Nội với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng. Trong lúc đang chán cảnh làm văn phòng, anh được người bạn rủ chuyển sang làm môi giới bất động sản cho một sàn có tiếng tại Hà Nội. Bước vào nghề đúng lúc thị trường hưng phấn, thời gian đầu, đội môi giới của anh liên tục chốt được các lô đất nền ở Phú Xuyên. Vì thế, tổng thu nhập của anh có những tháng lên tới gần trăm triệu đồng.
Thế nhưng 3-4 tháng nay, thị trường dần giảm nhiệt. Khách mua không thấy đâu hoặc có thì cũng rất khó xuống tiền. Vì thế, mấy tháng nay, anh Lam không bán được lô nào trong khi vẫn phải bỏ tiền ra chạy quảng cáo, đăng tin.
“Tôi đang phải bóc lương khô mà sống. Với tình trạng thế này, không chắc là tôi còn trụ được với nghề. Nếu thị trường không khởi sắc thì tôi phải bỏ công việc này mà đi kiếm nghề khác”, anh Lam chia sẻ.
Không riêng gì anh Lam, hiện nay nhiều môi giới ở các tỉnh từng sốt đất cũng đã quay lại với nghề cũ hoặc tìm những công việc mới cho mình.
Cúng giống như anh Lam, chị Nguyễn Tuyết (Bắc Ninh) cũng đã bỏ nghề may để chuyên tâm đầu tư cộng với môi giới đất. Theo chia sẻ của chị Tuyết, đợt sốt đất vừa qua chị mua đi bán lại cũng lãi được một khoản kha khá cộng với khoản hoa hồng môi giới tính ra thu nhập mỗi tháng của chị Tuyết lên đến vài trăm triệu.
"Người ta hay nói vui, làm lụng cả năm không bằng tiền lời lô đất, câu này đúng với lúc thị trường sốt. Nhưng khi cơn sốt qua đi, nếu ai không nhanh chân rút thì khốn khổ. Lúc thị trường nóng, tôi mua đi bán lại chỉ sau đó dăm bữa nửa tháng lãi vài trăm triệu nhưng khi thị trường chững đăng bán mấy tháng mà không có ai hỏi mua.
Tiền của chôn hết vào đất, đất thì không bán được, may là tôi vẫn còn giữ lại một khoản phòng thân nên vẫn còn tiền chi tiêu. Giờ, tôi cũng không thể quay lại với nghề cắt may vì bỏ làm đã lâu. Tôi tính bỏ ra ít vốn đầu tư mở một quán nước nhỏ ngay tại nhà”, chị Tuyết chia sẻ.
Không thể phủ nhận, đất đai là một loại hình đầu tư sinh lời, thậm chí lời rất nhiều, để không cũng tăng giá trị. Bởi lý do này mà nhiều người đổ xô đi buôn đất, canh thời điểm để đầu tư, kiếm lời. Nhưng khi thị trường hạ nhiệt cũng là lúc không ít người rời bỏ thị trường.