MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mối lo độc quyền khi duy nhất 1 doanh nghiệp sản xuất ethanol trong nước

Sau nhiều kỳ liên tiếp giữ giá, vừa qua giá các mặt hàng xăng dầu đều được điều chỉnh tăng ở mức trên 300 đồng/lít.

Cùng với diễn biến “nóng” của giá xăng dầu thế giới, thị trường trong nước càng có nguy cơ “nóng hơn” khi mới đây, đại diện một đơn vị kinh doanh đầu mối xăng dầu lớn của cả nước cho biết giá nguyên liệu phối trộn xăng E5 trong nước có thời điểm cao hơn giá nhập khẩu tới 800 đồng/lít.

Trong khi đó, cả nước chỉ có duy nhất 1 đơn vị cung cấp nguyên liệu này. Có vẻ như mối lo “độc quyền” mà các chuyên gia dự báo càng có cơ sở.

Mua ethanol E100 trong nước hay nhập khẩu đều phải bán giá cao

Bên lề hội nghị tuyên truyền về phát triển và sử dụng nhiên liệu sinh học tổ chức hôm 13.9 vừa qua, Phó TGĐ PV Oil - ông Lê Xuân Trình đã cung cấp một thông tin “rúng động”: Giá sắn - loại nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ethanol E100 ở Việt Nam đang ở mức giá rất cao - là nguyên nhân đẩy giá sản xuất ethanol trong nước tăng, khiến cho giá ethanol trong nước cao hơn từ 700 - 800 đồng/lít so với ethanol nhập khẩu.

Trong khi đó, hàng loạt dự án sản xuất ethanol trong nước vẫn đang đình trệ chưa đi vào hoạt động để cung cấp ổn định lượng nguyên liệu phối trộn sản xuất xăng E5. Cho tới lúc này, vẫn chỉ có duy nhất 1 đơn vị là Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp nguyên liệu ethanol. 

Với năng lực của đơn vị này, lượng ethanol cung cấp tối đa cũng chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu, cùng với biến động giá tăng, khiến nguồn cung ethanol trong nước vừa hạn chế lại vừa đắt đỏ, buộc một số đơn vị kinh doanh xăng dầu phải nhập khẩu ethanol E100 từ nước ngoài về phối trộn để đủ lượng xăng cung ứng ra thị trường.

Đơn cử như trường hợp của PV Oil hiện đang phải nhập khẩu tới 60% ethanol E100, mức giá nhập khẩu cũng thấp hơn 800 đồng/lít so với giá sản xuất trong nước. Với bài toán kinh tế thị trường, ở đâu giá rẻ thì doanh nghiệp có quyền mua mà không nhất thiết phải “cứu trợ” mua hàng trong nước. 

Tuy nhiên, điểm hạn chế là nếu muốn nhập ethanol E100 từ nước ngoài thì phải nhập khẩu với số lượng lớn, làm tăng chi phí vận chuyển và khiến doanh nghiệp mất khoản vốn rất lớn dành cho lưu động xoay vòng so với việc mua ethanol từ trong nước.

Doanh nghiệp trong nước vẫn “một mình một chợ”

Trước đó, hồi đầu năm 2018, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về việc nếu không thúc đẩy các dự án sản xuất nguyên liệu ethanol đi vào hoạt động để cung ứng cho thị trường thì nguy cơ độc quyền rất dễ xảy ra nếu chỉ có duy nhất một mình Công ty TNHH Tùng Lâm “một mình một chợ”.

Thời điểm đó, TS Ngô Trí Long từng nhận định: “Nếu chạy hết công suất nhà máy, Công ty TNHH Tùng Lâm có thể cung cấp sản lượng 200.000m3/năm, với sản lượng này, giá thành sản xuất ethanol của Việt Nam cao gần gấp rưỡi so với các nước như Mỹ, Brazil”.

Mặc dù giá ethanol ở nước ngoài rẻ hơn nhưng việc nhập khẩu ethanol khiến các doanh nghiệp phải chịu mức thuế khá cao, cùng với các chi phí vận chuyển, kho bãi lưu giữ hàng, bị chiếm dụng vốn lớn vì phải xuất tiền mua lượng hàng lớn để dành… đẩy doanh nghiệp vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì mua ethanol trong nước giá cao, mua của nước ngoài tăng thêm chi phí…

Tính đi tính lại, tất cả đều đổ vào giá thành và người tiêu dùng phải gánh chịu. TS Ngô Trí Long nhận định giá xăng E5 có biến động hay không, tăng cao hay không là phụ thuộc vào giá ethanol. Vậy làm sao để có giá ethanol cạnh tranh thực sự, không thể để độc quyền. Trong khi đó, khi được hỏi, đại diện Công ty TNHH Tùng Lâm không muốn bình luận về vấn đề này.

Trong khi các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu, thậm chí cả đại diện của Công ty TNHH Tùng Lâm từng cho rằng ethanol chỉ chiếm 5% thành phần xăng E5 nên giá ethanol dù có tăng cũng không đáng kể trong giá thành của xăng E5. Nhưng sự thực là lượng xăng E5 tiêu thụ ngày càng có xu hướng tăng, và 5% của hàng triệu tấn xăng E5 mỗi năm lại là số lượng rất lớn.

Rõ ràng cần phải kiểm soát giá mặt hàng này, đồng thời cần có cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh trường hợp doanh nghiệp tăng giá vì lý do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt.

Theo Ngọc Vân

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên