MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mọi người đều nghĩ, muốn thành công phải “tìm được chính mình” nhưng các triết gia Trung Quốc thì khuyên điều ngược lại

22-04-2017 - 09:56 AM | Sống

Sau khoa học máy tính và kinh tế, triết học Trung Quốc là môn học tự chọn phổ biến thứ 3 tại trường đại học Harvard. Tìm hiểu những tư tưởng của các triết gia Trung Quốc bạn sẽ lí giải được điều này.

Michael Puett là một trong những giáo sư về văn hóa Trung Quốc nổi tiếng ở trường đại học Harvard, Mỹ. Ông và người cộng sự Christine Gross-Loh cùng thực hiện đề tài nghiên cứu về triết học Trung Quốc và hoàn thành cuốn sách The Path: What Chinese Philosophers Can Teach Us About the Good Life (Đạo: Những điều triết gia Trung Quốc dạy chúng ta về cuộc sống tươi đẹp).

Trong một loạt bài báo về nghiên cứu triết học Trung Quốc của mình trên Guardian.com, giáo sư Michael Puett đã khẳng định: Sau khoa học máy tính và kinh tế, triết học Trung Quốc là môn học tự chọn phổ biến thứ 3 tại trường đại học Harvard. Điều đó có nghĩa là các bài giảng về Khổng Tử, Mạnh Tử... và các tư tưởng của họ thu hút sự quan tâm của rất nhiều sinh viên tại trường đại học danh tiếng nhất thế giới này.

Vì sao những người xuất sắc như sinh viên Harvard lại có mối quan tâm đặc biệt đến vấn đề triết học Trung Quốc như vậy?

"Thời gian đầu Công nguyên, xã hội loài người cũng hỗn loạn tương tự thời đại ngày nay", theo giáo sư Michael Puett. Thời đại thú vị này đã thúc đẩy những nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Quốc như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử... phát triển những triết lý sâu sắc nhất.

Những nhà thông thái, triết gia vĩ đại nhất trên thế giới và Trung Quốc đều xuất hiện cùng những biến cố lịch sử. Không giống các triết gia phương Tây, các nhà tư tưởng của Trung Quốc không đặt ra những câu hỏi lớn lao, tư tưởng của họ là triết lý của thực tiễn dựa trên những khía cạnh nhỏ bé: Cuộc sống hàng ngày của bạn thế nào? Họ tập trung vào "thế giới và tính khả thi".

Điều đó làm cho những triết lý của họ sâu sắc và đặc biệt phù hợp với thực tế. Đó cũng là lí do sinh viên Harvard đổ xô đi học triết học Trung Quốc.

Dưới đây là một vài ví dụ đáng ngạc nhiên về triết lý của các nhà tư tưởng vĩ đại nhất Trung Quốc mà tác giả Michael Puett đúc rút trong nghiên cứu của ông:

1. Đừng cố gắng "tìm thấy chính mình"

Nhiều người ở phương Tây tin rằng "điều quan trọng nhất là hãy nhìn vào bên trong và khám phá ra bạn thực sự là ai, đó mới chính cái tôi thực sự của bạn", theo Puett và Gross-Luh. Các triết gia vĩ đại nhất của Trung Quốc sẽ không đồng ý với điều này. Họ "hoài nghi về sự tồn tại của một bản ngã thực sự, đặc biệt trong những điều trừu tượng".


Các triết gia Trung Quốc hoài nghi về sự tồn tại của một bản ngã thực sự.

Các triết gia Trung Quốc hoài nghi về sự tồn tại của một bản ngã thực sự.

Thay vì cho rằng mỗi người đều sở hữu một cái tôi, các nhà tư tưởng Trung Quốc tin rằng chúng ta là những cá thể khác nhau trong những tình huống khác nhau.

"Bạn cư xử khác nhau khi nói chuyện với mẹ, khi giao tiếp với đồng nghiệp, với nha sĩ hay một người bạn thân. Mỗi chúng ta là một người phức tạp đang cố gắng để chống chọi với các sinh vật phức tạp khác", các nhà nghiên cứu giải thích.

Về cơ bản, những hành động của bạn quyết định bạn là ai. Mỗi chúng ta đều có thể trở thành những điều mà chúng ta có khả năng.

2. Tính xác thực được đánh giá quá cao

Ngày nay, tính xác thực là một thuật ngữ thông dụng, được nhắc đến trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, nhưng các triết gia Trung Quốc thì không bị "mê hoặc" bởi ý tưởng này.

Trong Nho giáo, vấn đề tính xác thực được xác định theo cách mà chúng ta hiểu nó. Cái tôi "xác thực" mà bạn nghĩ rằng bạn khám phá ra chỉ là hình ảnh của bạn tại khoảnh khắc đó. Nếu bạn tin tưởng nó và để nó định hướng, nó sẽ giới hạn bạn.

Khi bạn nhận ra bản thân đang thay đổi, nó không cho phép bạn trải nghiệm sự phát triển đó.

3. Bỏ qua việc lên kế hoạch cuộc đời

"Khi bạn lên kế hoạch cho cuộc đời mình, bạn đưa ra quyết định dựa vào con người hiện tại chứ không phải con người bạn muốn trở thành trong tương lai", các tác giả nhấn mạnh.

Thay vì giới hạn lựa chọn của bản thân bằng một kế hoạch cụ thể, Mạnh Tử (một triết gia Trung Quốc) khuyên bạn: Hãy cứ bắt đầu hành động và điều chỉnh bản thân theo quá trình. Hành động nhỏ sẽ góp phần làm nên thành tựu lớn.

Thay vì ép bản thân với những cam kết lớn lớn, các triết gia Trung Quốc khuyên bạn tiếp cận vấn đề từ khía cạnh nhỏ và có tính khả thi. Khi bạn đang phân vân trước lựa chọn công việc, mối quan hệ hay sự di chuyển, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn xem xét chúng từ khía cạnh nhỏ. Tập trung vào phản ứng của bạn trước những trải nghiệm, bởi chúng sẽ dẫn bạn theo một hướng hoàn toàn mới, theo hai tác giả Puettt và Gross-Luh.

Nội dung nghiên cứu của hai tác giả đã mang lại một cái nhìn sâu sắc về ý tưởng của các nhà triết học Trung Quốc, nó cũng là lời khuyên đáng ngạc nhiên cho mỗi chúng ta trong xã hội hiện đại.

Mỗi chúng ta là những sinh vật phức tạp và liên tục bị tác động theo nhiều hướng khác nhau. Bằng cách tương tác, phản ứng và trải nghiệm, mỗi hành động nhỏ đều giúp bạn biến chuyển và làm thế giới tốt đẹp hơn.

Thu Hoài

INC

Trở lên trên