Mỗi người Việt gánh gần 30 triệu đồng nợ công, Ngân hàng Thế giới cho rằng vẫn an toàn
Mặc dù nợ công sắp chạm trần quy định song các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng trả 100% nợ công hiện nay.
- 05-04-2016Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Đừng lo ngân sách bị sốc vì nợ công
- 02-04-2016Vietnam Airlines chuyển từ mua sang thuê tàu bay để giảm nợ công
- 30-03-2016Giữ an toàn nợ công, đầu tư phải hiệu quả
- 23-03-2016Gánh nặng gần 250.000 tỷ đồng trả và đảo nợ năm 2016, nợ công sẽ căng thẳng trong 10 năm tới
- 23-03-2016Không còn được vay ODA, Chính phủ muốn địa phương chia sẻ rủi ro nợ công
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng nay, các chuyên gia WB đã có những đánh giá về tình hình quản lý tài chính và nợ công của Việt Nam.
Mặc dù nhận định kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, với nhiều triển vọng tăng trưởng và thúc đẩy thương mại và đầu tư trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, ngân sách, thâm hụt tài khóa và nợ công là những vấn đề quan ngại nhất mà WB đặt ra đối với Việt Nam.
Thâm hụt của Việt Nam lớn hơn hầu hết các nước trong khu vực
Báo cáo của WB nhận định: Thâm hụt tài khóa đạt 6,5% GDP trong năm 2015 là kết quả của giảm thu và tăng chi đầu tư cơ bản và chi thường xuyên. Yếu tố này đã làm cho áp lực tài khóa tăng lên. Ước tính nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh đạt mức 62,5% GDP năm 2015.
Theo ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, thâm hụt tài khóa của Việt Nam không những diễn ra trong những năm vừa qua, mà trong trung hạn cũng sẽ như vậy. Vị này cũng thông tin, nếu so sánh với các nước khác trong khu vực, thì thâm hụt của Việt Nam lớn hơn hầu hết các nước.
Mặc dù vậy, khi nhận xét về chính sách tài khóa của Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nêu quan điểm: Việt Nam đã đưa ra chính sách tài khóa đúng đắn.
Cũng bởi, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng ở giai đoạn trước, khiến cho đầu tư tư nhân và tiêu dùng trong nước giảm mạnh. Vì vậy việc đưa ra chính sách tài khóa nới lỏng có nhiều dư địa để thực hiện khi nợ công chưa cao.
"Chính sách tài khóa nới lỏng cũng giúp giảm bớt gánh nặng đối với khu vực tư nhân trong nước xét về khía cạnh thuế và chi tiêu khác" - Chuyên gia của WB nhận xét.
Tuy nhiên, việc duy trì chính sách tài khóa nới lỏng kéo dài trong thời gian qua, cũng khiến nợ công tăng cao theo WB. Hiện nay tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã đạt tới mức 62,5% trong năm 2015, nợ Chính phủ vượt giới hạn, chuyên gia của WB cho rằng đã đến thời điểm Việt Nam cần cân nhắc thận trọng hơn trong chính sách tài khóa.
Ông nói: Nợ công của Việt Nam đã tiệm cận giới hạn 65% và đến thời điểm Vệt Nam cần cân nhắc thận trọng hơn trong chính sách tài khóa của mình. Việt Nam cần thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng nhưng không mạnh như cách đây vì đầu tư tư nhân, tiêu dùng trong nước tăng lên".
Dẫn chứng từ Báo cáo của WB đã dự báo, với mức nợ công hiện nay là 62,5% thì năm 2016 nợ công của Việt Nam có thể tăng lên mức 63,8%; năm 2017 tăng lên 64,4% và năm 2018 có thể ở mức 64,7%. Như vậy, nợ công đã tiến sát tới ngưỡng an toàn.
Trong khi đó, báo cáo mới đây nhất của Chính phủ gửi đến Quốc hội, cho biết đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công so với GDP khoảng 62,2%, nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%. Như vậy, nợ Chính phủ đã vượt trần quy định.
Trong khi đó, tổng sản phẩm GDP của Việt Nam là 4.192.900 tỷ đồng. Như vậy, với 62,2% thì nợ công của Việt Nam tương đương mức 2.607.900 tỷ (115,7 tỷ USD). Điều này đồng nghĩa, mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoản nợ khoảng 28,4 triệu đồng.
Bình luận về con số mỗi người dân Việt Nam gánh khoảng 28,4 triệu đồng nợ công là có quá cao hay không?, chuyên gia của WB cho rằng không có con số nào có thể áp dụng cho tất cả các nước về nợ công.
Đơn cử như tại Nhật Bản, nợ công lên tới 200% GDP xong nợ công của nước này vẫn ổn, trong khi một số nước nợ công chỉ ở mức 50% GDP thì đã phải chật vật xoay sở.
"Việc đánh giá nợ công cao hay thấp phụ thuộc vào tiếp cận nguồn vốn, kỳ hạn danh mục nợ như thế nào, không phải nợ công tăng lên" - chuyên gia WB nói.
Việt Nam có thể trả được 100% nợ công
Đánh giá về các khoản nợ công ở Việt Nam, chuyên gia của WB cho biết các khoản này chủ yếu là vay nợ ngắn hạn, nên sẽ tạo áp lực cho ngắn hạn trong việc trả nợ. Tuy nhiên, với mức nợ công khoảng 62% GDP thì vẫn đảo bảo và không quan ngại việc trả nợ theo WB.
"Điều chúng tôi quan ngại là ngân sách. Nếu không củng cố thì vài năm tới con số nợ khó bền vững hơn. Còn mức nợ hiện nay thì bền vững và Chính phủ có thể trả được 100% các khoản nợ này" - theo WB.
Dẫn chứng là có tới một nửa nợ công của Việt Nam là nợ nước ngoài, mức lãi thấp và hoàn toàn trong kiểm soát. Do vậy, chuyên gia của WB cho rằng khó khăn lớn nhất là khi các khoản trở nợ ngày càng lớn thì sẽ phải càng ít chi cho các khoản đầu tư giáo dục, y tế.
Chuyên gia WB khuyến cáo: "Việt Nam phải đưa ra kế hoạch tài khóa trung hạn cẩn trọng, tăng thu và ổn định chi thường xuyên, để chi đầu tư nhiều hơn và tạo tăng trưởng".
Được biết, hiện nay WB cũng đã làm việc với Chính phủ về các vấn đề này để giảm bớt gánh nặng nợ công và tháo gỡ khó khăn cho Việt Nam trong vấn đề nợ công.