MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mộng làm giàu trên mạng ảo

08-09-2021 - 07:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Mộng làm giàu trên mạng ảo

Người trong cuộc lúc tỉnh mộng trò đỏ đen này đều ghê sợ khi nhớ lại ngày tháng nợ nần chồng chất, công việc đổ vỡ.

Trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh đang điêu đứng, người lao động mất việc thu nhập sụt giảm vì dịch bệnh, các sàn giao dịch ảo (quyền chọn nhị phân - BO) được quảng cáo là mang lại cho người chơi lợi nhuận cả nghìn phần trăm/tháng xuất hiện ồn ào. Người trong cuộc lúc tỉnh mộng trò đỏ đen này đều ghê sợ khi nhớ lại ngày tháng nợ nần chồng chất, công việc đổ vỡ.

Bài 1: Đắng cay đầu tư tài chính 4.0

Thời gian qua, mạng xã hội xôn xao trước sự xuất hiện ồn ào bất thường của những người trẻ tự xưng CEO, hot girl tài chính 4.0. Họ ra sức tạo vẻ giàu có trên mạng xã hội để dẫn dụ người chơi đổ tiền vào các dự án tiền ảo, sàn giao dịch BO.

Dù các sàn BO không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nhưng vẫn thu hút lượng lớn người chơi giao dịch ngày đêm. Hiện, Wefinex và hệ thống các sàn có liên quan (dùng chung đồng Win) là nhóm có sức ảnh hưởng lớn nhất. Tháng 2/2021, qua người bạn làm đại lý cho sàn Wefinex, chị P. Hoài (nhân viên văn phòng, TPHCM) lần đầu biết tới hình thức đầu tư này. Đại lý giới thiệu người chơi, ngoài được hưởng hoa hồng 50 USD/lần giới thiệu còn nhận được 1% số tiền giao dịch ở cấp dưới (người chơi). Đây là lý do người bạn của chị Hoài ra sức hướng dẫn, thuyết phục chị chơi thử.

Chị Hoài cho biết, chị từng thắng lớn nhất khi đặt lệnh cược 5.000 USD (người chơi được 95% số tiền cược), còn với lệnh đặt cược 10.000 - 20.000 USD thì chưa thắng bao giờ. “Mới đầu chơi giải trí cho vui nhưng cứ đặt lệnh to là thua. Có lần thua đậm nhất, tôi mất 48.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng)”, chị Hoài kể.

 Mộng làm giàu trên mạng ảo  - Ảnh 1.

Một người từng đầu tư BO kể lại những ngày tháng bị thua lỗ nặng


Tháng 7/2021, chị Hoài chỉ dừng chơi trên sàn Wefinex khi hết sạch tiền, không còn chỗ vay mượn. Chị đã mất trắng 2 tỷ đồng vì đầu tư tài chính 4.0, chị nhẩm tính, phải mất 20 năm đi làm mới kiếm lại được. “Nghĩ lại thật khủng khiếp và nhói tim. Thực tế cứ như có ma cuốn tôi vào chơi, thua rồi gỡ, gỡ rồi thua. Đây là trò cờ bạc chứ không phải đầu tư tài chính, hệ thống đại lý gì cả”, chị Hoài cho hay.

Nhiều nhà đầu tư khi tỉnh cơn say đỏ đen trá hình mới tá hoả nhìn lại, nhận ra mình đã mất cả nhà vì theo chân đầu tư tài chính 4.0. Anh T.Quyền (ở TPHCM), người chơi trên sàn Wefinex cho biết, lúc mới vào sàn, anh nghĩ mình là thần đồng tài chính, số tiền kiếm được trong 1 tuần bằng 1 tháng lương, nhưng rồi có lúc thua lỗ đã quẫn trí nghĩ đến việc tự tử.

“Sàn giao dịch 24/24, lúc nào mình cũng nghĩ tới nó, trốn vào nhà vệ sinh chơi, chơi ở bất cứ đâu. Kinh khủng nhất là nó kiểm soát cuộc sống của mình”, anh Quyền nhớ lại. Anh Quyền cho biết, từng nghỉ chơi trên sàn Wefinex 2 tháng, nhưng rồi vẫn quay lại với tâm lý cay cú muốn gỡ gạc. Sau 2 lần thua, mất 45.000 USD, anh Quyền nhận ra vấn đề: Nếu còn bỏ tiền vào Wefinex sẽ còn thua thêm và có thể trở thành “nô lệ” cho trò đỏ đen này.

Khi thua tiền tỷ, anh Quyền vay nợ khắp nơi, bố mẹ anh phải bán đất để anh trả nợ. Trong thời gian chơi Wefinex, anh Quyền phát hiện, cái danh “chuyên gia tài chính” chỉ người ta có thể mua với giá 100 USD. Đại lý nhận hoa hồng trên mỗi lệnh của người chơi và mã giới thiệu. “Thực tế này không khác gì cờ bạc, cá độ, chỉ có xanh/ đỏ (lên/ xuống). Người chơi cá độ trực tuyến (online) gọi hoa mĩ là chuyên gia tài chính”, anh Quyền nói.

Từ thua lỗ thành chuyên gia

Khi người chơi đã thua sạch, thì các “chuyên gia tài chính” vẫn chưa buông tha, tìm đủ cách tạo niềm tin để họ vay mượn để chơi tiếp, hoặc nộp tiền để làm đại lý. Nguyễn. Đ (là sinh viên,18 tuổi, ở Bến Tre) có lẽ đã lỡ cơ hội học đại học, nếu vẫn đắm chìm trong cơn mê đầu tư tài chính 4.0. Đ đề nghị được giấu tên, vì cuộc sống của em giờ đã sang trang mới, đang chờ ngày lên TPHCM nhập học. Đ biết đến Wefinex vì tham gia một số hội nhóm trên facebook, được các chuyên gia tài chính dẫn dắt vào các room (nhóm) đọc lệnh, phím hàng trên zalo, telegram.

Với vốn ban đầu chỉ 30 USD, Đ cho biết, lúc đầu chỉ nghĩ chơi vui, nhưng lúc thua anh lại tiếp tục nạp để chơi nhiều hơn. Đỉnh điểm, Đ gom góp, vay 1.000 USD gửi uỷ thác đầu tư, được cam kết chia lợi nhuận theo ngày. “Thế rồi tiền cũng cạn nhanh, mỗi ngày mất dần 50% vốn, em vay tất cả 5.000 USD, lãi đẻ ra thành 6.000 USD. Em tá hoả luôn”, Đ nói.

Khi đã thua sạch, không thể vay mượn thêm, cấp trên gợi ý Đ mua quyền làm đại lý với giá 100 USD để hưởng hoa hồng, gỡ lại tiền đã mất. Vào hệ thống, Đ được đào tạo làm hình ảnh trên facebook, mặc vest đi chụp ảnh ở studio. Đ kể: “Những hình ảnh hoa hồng, cảnh ăn uống sang trọng, câu nói đạo lý… có người chuẩn bị hằng ngày gửi cho tôi lúc 7-8 giờ sáng để đăng facebook. Rồi anh em tự tương tác ca ngợi nhau: tuyệt vời quá, uy tín quá”.

Công việc kéo dài hơn 2 tháng nhưng Đ không kiếm được khách, chán nản, bỏ cuộc. Vỡ mộng kiếm tiền trả nợ, Đ thú nhận với gia đình. Khoản nợ của Đ đến nay vẫn là gánh nặng cho gia đình, sắp tới sẽ càng thêm khó khăn, khi bố mẹ phải chuẩn bị số tiền lớn cho con nhập học đại học.

Dù đã thoát trò đầu tư tài chính trá hình này, nhưng em vẫn mang tâm lý mặc cảm vì mắc nợ, vất vả cho bố mẹ. Đ cho biết: “Hơn 100 triệu đồng với học sinh như em là rất lớn. Em lên TPHCM học sẽ cố gắng hơn nhiều, làm thêm, để có tiền phụ giúp bố mẹ. Đây là bài học quá lớn”.

BO là dạng đặt cá cược, dự đoán giá tiền ảo, cổ phiếu tăng/giảm trong từng phút. Nhà đầu tư bỏ vốn theo tỷ giá quy đổi tiền ảo của sàn, sau đó đặt lệnh theo chuyên gia phím hàng. Thời gian đặt lệnh 30 giây, chờ kết quả trong 30 giây. Nếu kết quả chính xác, người chơi lãi 95% số tiền cược, ngược lại chọn sai thì mất toàn bộ số tiền đó. Cách kiếm tiền, đào tạo làm giàu siêu lợi nhuận này lộ rõ nhiều bất thường, núp bóng đầu tư tài chính, tiền ảo, nhưng kỳ thực hoạt động này giống trò cờ bạc.

Cuối năm 2020, sau khi tốt nghiệp đại học, T.Trần (22 tuổi, ở Cần Thơ) theo lời bạn rủ rê, nạp 1.000 USD vào sàn Wefinex với hứa hẹn kiếm tiền triệu/ngày. Bạn trẻ dành 3-4 tiếng/ngày giao dịch theo các buổi đọc lệnh, có chuyên gia phím hàng.

Đầu tháng 8/2021, T.Trần chỉ dừng giao dịch khi không còn xoay được tiền, mất trắng 15.000 USD (370 triệu đồng). Cô gái trẻ chìm trong nợ nần. “Bố mẹ em đang rao bán nhà để trả nợ, nhưng do dịch bệnh nên chưa có người mua. Có lúc em đã nghĩ khép lại cuộc đời cho xong”, cô gái T.Trần kể.

(Còn tiếp)

Theo Thùy Dương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên